Với lợi thế hơn 1.000km đường sông cùng nhiều tiềm năng về phát triển du lịch đường thủy nội địa, Sở GTVT TP phối hợp với Sở Du lịch TP đã tổ chức tọa đàm “Phát triển đường thủy gắn với sản phẩm du lịch TP.HCM” nhằm tháo gỡ những khúc mắc hiện có và đưa ra phương hướng phát triển du lịch đường sông trong thời gian tới.
TP.HCM phấn đấu đạt 450 ngàn lượt khách du lịch đường thủy vào năm 2018 |
Tận dụng mọi nguồn lực
Tại buổi tọa đàm, ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở GTVT TP.HCM) cho biết, với lợi thế của sông Sài Gòn cùng hệ thống sông nhỏ, kênh rạch, TP.HCM sở hữu 1.000km đường sông, trong đó có 975km đã được đưa vào quy hoạch và tổ chức quản lý, tạo sự kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa Vũng Tàu… Đây là lợi thế rất lớn để thành phố vừa phát triển đường thủy vừa kết hợp phát triển du lịch đường thủy. Trong đó, có nhiều tuyến nằm ngay trung tâm, thuận tiện vận chuyển hành khách trên sông Sài Gòn, kênh Tẻ, kênh Đôi, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, kênh Tàu Hủ, sông Vàm Thuật,…
Ưu thế này đang phát huy hiệu quả với sự ra đời của 7 tour du lịch đường sông gồm Tân Cảng – Bình Dương – Bến Đình (Củ Chi); Tân Cảng – Bình Dương – Khu du lịch sinh thái cá koi Hải Thanh; Tân Cảng – Cần Thạnh (Cần Giờ); Tân Cảng – Bán đảo Thanh Đa (Bình Thạnh); Tân Cảng – Bến Đình (Củ Chi); Tân Cảng – Long Phước (Q.9) và Tân Cảng – Vàm Sát (Long An)… Sự mới mẻ của loại hình du lịch này đang là điểm đến thu hút khách tham quan và khách hành hương trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh các tour du lịch tầm ngắn và tầm trung đang được khai thác, mô hình nhà hàng trên sông, tour tham quan nội đô và đi các tỉnh Đông Nam bộ, Cần Giờ bằng ca nô cao cấp cũng đang được tư nhân đầu tư phát triển nhằm làm phong phú thêm loại hình du lịch đường thủy. Bên cạnh việc phát triển du lịch đường thủy, thành phố mới đưa vào hoạt động tuyến buýt đường sông từ ngày 25-11, vừa góp phần giảm tải cho đường bộ, vừa định hướng thói quen di chuyển từ đường bộ sang đường thủy, thêm phương án lựa chọn phương tiện lưu thông cho người dân.
Để thúc đẩy phát triển du lịch đường thủy nội địa với những ưu thế và tiềm năng sẵn có, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch đường thủy giai đoạn 2017-2020, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 sẽ có ít nhất 7 chương trình du lịch đường thủy được đưa vào khai thác trên các tuyến sông Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp, Đồng Nai và các tuyến kênh nội đô. Đồng thời tập trung khai thác những chương trình du lịch kết nối cảng biển với các tuyến du lịch đường sông. Ở mục tiêu gần, thành phố đang phấn đấu từ nay đến năm 2018, đạt 450 ngàn lượt khách du lịch đường thủy, doanh thu 540 tỷ đồng, 470 ngàn lượt khách quốc tế và tăng 15% ở tất cả các lĩnh vực trong những năm tiếp theo.
Xây dựng “dòng sông hoa”
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Du lịch Lửa Việt) tại buổi tọa đàm vừa qua. Ông Mỹ cho rằng: “Hai bên bờ sông cũng có thể “làm đẹp” như ở một số tuyến đường, tại sao có đường hoa Nguyễn Huệ lại không có sông hoa? Nếu làm được điều này sẽ tạo điểm nhấn độc đáo cho thành phố, không có nước nào sánh bằng”.
Theo ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở GTVT TP), trong thời gian tới, một số tuyến du lịch nội đô và ngoại tỉnh sẽ được tập trung phát triển gồm tuyến Nhiêu Lộc – Thị Nghè, tuyến đi quận 7, Cần Giờ, Củ Chi, Vũng Tàu, Bình Dương, tuyến đi các tỉnh miền Tây… Vào ngày 23-12 tới, tuyến TP.HCM – Cần Giờ (do Công ty Greenlines DP đầu tư) sẽ chính thức hoạt động nhằm phục vụ nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết Dương lịch 2018. |
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ (Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM), lượng khách du lịch đường thủy trong năm 2017 khá cao, đạt 1.127.855 lượt khách. Do đó, việc quy hoạch cảnh quan hai bên bờ sông các tuyến kênh là rất quan trọng, tạo sức hấp dẫn và điểm nhấn cho du lịch đường thủy. Căn cứ từ tình hình thực tế cho thấy, các bến thủy do thành phố đầu tư như bến Bình Khánh, Bình Hòa, Bình Đông, Lò Gốm, bến Trạm phân khu 1 và phân khu 2 tuy đảm bảo về yếu tố kỹ thuật và độ an toàn, nhưng tính thẩm mỹ chưa cao và còn thiếu nhà vệ sinh cho du khách. Một số vấn đề khác cũng cần được cải tạo kịp thời như nguồn nước ô nhiễm nặng, kênh rạch bị lấn chiếm, độ tĩnh không cầu còn thấp gây khó khăn trong lưu thông cho tàu thuyền. Bên cạnh đó, đại diện Sở Du lịch TP cũng đưa ra một số đề xuất tạo thêm tính hấp dẫn cho du lịch đường thủy như cho phép tàu du lịch nước ngoài được mở cửa khu trò chơi có thưởng, cửa hàng miễn thuế; làm nhà bè, nhà nổi kết hợp với nuôi trồng, chế biến thủy hải sản ở Cần Giờ; trang trí hai bên bờ sông và tạo ánh sáng trên tất cả các cây cầu bắc ngang sông của thành phố.
Nhằm tạo điều kiện cho đường thủy và du lịch đường sông phát triển, ông Bùi Xuân Cường cho biết, Sở GTVT đã kiến nghị Bộ GTVT chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi trên sông Sài Gòn để nâng cao tĩnh không thông thuyền, cũng như đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng để thực hiện Dự án khai thông tuyến rạch Chiếc nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Đặc biệt, thành phố cũng có cơ chế, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong việc giao đất để đầu tư cảng bến, công trình phục vụ công cộng, du lịch.
Bài, ảnh: Vũ Phương
Bình luận (0)