Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP HCM phòng chống dịch trên từng địa bàn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
TP sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả…
Tối 15-9, tại buổi họp báo thông tin về công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP HCM, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, đã trình bày nội dung Văn bản 3072 của UBND TP HCM về các giải pháp phòng chống dịch tiếp tục thực hiện từ ngày 16 đến 30-9.
Nhân viên quán ăn được phép giao hàng
Tại buổi họp báo, ông Lê Hòa Bình cho biết TP sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo phương châm triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả từng biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên từng địa bàn.
Theo đó, tiếp tục thực hiện việc cấp giấy đi đường cho các nhóm đối tượng được phép lưu thông. Các giấy đi đường do Công an TP đã cấp tiếp tục có hiệu lực đến hết ngày 30-9. TP HCM tiếp tục thực hiện theo Kế hoạch 2798 và Công văn 2994 của UBND TPHCM, tiếp tục thực hiện "đi chợ hộ" cho người dân.
Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ (shipper) cho phép hoạt động liên quận, huyện và TP Thủ Đức từ 6-21 giờ hằng ngày với điều kiện phải bảo đảm các biện pháp an toàn phòng chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần; ngân sách TP chi trả chi phí xét nghiệm cho lực lượng này đến hết ngày 30-9. Cho phép các loại hình doanh nghiệp, hộ kinh doanh (có giấy phép đăng ký kinh doanh) hoạt động từ 6-21 giờ gồm: Bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị, dụng cụ học tập; dịch vụ ăn uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán mang đi; các cơ sở kinh doanh này hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", chỉ bán hàng thông qua đặt hàng trực tuyến. Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y. Dịch vụ bảo trì, sửa chữa công trình, máy móc thiết bị, phương tiện giao thông vận tải và cung ứng linh kiện, phụ tùng phục vụ hoạt động này. Sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực thực phẩm.
TP HCM phòng chống dịch trên từng địa bàn - Ảnh 1.
Quét mã khai báo di chuyển nội địa chốt kiểm soát trên đường Kinh Dương Vương (quận 6)

Điều kiện để các loại hình trên hoạt động cụ thể như sau: Đối với nhân viên giao nhận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, chỉ được phép hoạt động trên địa bàn 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; phải bảo đảm các biện pháp an toàn phòng chống dịch và thực hiện xét nghiệm mẫu gộp 3 người, tần suất 2 ngày/lần. Người lao động trực tiếp tại nơi làm việc phải được tiêm ngừa ít nhất 1 mũi vắc-xin và thực hiện xét nghiệm với tần suất 5 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người; kinh phí xét nghiệm do doanh nghiệp, hộ kinh doanh tự chi trả. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh lĩnh vực trên phải đăng ký với UBND quận, huyện, TP Thủ Đức, phường, xã, thị trấn để được cấp giấy đi đường. Tất cả chi phí xét nghiệm đều do hộ kinh doanh, doanh nghiệp tự chi trả. Theo ông Lê Hòa Bình, từ 16-9, các công trình xây dựng, giao thông được phép thi công công trình trên cơ sở tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn của UBND TP HCM. UBND từng địa phương đề xuất danh mục các công trình cụ thể, Sở Xây dựng tham mưu, đề xuất UBND TP HCM quyết định.
Các sinh hoạt thể dục, thể thao tại công viên thuộc khu dân cư, chung cư thuộc "vùng xanh" thì chủ tịch UBND quận, huyện, TP, phường, xã, thị trấn xem xét quyết định, cho phép hoạt động trở lại nếu bảo đảm an toàn, tuân thủ 5K. Các khu chung cư, công viên nằm trong chức năng ở, nếu đó là "vùng xanh" bảo đảm 5K thì toàn bộ UBND 22 quận, huyện, TP Thủ Đức có thể cho phép người dân tập thể dục buổi sáng. Tuy nhiên, cần xem xét các vấn đề liên quan đến phòng chống dịch.
Quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ được đi chợ 1 lần/tuần
Theo ông Lê Hòa Bình, UBND TP có quy định mở đối với huyện Cần Giờ, Củ Chi và quận 7, các địa bàn còn lại, UBND TP giao chủ tịch UBND địa phương xem xét đề xuất thí điểm mở lại một số hoạt động khi địa bàn đạt điều kiện bảo đảm phòng chống dịch.
Cụ thể, cho phép người dân đi chợ 1 lần/tuần; bổ sung các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được hoạt động nhưng phải tuân thủ Bộ tiêu chí an toàn do UBND TP HCM ban hành. Ban Quản lý các KCX và KCN, khu công nghệ cao chủ động hướng dẫn doanh nghiệp tổ chức thực hiện các phương án sản xuất theo Kế hoạch 2715 của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM và Bộ tiêu chí an toàn do UBND TP HCM. Tại 3 địa phương này thí điểm triển khai thực hiện thẻ xanh Covid-19 gắn với mã QR cá nhân. Việc thí điểm phải bảo đảm thực hiện nguyên tắc 5K, xét nghiệm kháng nguyên định kỳ. UBND TP HCM cũng giao UBND quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ thí điểm mở cửa các hoạt động, khẩn trương lập phương án, kế hoạch triển khai thí điểm, tổ chức đánh giá, đề xuất UBND TP chấp thuận. Những địa bàn còn lại, chủ tịch UBND quận, huyện, TP Thủ Đức tùy theo tình hình kiểm soát dịch trên địa bàn xem xét đề xuất thí điểm mở cửa lại một số hoạt động khi đạt các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch. 
Nới lỏng giãn cách phải từng bước, chắc chắn
Ngày 15-9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ký ban hành công điện về việc xét nghiệm, một số biện pháp phòng chống dịch khi thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch các tỉnh, thành trực thuộc trung ương. Theo đó, với các địa bàn nguy cơ rất cao, nguy cơ cao phải xét nghiệm toàn bộ người dân trên địa bàn 3 lần trong 7 ngày, ưu tiên sử dụng xét nghiệm kháng nguyên nhanh để bóc tách các trường hợp F0 nhằm cách ly nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời. Đối với các địa bàn còn lại, thực hiện xét nghiệm từ 5-7 ngày/lần. "Thực hiện liên tục việc đánh giá nguy cơ để quyết định việc giãn cách và nới lỏng giãn cách. Việc nới lỏng giãn cách phải thực hiện từng bước, chắc chắn và phải tiếp tục xét nghiệm tầm soát theo hướng dẫn của Bộ Y tế" – công điện nêu rõ.
 
Phan Anh (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)