Thông tin được bà Trần Thị Diệu Thúy (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) nêu ra tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của ngành văn hóa, thể thao và du lịch với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc – Động lực phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào ngày 18-12.
Phát biểu tại hội nghị, bà Thúy cho biết, quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định rõ các mô hình phát triển, đóng góp của từng ngành, lĩnh vực vào phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; định hướng phân bổ nguồn lực để thực hiện các dự án có tính đột phá và tạo động lực cho sự phát triển.
Theo đó, TP đã đề xuất bổ sung vào quy hoạch các quỹ đất để xây dựng các phim trường, trung tâm thời trang, trung tâm biểu biễn, trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa…
Hiện nay, số doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa có khoảng 17.670 doanh nghiệp, chiếm khoảng 7,74% số doanh nghiệp của toàn TP. Giá trị sản xuất hàng năm của các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực công nghiệp văn hóa đều tăng.
Năm 2010, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt trên 36.094 tỷ đồng, đến năm 2020 giá trị sản xuất tăng hơn 2,1 lần so với năm 2010. Đóng góp của sản xuất các ngành công nghiệp văn hóa trong GRDP ngày càng tăng, thể hiện vị thế của ngành đối với phát triển kinh tế của TP (GRDP năm 2010 chiếm tỷ lệ 3,77%, đến năm 2019 chiếm tỷ lệ 3,88%, hiện tại mức tăng trưởng đã vượt lên con số trên 5%).
Tỷ lệ đóng góp GRDP của ngành quảng cáo chiếm tỷ lệ cao nhất trong các ngành công nghiệp văn hóa hiện nay. Đây cũng là ngành có sự tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây.
Cụ thể, năm 2010 tỷ lệ đóng góp GRDP của ngành là 1,66%, năm 2015 là 1,65% và năm 2020 chiếm 1,76% GRDP của TP. Có thể thấy, đây là một trong những ngành có tiềm năng phát triển và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của TP.HCM, nếu được quan tâm và đầu tư hơn nữa cho ngành.
Các hoạt động sáng tác, biểu diễn, giao lưu văn hóa, đóng góp vào các hoạt động ngoại giao văn hóa tích cực, giữ vị trí quan trọng trong việc hình thành các hình thức trình diễn tổng hợp, các mô hình hoạt động trình diễn nghệ thuật đa ngành.
Các chương trình biểu diễn với quy mô quốc tế được tổ chức thường xuyên, sự bùng nổ của hàng loạt live concert với sức đầu tư lớn về nội dung, hình thức và số lượng khán giả trên chục ngàn người, đóng góp hiệu quả vào tổng thu ngân sách TP.
“TP đang xây dựng hồ sơ gia nhập mạng lưới sáng tạo thuộc mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực điện ảnh vào đầu năm sau. Việc phấn đấu gia nhập mạng lưới các TP sáng tạo của UNESCO mang đến cho TP.HCM nhiều lợi thế vượt trội, giúp nâng cao vị thế của TP trên trường quốc tế và đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững”, bà Thúy nhấn mạnh.
Bà Thúy cho rằng, để phát triển công nghiệp văn hóa trở thành động lực nội sinh góp phần phát triển kinh tế – xã hội, TP.HCM cần tập trung đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa hiện đại, tạo động lực cho ngành công nghiệp văn hóa phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư các phim trường, trung tâm biểu diễn, trung tâm trưng bày triển lãm, cơ sở đào tạo chuyên ngành công nghiệp văn hóa…
Song song với đó, tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện hệ thống quy phạm pháp luật, các cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP; nghiên cứu cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù của TP.HCM nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi, hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp văn hóa…
Hồ Trinh
Bình luận (0)