Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Phòng chống dịch ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 7-10, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.


Các đại biểu tham dự buổi họp báo

20 địa phương được đề nghị công nhận kiểm soát dịch

Tại họp báo, thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn TP, ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP cho biết, ngày 6-10, có 1.205 bệnh nhân nhập viện; 2.740 bệnh nhân xuất viện, cộng dồn từ 1-1 đến nay là 225.304 người; 92 trường hợp tử vong trong ngày, cộng dồn từ 1-1 đến nay là 15.525 trường hợp.

“Từ số liệu cho thấy những ngày qua, số lượng bệnh nhân nhập viện luôn luôn thấp hơn số xuất viện. Đến nay, 19 quận, huyện  (gồm quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh, huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn) và TP.Thủ Đức được đề nghị công nhận kiểm soát dịch. Chỉ còn 2 địa phương là quận Bình Tân và huyện Bình Chánh chưa công nhận kiểm soát dịch”, ông Hải nói.

Ông Hải thông tin thêm, tính đến 18 giờ ngày 6-10, có 403.997 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP.HCM được Bộ Y tế công bố. Hiện TP đang điều trị 20.905 bệnh nhân, trong đó có 1.735 trẻ em dưới 16 tuổi, 631 bệnh nhân nặng đang thở máy.

Từ 18 giờ ngày 5-10 đến 18 giờ 6-10, TP đã lấy 60.627 mẫu xét nghiệm, trong đó có 2.436 mẫu đơn, 113 mẫu gộp, 57.775 mẫu số xét nghiệm nhanh kháng nguyên. Về tiêm chủng vắc xin, tính đến ngày 6-10, TP đã tổ chức tiêm được 7.013.921 mũi 1 và 4.951.439 mũi 2.

Đánh giá hiệu quả sau 1 tuần thực hiện Chỉ thị 18 của UBND TP, ông Hải cho biết công tác phòng chống dịch ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Đa số người dân nhanh chóng thích ứng an toàn, linh hoạt trong điều kiện bình thường mới. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh hoạt động trở lại, đáp ứng nhu cầu đông đảo người dân và tạo ra nhiều công ăn việc làm. 

Tính đến ngày 6-10 đã có 9.200 doanh nghiệp hoạt động trở lại, so với ngày 3-10 có 5.279 doanh nghiệp.

Tại các khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN), trước ngày 1-10 có 746/1.412 doanh nghiệp hoạt động trở lại, khoảng 70.000/ 288.000 lao động làm việc. Nhưng đến ngày 6-10 tăng lên 972/1.412 doanh nghiệp hoạt động trở lại và 164.000/ 288.000 lao động làm việc.

Tại khu công nghệ cao (KCNC), trước 1-10 có 25.000/50.000 công nhân làm việc theo yêu cầu “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”, đến nay tăng lên 27.300 công nhân và 88/118 doanh nghiệp hoạt động trở lại.

“Nhìn chung các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc KCX, KCN, KCNC đang tiếp tục thu hút ngày càng nhiều lao động sau giãn cách”, ông Hải cho hay.


20 địa phương đã được đề nghị công nhận kiểm soát dịch

Tuy nhiên, theo ông Hải, hiện nay số lao động tại KCX, KCN, KCNC mới đạt hơn 50%. Có nhiều người về quê theo nguyện vọng, đang là bài toán lớn về nguồn lao động đối với TP.HCM.

“TP luôn trân trọng người lao động vì lực lượng này tạo ra công ăn việc làm, của cải vật chất góp phần phát triển TP. TP đang mời gọi người lao động quay lại làm việc”, ông Hải cho biết.

“Nhưng nếu ai thực sự có nguyện vọng về quê, TP cũng phối hợp các đơn vị tổ chức đưa về theo đúng nguyện vọng, đảm bảo giữ sức khỏe, cũng như công tác phòng chống dịch. Việc tổ chức đưa về quê sẽ ưu tiên người lớn tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em”, ông Hải cho biết thêm.

TP đã chuẩn bị rất lâu các hoạt động khi lượng lực y tế chi viện rút về

Thông tin về số bệnh nhân đến nhân khám bệnh lý thông thường tại các bệnh viện vừa chuyển đổi công năng, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai – Chánh Văn phòng Sở Y tế TP cho biết, hiện TP có 2 bệnh viện chính thức chuyển đổi công năng là Bệnh viện Quận 7 và Đa khoa Khu vực Củ Chi.

Cụ thể, ngày 28-9, Bệnh viện Quận 7 chính thức trở thành “bệnh viện xanh” và đi vào hoạt động, đến nay có khoảng 500 bệnh nhân đến khám ngoại trú mỗi ngày. So với trước dịch, bệnh viện này có khoảng 800 – 1.000 bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú, còn thời điểm xảy ra dịch thì bệnh nhân rất ít.

Nguyên nhân số bệnh nhân đến khám điều trị còn ít, bà Mai cho biết do các khoa chuyên sâu chưa mở ra được vì số lượng nhân sự vẫn làm việc tại các bệnh viện dã chiến. Thời gian tới, các công năng của bệnh viện sẽ đầy đủ.

Đối với Bệnh viện Đa khoa khu vực Củ Chi là bệnh viện cửa ngõ, trước dịch có khoảng 3.000 bệnh nhân khám điều trị nội trú mỗi ngày. Thời điểm dịch có khoảng 400 bệnh nhân. Đến nay, sau ngày 28-9 trở về chức năng bình thường, có khoảng 1.500 – 2.000 bệnh nhân đến khám mỗi ngày và thời gian tới sẽ tăng lên.

Về chuẩn bị nhân lực khi lực lượng y tế chi viện rút về, bà Mai cho biết, Sở Y tế đang phối hợp các sở, ngành tham mưu cho UBND TP kế hoạch chuyển đổi. Tuy nhiên, TP cũng đã chuẩn bị rất lâu các hoạt động khi các lượng lực y tế chi viện rút về.

“Hàng ngày Sở Y tế giao ban các tầng nhằm nâng cao năng lực điều trị của từng tầng và tổ chức tập huấn, đào tạo cho nhân viên y tế. Đội ngũ này sẽ sẵn sàng đảm đương được công việc khi lực lượng chi viện rút về”, bà Mai nói.

Về quá trình giải thể một số bệnh viện Covid-19 hiện nay, theo bà Mai, Sở Y tế đang phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND TP phương hướng tái cấu trúc bệnh viện.

Trong đó, các bệnh viện dã chiến, khu cách ly F0 tại các quận, huyện và trưng dụng các trường học, cơ sở đào tạo sẽ nhanh chóng thu gọn lại khi hết người cách ly để nhanh chóng trả về hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, tại các quận, huyện sẽ thành lập các bệnh viện dã chiến thu dung để đáp ứng các trường hợp F0 cần đưa vào điều trị. Tương tự, các bệnh viện cấp TP, cấp quận huyện cũng sẽ trả lại công năng ban đầu theo lộ trình kế hoạch…

N.Trinh

Bình luận (0)