Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM phấn đấu xây dựng bản đồ số giáo dục hoàn chỉnh

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ điều chỉnh dữ liệu, thuật toán bản đồ GIS trong tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2024-2025, giúp thành phố có một bản đồ số về giáo dục hoàn chỉnh nhất cả nước.


TP.HCM phấn đấu xây dựng bản đồ số giáo dục hoàn chỉnh trong năm học 2024-2025

Bản đồ GIS lần đầu được Sở GD-ĐT TP.HCM đưa vào thí điểm trong tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2023-2024 với 3 địa phương là quận 8, Tân Bình và TP.Thủ Đức. Cùng với hệ thống tuyển sinh trực tuyến, kết hợp thông tin nơi ở dữ liệu học sinh, việc đưa bản đồ GIS vào tuyển sinh đầu cấp được Sở GD-ĐT TP.HCM đặt mục tiêu mỗi một học sinh sẽ được học tại trường gần nhà, nhằm tạo thuận lợi cho cha mẹ học sinh trong việc đưa đón, giảm thiểu tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm…

Từ thực tế trong năm đầu triển khai, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, việc đưa bản đồ GIS vào công tác tuyển sinh đã hỗ trợ tốt công tác tuyến sinh tại các phòng giáo dục và đào tạo khi thực hiện theo Đề án 06 (không sử dụng hộ khẩu). Thông qua bản đồ GIS, các địa phương có thể phân bổ học sinh vào các trường một cách uyển chuyển, linh hoạt, phù hợp với khoảng cách từ nhà tới trường, không còn cứng nhắc như trước đây khi phân bổ theo hộ khẩu. Công tác tuyển sinh được công khai, có cơ sở minh chứng đầy đủ và được lưu trữ trên hệ thống, giúp tăng sự hài lòng, đồng thuận của cha mẹ học sinh trong tuyển sinh.

Đặc biệt theo ông Nam, với việc áp dụng bản đồ GIS kết hợp với dữ liệu đăng ký của học sinh, Sở GD-ĐT đã có cái nhìn tổng quan trong việc phân bổ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn, từ đó đưa ra được các đánh giá phục vụ cho việc phát triển hệ thống trường lớp trong tương lai, phù hợp với phát triển dân số của từng khu vực.

Tuy nhiên, ông Lê Hoài Nam thừa nhận, nếu chỉ áp dụng GIS trong tuyển sinh đầu cấp mà bỏ qua các công cụ khác như phổ cập, rà soát địa bàn thì sẽ xảy ra tình trạng dư thiếu học sinh cục bộ ở một số trường. Nguyên nhân xuất phát từ việc xây dựng trường lớp chưa thật sự phù hợp với việc phát triên dân cư của từng khu vực, cũng như chưa tính toán đến mật độ phát triển dân cư của từng khu vực không đồng đều và có sự chênh lệch rất lớn.

Thông tin trên GIS vẫn còn một số sai sót hoặc chưa chính xác, đặc biệt ở những khu vực mới như TP.Thủ Đức, dẫn tới khi phân bổ chỗ học có thể gây ra tình trạng chưa chính xác.

Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Ông Lê Hoài Nam đánh giá: Việc áp dụng GIS cho công tác tuyển sinh đầu cấp đã đem lại nhiều thuận lợi trong việc xây dựng kế hoạch tuyển sinh, phân bổ chỉ tiêu cho các trường, là cơ sở minh chứng hỗ trợ cho trong công tác phân bổ học sinh tới các trường sao cho phù hợp, thuận lợi và tạo được sự đồng thuận của người dân. Đặc biệt việc kết hợp bản đồ GIS với dữ liệu tuyển sinh sẽ hỗ trợ rất lớn cho công tác quy hoạch xây dựng trường lớp, là cái nhìn đầy đủ về việc phân bổ dân cư, trường lớp để từ đó đưa ra những chính sách phù hợp với tình hình thực tế theo từng khu vực.

“Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tiếp tục phối hợp rà soát địa bàn để cập nhật dữ liệu thực tế trên GIS, rút kinh nghiệm và điều chỉnh phù hợp các dữ liệu, thuật toán, từng bước giúp thành phố có một bản đồ số về giáo dục hoàn chỉnh nhất cả nước. Bản đồ GIS sẽ được triển khai rộng trên địa bàn toàn thành phố trong năm học 2024-2025 các năm tiếp theo”- Phó Giám đốc Lê Hoài Nam thông tin.

Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)