TP.HCM từng là ví dụ tiêu biểu của đổi mới sáng tạo, tuy nhiên hiện nay có vẻ dè dặt. Do vậy, trong đồ án quy hoạch cần đánh giá xu hướng tương quan tác động của TP với vùng, làm rõ vị thế của TP trong khu vực Đông Nam Á. Đây là góp ý của các đại biểu tại hội thảo tham vấn “Dự thảo quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050”.
Quy hoạch lần này giúp TP.HCM tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để phát triển vượt bậc
Khuyết điểm không được giải quyết sẽ là điểm nghẽn
Theo GS.TS Trần Trọng Hanh – Chủ nhiệm đồ án quy hoạch TP.HCM, trong quá trình phát triển, TP.HCM đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng có rất nhiều khuyết điểm nếu không được giải quyết tốt thì sẽ trở thành điểm nghẽn, ảnh hưởng đến phát triển bền vững trong tương lai. TP đang đứng trước nhiều thách thức, trong đó có mô hình mới là lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tạo ra giá trị khác biệt. Nhu cầu đổi mới sáng tạo với chuyển đổi xanh, chuyển đổi số nếu không làm được sẽ rất khó khăn cho phát triển bền vững và không thể ngăn chặn được chiều hướng suy giảm – đó là tính vượt trội, năng động, sáng tạo, vai trò đầu tàu và động lực dẫn dắt của TP đối với vùng và cả nước.
Với quy mô dân số lớn – khoảng 10 triệu dân, theo Ngân hàng Thế giới, TP.HCM sẽ là một trong 20 siêu TP. Trong khi đó, quỹ đất đang khan hiếm, tiềm năng để khai thác còn lại rất ít. Mô hình phát triển kinh tế theo kiểu đô thị đơn cực từ lâu không còn phù hợp. Trong tương lai việc phát triển liên kết vùng là vô cùng lớn; biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sụt lún, ngập lụt là vấn đề thách thức. Với thách thức này, trọng tâm phát triển thời gian tới phải được định hướng là phát triển đa cực, kinh tế xanh, thông minh, đảm bảo môi trường phát triển bền vững…
Ông Chris Malone – Giám đốc điều hành Boston Consulting Group – cho rằng, đồ án quy hoạch lần này của TP.HCM như một chiếc ô tô cần lái nhanh với tốc độ 150km/h, tuy nhiên lại chưa nói rõ chi tiết động cơ xe nhanh như thế nào để đạt mục tiêu vận tốc đề ra. Thực tế đòi hỏi cần làm rõ chi tiết những cơ hội TP.HCM đang có để thúc đẩy TP phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo ông Chris Malone, TP.HCM là điểm đến hấp dẫn bởi nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như các điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi khác nên TP phải có giải pháp tận dụng được cơ hội này trước khi bị đánh mất bởi các TP ở các quốc gia khác như Singapore, Kuala Lumpur…
Góp ý cho đồ án, TS. Cao Viết Sinh – nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – cho rằng, TP.HCM chiếm 54% GDP của vùng Đông Nam bộ. Vì vậy cần đánh giá xu hướng tương quan tác động của TP với vùng, làm rõ vị thế của TP trong khu vực Đông Nam Á.
Trên cơ sở ý kiến các chuyên gia, đồ án quy hoạch TP.HCM hoàn thiện và trình hội đồng thẩm định vào cuối tháng 4 nhằm đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành trước 30-6 để trình cấp thẩm quyền phê duyệt. |
Theo GS.TS Sử Đình Thành – Giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, TP có độ mở rất lớn và kinh tế TP phụ thuộc vào độ mở này. Vì vậy cần có những phân tích thận trọng, mô hình tăng trưởng của TP cần được đặt trong mô hình tăng trưởng của vùng.
Tập trung giải quyết các nút thắt
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, TP.HCM sẽ nhận vai trò là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Có nghĩa không phải chỉ so sánh trong phạm vi cả nước mà còn đặt trong hợp tác, cạnh tranh khu vực quốc tế. TP có trách nhiệm xác lập vai trò, vị trí, nhiệm vụ trong xây dựng, phát triển đất nước. Do vậy, quy hoạch lần này phải nhận diện hết các điểm nghẽn, hạn chế, khai mở hết tiềm năng, không gian, động lực cho sự phát triển để TP.HCM có thể đảm đương vai trò đầu tàu.
“TP.HCM không chỉ làm việc này cho TP.HCM và cũng không tự làm một mình mà làm trong bối cảnh liên kết vùng, trước hết là kết nối vùng Đông Nam bộ – vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đặt trong bối cảnh chung của Việt Nam trong hợp tác quốc tế”, ông Mãi cho hay.
Ông Nguyễn Chí Dũng – Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – đánh giá, thời gian qua sự phát triển của TP.HCM đối diện nhiều khó khăn, thách thức. Các tiềm năng chưa được khai thác tương xứng; tính vượt trội, sự năng động đang có chiều hướng suy giảm, trong đó tỉ lệ đóng góp GDP năm 2023 chỉ còn 16,5%. Đặc biệt lợi thế về cửa ngõ quốc tế của TP.HCM có thể suy giảm thời gian tới khi Sân bay quốc tế Long Thành đi vào hoạt động. TP.HCM hiện đang như “lò xò” bị bó kỹ, vì vậy quy hoạch lần này phải tác động để “lò xò” bật lên, nó bật lên thì sẽ phát triển…
Cũng theo ông Dũng, phát triển TP.HCM phải đi đầu, mang tính dẫn dắt và lan tỏa, là cực tăng trưởng phía Nam và trở thành TP kết nối toàn cầu. Trong các giải pháp đột phá, TP.HCM cần tập trung vào những vấn đề là nút thắt gồm: giải quyết ùn tắc giao thông, chống ngập úng và tập trung phát triển công nghiệp. Đẩy mạnh cơ cấu kinh tế bám sát xu hướng phát triển mới như kinh tế số, kinh tế xanh, tuần hoàn, khoa học công nghệ, AI…
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)