Các chuyên gia, nhà quản lý đánh giá Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (TCQTCG) không những tác động tới khu vực Đông Nam bộ mà còn mang tầm quốc gia. Do đó, nghiên cứu xây dựng cảng cần làm nhanh để không đánh mất các cơ hội đầu tư, phát triển. Mặt khác, cảng mang một tầm vóc lớn nên cần có sự phối hợp thực hiện cũng như học hỏi kinh nghiệm xây dựng cảng quốc tế từ các quốc gia đã thực hiện.
Huyện Cần Giờ, TP.HCM
UBND TP.HCM vừa tổ chức hội thảo Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng TCQTCG. Theo dự thảo đề án, vị trí cảng là khu vực cù lao Phú Lợi, nằm ở cửa sông Cái Mép. Cảng TCQTCG có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus). Tổng mức đầu tư dự kiến gần 5,4 tỷ USD. Dự án được phát triển theo 7 giai đoạn từ nay đến 2045.
Dự án có định hướng phát triển bởi các công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại gắn liền với đề xuất, giải pháp bảo vệ môi trường và hệ sinh thái theo hướng bền vững. Yêu cầu khi triển khai dự án phải hình thành một cảng trung chuyển quy mô quốc tế, đồng thời đáp ứng việc di dời các cảng ở khu vực nội đô, thu hút doanh nghiệp tham gia hoạt động.
Hoàn thành vào 2045 là quá chậm
Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo.
Theo ông Trần Du Lịch – thành viên Tổ tư vấn của Chính phủ, đây là dự án lớn, không chỉ đầu tư riêng Cảng TCQTCG mà còn liên quan đến nhiều thành phần hạ tầng giao thông kết nối khác cũng như phải tính đến vấn đề bảo vệ môi trường. Do đó không nên có tư duy Cảng Cái Mép – Thị Vải là của Bà Rịa -Vũng Tàu, còn Cảng TCQTCG là của TP.HCM mà phải xem đây là hai bộ phận cùng phối hợp thành cảng trung chuyển của cả vùng Đông Nam bộ. Ban Điều phối vùng Đông Nam bộ cần phối hợp ngay từ đầu để triển khai đồng bộ, chuẩn bị tốt nhất các điều kiện để triển khai theo lộ trình.
“Cảng TCQTCG sẽ là cửa ngõ giao thương khai thác lợi thế vận tải đường biển từ châu Á sang châu Âu, châu Mỹ. Cần bàn và triển khai làm nhanh để không mất các cơ hội đầu tư là vấn đề quan trọng”, ông Lịch nói.
Ông Đinh Ngọc Thắng – Cục trưởng Hải quan TP.HCM – cho rằng, Cảng TCQTCG là công trình được sự mong mỏi của nhiều thế hệ. TP phải có sự quyết tâm, nếu không làm sớm sẽ bị tụt hậu. Khi Cảng TCQTCG được xây dựng, 70-80% hàng hóa trung chuyển về đây sẽ giúp giảm chi phí logistics rất lớn.
Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập khẩu, Bộ Công thương – cũng đánh giá, Cảng TCQTCG không chỉ tác động khu vực Đông Nam bộ mà còn mang tầm quốc gia. Tuy nhiên, nếu theo kế hoạch đề án xây dựng đến 2045 mới hoàn thành thì lâu quá. Trước tốc độ thế giới thay đổi ngày càng nhanh, công nghệ xây dựng ngày càng hiện đại thì phải có sự quyết tâm rút ngắn thời gian xây dựng.
“Trong ngành logistics, vận tải đường biển chiếm vị trí rất lớn. Muốn nâng tầm logistics phải làm cảng trung chuyển và đây là thời điểm thích hợp làm việc này”, ông Hải nói.
Mô hình Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai
Theo ông Hải, trong tương lai có thể hình thành cụm cảng Cái Mép – Cần Giờ, do đó cần sự phối hợp giữa TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu. Sự phối hợp còn thể hiện rõ vai trò liên kết vùng. Tuy nhiên hạ tầng giao thông của huyện Cần Giờ hiện chưa có, trong khi xây cảng trung chuyển phải đảm bảo kết nối hạ tầng trong cảng và hạ tầng giao thông xung quanh. Mặt khác, hiện cảng trung chuyển đi theo xu thế cảng xanh, thông minh, ứng dụng công nghệ số. Do vậy đây đều là những việc bắt buộc làm mới phát triển tối ưu vai trò của cảng trung chuyển.
