Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Phòng tránh chết đuối cho trẻ trong dịp hè

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trẻ em ra sông chơi như thế này dẫn tới chết đuối là khó tránh khỏi (ảnh chụp tại xã Tân Nhựt, Bình Chánh, ngày 23-5)

Theo thống kê của Bộ Y tế, vào dịp hè năm 2008 cả nước có hàng chục em bị chết đuối vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Nạn nhân chủ yếu là các em học sinh tiểu học, THCS. Năm nay mới vào đầu hè nhưng tình trạng trẻ em bị chết đuối tại các quận ven, huyện ngoại thành cũng đã xảy ra. Nếu không có sự quan tâm của cộng đồng và gia đình, đặc biệt là việc tuyên truyền giáo dục ý thức và kỹ năng tự bảo vệ cho các em thì sẽ có nhiều cái chết đau lòng.
Hiểm họa luôn rình rập
Ở các quận huyện vùng ven ngoại thành đâu đâu cũng là sông ngòi, ao đìa… bên cạnh đó diện tích mặt nước quá lớn từ những ao đìa quanh nhà, khu nuôi trồng thủy sản và cả những cái… “ao” nằm lộ thiên ở các công trình xây dựng. Đó là những hiểm họa chực chờ nhiều đứa trẻ không may té xuống nước và nhiều em trong số đó đã vĩnh viễn ra đi.
Đến nay người dân ở xã Tân Nhựt, Bình Chánh còn chưa hết bàng hoàng về cái chết của một bé trai 7 tuổi do em ra thuyền chơi rồi té xuống sông. Anh Trương Quang Được cha cháu bé phải chịu nỗi đau mất con khi đã quá chủ quan trong việc chăm sóc cháu. “Tôi vừa chạy sang ghe của anh Tuấn, chạy về thì không thấy cháu đâu, nhìn chiếc dép còn lại trên thuyền tôi biết điều tồi tệ nhất đã xảy ra với cháu. Nhưng tôi không ngờ cháu lại vĩnh viễn ra đi nhanh đến vậy”, vừa khóc anh Được vừa thắp nén nhang cho cháu bé.
Còn em Thanh Hằng (4 tuổi), ấp Long Đại, phường Long Bình (Q.9) thì may mắn hơn khi em được cứu thoát chết chỉ trong gang tấc. Vào ngày 17-5 là ngày chủ nhật em được nghỉ học, theo bạn trong xóm ra chơi ở bờ ao. Thấy mưa các anh chị lớn tuổi hơn nhanh chân chạy trước vào nhà, Hằng chạy sau cùng, nhưng do bờ ao đất trơn trợt nên em đã bị té lăn xuống ao. Trịnh Hoài Thanh (anh trai Hằng), vào đến nhà nhưng không thấy Hằng đâu, liền chạy ra tìm thì thấy em mình đang nằm dưới kênh. Nhờ anh trai phát hiện sớm nên em Hằng đã được cứu sống. Nhưng đó là trường hợp may mắn hiếm hoi, còn bao đứa trẻ không may mắn khác đã bị cướp đi sự sống bằng chính sự thờ ơ, thiếu quan tâm của gia đình.
Vào mùa hè khí hậu nóng bức, vùng nông thôn có khá nhiều ao hồ, kênh rạch gần nhà nên thấy cha mẹ đi làm cả ngày trẻ em thường rủ nhau lội xuống nước tắm dẫn đến chết đuối là điều thường xuyên xảy ra từ nhiều năm qua.
Trong khi đó trong nội thành, nhiều cái chết tức tưởi của trẻ em cũng thường xuyên xảy ra do các đơn vị thi công cẩu thả không che chắn những công trình gây nên.
Cách nào ngăn ngừa?
Trước thực trạng trẻ em thường xuyên bị chết đuối vào mùa mưa lũ, các cơ quan chức năng đã gửi công văn yêu cầu các địa phương phải có trách nhiệm phối hợp với gia đình, nhà trường và các đoàn thể chú ý đến việc bảo vệ trẻ. Tuy vậy tại các xã phường, ấp cũng chưa thực hiện.
Theo bà Phan Thanh Minh, Trưởng phòng BVCSTE Sở LĐ-TB-XH TP.HCM khuyến cáo để các bậc phụ huynh phòng tránh chết đuối cho con em mình như: Không cho trẻ đi tắm, bơi ngoài sông mà không có người lớn biết bơi đi kèm; nên rào quanh ao, hố nước, hố sâu, hố vôi đang tôi để tránh các em khi chơi đùa bị ngã, rơi xuống hố; ở vùng sông nước cần làm cửa chắn và rào quanh nhà; nên lấp kín các hố, rãnh nước sau khi sử dụng; làm nắp đậy chắc chắn, an toàn cho giếng, bể nước, chum vại. Đặc biệt khi trẻ đi học trong mùa mưa lũ khi phải đi qua suối, sông cần có người lớn đưa đi; mặc áo phao cho trẻ khi đi thuyền; nên tập bơi cho trẻ.
Văn Mạnh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)