Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Phấn đấu tặng 5 triệu quyển sách cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 31-10, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp cùng UBND huyện Nhà Bè đã tổ chức lễ bàn giao sách cho cơ sở trên địa bàn TP năm 2023 và công bố kế hoạch khảo sát tỉ lệ đọc sách giai đoạn 2022-2023 cho người dân và học sinh trên địa bàn.


Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cùng ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM trao sách cho thư viện các quận, huyện trên địa bàn TP

Tham dự buổi lễ có ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM; ông Triệu Đỗ Hồng Phước – Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cùng đại diện lãnh đạo các quận, huyện, TP.Thủ Đức và các trường học.

Hàng ngàn quyển sách được trao tặng

Các loại sách được bàn giao gồm: Tủ sách lý luận chính trị, tủ sách giáo dục truyền thống, tủ sách phục vụ công tác quản lý nhà nước, tủ sách “Danh mục sách hỗ trợ dạy và học bậc tiểu học”. Các cơ sở nhận sách có thư viện các quận, huyện, TP.Thủ Đức; 63 xã, thị trấn thuộc 5 huyện ngoại thành và 10 thư viện trường tiểu học.

Ông Lâm Đình Thắng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM – cho biết, TP.HCM rất quan tâm thúc đẩy nâng cao văn hóa đọc trong cộng đồng. TP nhận thức rằng, phát triển kinh tế luôn song hành với phát triển văn hóa. Văn hóa đọc đóng góp lớn vào việc bồi dưỡng, trau đồi kiến thức, kỹ năng trong cuộc sống, giúp hoàn thiện nhân cách của con người.

Bên cạnh đó, TP cũng chủ động, sáng tạo và tâm huyết trong việc đầu tư, tổ chức các hoạt động thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sách. Ngân sách dành cho các hoạt động xuất bản, văn hóa đọc tăng dần quan từng năm. Nhiều địa phương, sở ngành đều quan tâm bố trí thư viện tại nơi làm việc, quy hoạch và xây dựng ngày càng nhiều và đa dạng hình thức không gian đọc sách.

Tính đến nay, toàn TP có hơn 2.700 thư viện, trong đó có 1.509 thư viện địa phương và 1.158 thư viện trường học. Gần đây nhất trong 50 công trình tiêu biểu thi đua chào mừng 50 ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có 1 công trình với 2 nội dung lớn liên quan đến sách là mở rộng các không gian đọc sách theo 4 hướng của TP, kết nối Đường sách Nguyễn Văn Bình và tặng 5 triệu quyển sách cho học sinh TP.


Học sinh huyện Nhà Bè đọc sách do Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM trao tặng

Trong 2 năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã cung cấp trang bị bổ sung 72.000 quyển sách lý luận, chính trị, giáo dục truyền thống cho các cơ sở trên địa bàn TP. Riêng năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM phối hợp với các đơn vị trang bị, bổ sung 12.798 quyển sách trong đó có 72 tựa sách tương ứng với 3.098 quyển sách lý luận, chính trị, giáo dục truyền thống và sách phục vụ cho công tác quản lý nhà nước tại xã, thị trấn.

“Ngoài ra, sở còn trao tặng 10 tủ sách “Danh mục sách khuyến nghị hỗ trợ dạy và học cấp tiểu học” cho thư viện các trường tiểu học ở 5 huyện ngoại thành. Việc này đã góp phần làm phong phú tủ sách ở cơ sở phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu và nâng cao kiến thức cho mọi đối tượng”, ông Thắng thông tin.

Kỳ vọng tác động lớn đến nhân dân

Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – cho hay, sau 15 năm TP thực hiện đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn (từ năm 2009 đến nay) đã nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đọc. Từ đó đã xây dựng được phong trào đọc sách trong các cơ quan, đơn vị, trường học và trong toàn xã hội.

“Tôi tin tưởng và kỳ vọng các công trình, dự án về phát triển văn hoá đọc trên địa bàn TP trong thời gian tới sẽ tác động lớn đến đời sống dân sinh của người dân và sự phát triển của TP”, ông Đức nhấn mạnh.

Bà Lê Thị Anh Thư – Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè – chia sẻ, nhờ việc trang bị sách cho các cơ sở trên địa bàn TP trong đó có huyện Nhà Bè, các thư viện ở các cơ quan, đơn vị, trường học trên địa bàn có thêm nhiều đầu sách giá trị, góp phần làm phong phú thêm nguồn sách để phục cho nhu cầu đọc sách của cán bộ, người dân. Nhờ đó, phong trào đọc sách trên địa bàn ngày càng được lan tỏa đến công chúng.

“Chúng tôi sẽ xem đây là một trong những cơ sở quan trọng để hệ thống chính trị tiếp tục phấn đấu, nỗ lực và hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc trên địa bàn. Đồng thời, chúng tôi sẽ thực hiện tốt công tác quản lý và phát hành nguồn sách được tiếp nhận một cách hiệu quả. Song đó, chúng tôi sẽ chỉ đạo Phòng Văn hóa Thông tin, Phòng GD-ĐT, Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông trên địa bàn tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền đến tầng lớp nhân dân xây dựng, duy trì thói quen đọc sách và phát triển văn hóa đọc”, bà Thư bày tỏ.

Dịp này, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đã công bố kế hoạch khảo sát tỉ lệ đọc sách (năm 2022 – 2023) cho người dân và học sinh TP. Có 2 giai đoạn tiến hành thực hiện khảo sát: Giai đoạn 1 vào quý IV năm 2023 và giai đoạn 2 vào năm 2024. Thời gian công bố kết quả nghiên cứu khảo sát dự kiến vào lễ khai mạc Lễ hội Đường Sách Tết Giáp Thìn năm 2024.

Là địa phương đầu tiên trên cả nước thực hiện việc khảo sát tỉ lệ đọc sách, triển khai thu thập thông tin về thói quen và sở thích, đánh giá các yếu tố tác động sẽ là tiền đề để Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM thực hiện các chủ trương của lãnh đạo TP. Qua đó, sở tham mưu những chính sách, các thiết chế văn hóa đọc, tiếp tục đầu tư tổ chức với nhiều nét mới, hoạt động sôi nổi để góp phần hình thành thói quen, đẩy mạnh hoạt động khuyến đọc cho các tầng lớp nhân dân, thế hệ trẻ.

Hồ Trinh

 

Bình luận (0)