Phát triển song song hạ tầng cứng và mềm
Theo dự thảo đề án nghiên cứu xây dựng Cảng TCQTCG, ngoài giúp phát triển đội tàu biển container tham gia vận chuyển hàng trung chuyển từ các nước trong khu vực đến Cần Giờ; cảng còn góp phần tạo ra khu đô thị biển, tạo ra một lượng lớn công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động, sẽ là nơi khởi nghiệp, mở rộng cho hàng trăm doanh nghiệp logistics, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khác có liên quan.
Với tính chất này, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam – khẳng định, đây là một dự án lớn mang tính tiêu biểu, TP.HCM cần xem xét chỉ định, phân công các doanh nghiệp có năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia góp vốn đầu tư, điều hành, vận hành. Có như vậy mới nâng cao trình độ vận hành khai thác mang tính quốc tế cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của nền công nghiệp logistics Việt Nam so với khu vực và trên thế giới.
Ông Hiệp góp ý, TP.HCM nên học tập mô hình của PSA Singapore vào xây dựng mô hình Cảng TCQTCG; nghĩa là không phân chia thành nhiều chủ thể hoặc nhiều dự án thành phần nhằm tập trung cao về quy mô, trình độ khai thác, nâng cao năng lực cạnh tranh với khu vực. Đơn cử, PSA là một chủ thể, pháp nhân quản lý vận hành toàn bộ hoạt động của Cảng PSA Singapore và các cảng thuộc PSA đang đầu tư khai thác ở nước ngoài. Năm 2022, sản lượng khai thác tại PSA Singapore là 37 triệu TEU (Twenty-foot Equivalent Unit, là đơn vị đo lường tương đương 1 container 20 feet tiêu chuẩn) và tại các cảng ngoài Singapore do PSA đầu tư là 53 triệu TEU.
Mặt khác, để thực sự trở thành một cảng trung chuyển quốc tế thì không chỉ hoàn thành hạ tầng cứng mà cần hoàn thành cả hạ tầng mềm và kết nối mềm. Trong đó, thủ tục hành chính, các cơ chế chính sách liên quan đến vấn đề quản lý Nhà nước về hải quan, xuất nhập khẩu có ý nghĩa rất quan trọng, thậm chí mang tính thành bại của dự án.
“Hàng năm Cảng PSA – Singapore tiếp nhận, xử lý khoảng 30 triệu TEU, số liệu năm 2022 cho thấy đơn vị này tiếp nhận, xử lý 37 triệu TEU tại cảng. Với một sản lượng đồ sộ như vậy thì vấn đề thủ tục hành chính, quản lý về hải quan phải rất thông thoáng thì mới có thể xử lý được”, ông Hiệp nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý xuất nhập khẩu, Bộ Công thương – nói, hạ tầng mềm tức là cơ chế. Khối lượng hàng trung chuyển đến cảng là rất lớn nên đòi hỏi cơ chế hải quan phải thông thoáng mới có thể thu hút và thuận lợi cho nguồn hàng. Đồng thời, cần thiết lập các khu thương mại tự do, là yếu tố cộng sinh để phát triển đôi bên. Khu thương mại tự do chính là khu chế xuất gắn liền để tận dụng lợi thế của cảng. Lúc đó, hàng hóa đến cảng có thể vận chuyển xuống đóng gói…
“Không có hạ tầng, cơ chế đủ mạnh thì khó nói đến cảng trung chuyển. Và nên học hỏi kinh nghiệm xây dựng cảng của Malaysia vào việc xây dựng Cảng TCQTCG”, ông Hải nhấn mạnh.
Để có thêm cơ sở triển khai Cảng TCQTCG, ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu Sở Giao thông Vận tải cùng các bên liên quan hoàn thành đề án trong tháng 5; trong đó nghiên cứu kỹ việc phát triển cảng biển nhưng đồng bộ với bảo vệ môi trường.
Phú Cát
Bình luận (0)