Thực hiện chiến lược “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” do UBND TP.HCM phát động thời gian qua, quận 7 là địa phương tiếp theo công bố các điểm đến đạt chuẩn phục vụ khách du lịch. Với 5 nhóm sản phẩm du lịch theo thế mạnh và tiềm năng, quận 7 kỳ vọng trở thành điểm đến du lịch sống động, mang đặc trưng riêng nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.
Khách tham quan Trung tâm thương mại Crescent Mall
Đa dạng các dịch vụ
Quận 7 đang tập trung thực hiện nhiều hoạt động phát triển du lịch. Quận đã quảng bá, giới thiệu những điểm đến đặc trưng, những điểm vui chơi, giải trí, ăn uống, mua sắm, chăm sóc sức khỏe… trên địa bàn, ra mắt cẩm nang du lịch quận 7 với 5 nhóm sản phẩm du lịch theo thế mạnh và tiềm năng của quận. Đồng thời, quận còn duy trì các hoạt động thường niên nhằm thu hút đông đảo người dân trong và ngoài nước đến tham quan như: Hội hoa xuân quận 7; Chương trình “10.000 bước chân – Sức khỏe vì cộng đồng”; Chương trình đi bộ từ thiện Lawrence S.ting; Hội thi Duyên dáng áo dài; Ngày hội văn hóa Việt – Hàn. Quận 7 còn đăng cai tổ chức Giải đua thuyền TP.HCM năm 2022; chương trình “Ngày hội đi bộ vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”…
Ông Trần Quốc Xuân (Phó Chủ tịch UBND quận 7) cho biết, với đặc thù riêng, quận 7 phát triển công tác du lịch theo hướng đa dạng các dịch vụ tại các điểm đến. Do đó quận đã tập trung khai thác, phát triển các loại hình dịch vụ cao cấp với chất lượng tốt để phục vụ khách du lịch như: Khách sạn, ẩm thực, mua sắm, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, hội nghị hội thảo, triển lãm, sự kiện, văn hóa…
Ban đêm, khu vực quận 7 lung linh, huyền ảo
Ông Xuân thông tin, quận 7 đang xây dựng hệ thống dữ liệu về sản phẩm dịch vụ du lịch, kết nối giữa các doanh nghiệp du lịch và các dịch vụ du lịch đặc trưng để triển khai phát triển các gói sản phẩm du lịch. Trong đó quận đặc biệt tập trung phát triển du lịch đường thủy, các khu thể thao giải trí dưới nước, các công viên bờ sông kết hợp cả về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Bên cạnh đó, quận tiếp tục đề xuất TP chấp thuận chủ trương và mời gọi đầu tư các công viên chuyên đề như: Công viên văn hóa Nam Sài Gòn, Công viên Mũi Đèn Đỏ, Công viên nghỉ dưỡng Hương Tràm; giữ gìn và phát huy các lễ hội truyền thống tại các đình, đền nhằm xây dựng và phát triển du lịch tâm linh, thực hiện đề án phát triển kinh tế đêm.
“Định hướng phát triển du lịch của quận 7 là đến năm 2045, quận 7 trở thành điểm đến du lịch sống động, đặc trưng, thu hút du khách trong và ngoài nước, nơi du khách có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị, khác biệt của một đô thị hiện đại, văn minh, nghĩa tình. Để thực hiện hoàn thành mục tiêu trên thì trong giai đoạn đến năm 2030, quận 7 hướng đến điểm đến du lịch hấp dẫn có tính cạnh tranh, đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương”, ông Xuân chia sẻ.
Phát triển nhiều loại hình
Tính đến nay, TP.HCM có 366 tài nguyên du lịch. Trong đó, có 30 sản phẩm mới của các quận, huyện và TP.Thủ Đức được xây dựng để làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch của TP.HCM nhằm phục vụ, thu hút du khách trong và ngoài nước đến với TP. Trong đó, chủ trương “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” là một giải pháp sáng tạo của ngành du lịch TP.
Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM) cho hay, chủ trương “Mỗi quận huyện một sản phẩm du lịch đặc trưng” đã tạo sự lan tỏa cho chiến dịch “Người TP đi du lịch TP” và được các quận, huyện hưởng ứng tích cực. “Cụ thể, Sở Du lịch TP.HCM cùng quận 7 vừa công bố thêm 13 cơ sở dịch vụ phục vụ khách du lịch đạt chuẩn, trong đó nhiều địa điểm được làm mới, đầu tư nâng cấp ngay sau dịch để đón đầu cơ hội phục hồi cùng với ngành du lịch”, bà Hiếu chia sẻ.
UBND quận 7 vừa tổ chức chương trình giới thiệu các điểm đến đạt chuẩn phục vụ khách du lịch trên địa bàn quận. Tại đây, du khách đã được tham quan các địa điểm như: Trường Quốc tế Canada, Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn, Trung tâm thương mại Crescent Mall, tuyến đường Tôn Dật Tiên, khách sạn Crystal Palace. Qua những địa điểm đã cho thấy quận 7 đã trở thành quận phát triển vượt bậc, mức sống của người dân ngày càng nâng cao.
|
Đánh giá về du lịch quận 7, bà Hiếu cho rằng, với vị trí nằm ở phía đông, quận 7 là trung tâm đô thị mới của TP.HCM với các điểm đến, dịch vụ du lịch như: Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC), trung tâm mua sắm hiện đại, hệ thống các nhà hàng đa dạng, các điểm vui chơi giải trí hấp dẫn có nhiều lợi thế cho phát triển du lịch.
Quận 7 còn được bao bọc bởi nhiều sông lớn, diện tích mặt nước của quận hơn 871 hécta, chiếm gần 25% diện tích tự nhiên. Đây còn là nơi trung chuyển kết nối các quận, huyện trung tâm TP với huyện Cần Giờ, các tỉnh miền Tây và miền Đông thông qua hệ thống giao thông như đại lộ Nguyễn Văn Linh, Huỳnh Tấn Phát, cầu Phú Mỹ… Bên cạnh đó, quận 7 còn có Khu chế xuất Tân Thuận, khu đô thị Phú Mỹ Hưng với hơn 150.000 người nước ngoài đến sinh sống và làm việc; có các bệnh viện, trường học quốc tế hiện đại, chất lượng cao… “Với những lợi thế trên, quận 7 hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển các loại hình du lịch MICE, du lịch ẩm thực, du lịch mua sắm… nhằm thu hút du khách quốc tế nhiều hơn”, bà Hiếu khẳng định.
Hậu Giang
Bình luận (0)