Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Quản lý kinh doanh thuốc còn nhiều khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

Nội dung này được đề cập tại phiên giải trình “Công tác quản lý và sử dụng thuốc tại các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn TP.HCM” do HĐND TP.HCM vừa tổ chức…


Hoạt động khảo sát kinh doanh thuốc trên địa bàn TP.HCM của các cơ quan chức năng

Tại phiên giải trình, đặt vấn đề về việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên không gian mạng, bà Trần Thị Phương Hoa – đại biểu HĐND TP – lo ngại nhiều nội dung quảng cáo không đúng sự thật sẽ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng giữa thực phẩm chức năng và thuốc chữa bệnh. “Công tác quản lý, giải quyết quảng cáo sai sự thật như thế nào?”, bà Hoa hỏi.

Ông Nguyễn Ngọc Hồi – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM – trả lời, việc rà soát và phát hiện các quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng rất khó khăn. Hiện có 22 triệu tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội, đa phần tài khoản đều xuyên biên giới, các dữ liệu nằm ở nước ngoài nên việc quản lý thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bên cạnh đó, việc quản lý và cấp phép thuốc thuộc thẩm quyền Sở Y tế, thực phẩm chức năng thuộc Sở An toàn thực phẩm, còn quảng cáo thuộc Sở Văn hóa và Thể thao. Mặt khac, việc quảng cáo trên không gian mạng hiện nay biến tấu rất nhiều hình thức, không chỉ là chèn quảng cáo mà còn hình thành các video clip tiểu phẩm gắn với nội dung quảng cáo; thậm chí có nhiều hình thức cắt ghép từ thông tin của các cơ quan báo chí chính thống để tạo niềm tin cho người dân.

Ông Hồi thông tin, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông quản lý và xử phạt theo Nghị định 72 về quản lý cung cấp sử dụng dịch vụ internet, thông tin trên mạng. Dự kiến dự thảo nghị định thay thế Nghị định 72 sẽ có nhiều thay đổi bổ sung lớn trong chính sách như quản lý trang thông tin điện tử và mạng xã hội, việc cung cấp thông tin trên nền tảng xuyên biên giới, việc đảm bảo an toàn thông tin mạng…

Trả lời câu hỏi của đại biểu Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa HĐND TP – về giải pháp mua các loại thuốc hiếm, thuốc đặc trị do giá thành rất cao và ít sử dụng, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cho biết, các cơ sở khám chữa bệnh của TP đã rất nỗ lực trong công tác đấu thầu mua sắm thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19 có nhiều thuốc hiếm bị gián đoạn nguồn cung. Mặt khác, hiện nay một số thuốc ở Việt Nam không có sẵn trên thị trường và thường không có số đăng ký lưu hành. Một số thuốc có nhu cầu sử dụng thấp nên ít sản xuất, một số có giá thành cao cũng là vấn đề các đơn vị băn khoăn trong việc chủ động dự trữ.

Để đảm bảo công tác điều trị, ngành y tế đã có nhiều giải pháp như kịp thời xử lý một số tình huống khẩn cấp, tìm nguồn cung ứng thuốc từ Tổ chức Y tế thế giới. Sở Y tế cũng đã tham mưu UBND TP đề xuất Chính phủ phân cấp thủ tục cấp phép nhập khẩu thuốc để đáp ứng nhu cầu điều trị. Đây là một giải pháp để TP chủ động hơn trong cung ứng các loại thuốc hiếm và thuốc có nhu cầu điều trị đặc biệt.

Liên quan đến những vi phạm trong kinh doanh thuốc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, ông Nam cho biết, năm 2023, ngành y tế thanh kiểm tra 667 cơ sở phân phối thuốc trên địa bàn; trong đó kiểm tra 163 cơ sở trong trung tâm thương mại dược phẩm tại quận 10 thì phát hiện 4 cơ sở vi phạm với các lỗi chủ yếu về kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, bán thuốc cho cơ sở không đúng với phạm vi kinh doanh. Qua các đợt kiểm tra, Sở Y tế đã tăng cường nhắc nhở, chấn chỉnh, nghiêm cấm việc kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thuốc kém chất lượng, thuốc giả, thuốc không có giấy phép nhập khẩu, lưu hành.

Quyền lợi người bệnh khám bảo hiểm y tế chưa được đảm bảo

Ông Huỳnh Thanh Hùng – đại biểu HĐND TP.HCM – đặt vấn đề về giải pháp nhằm đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho người dân khi đến khám BHYT. Bởi hiện nay một số cơ sở không cung ứng đủ thuốc trong danh mục BHYT buộc người bệnh phải tự bỏ tiền mua thuốc. Trong trường hợp này, BHYT có hoàn trả tiền cho người bệnh không?

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng – Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội TP.HCM – trả lời, Luật Đấu thầu có hiệu lực từ 1-1-2024 nhưng mãi đến ngày 17-5-2024, Bộ Y tế mới ban hành thông tư hướng dẫn. Từ đó dẫn đến sự chậm trễ trong việc tổ chức mua sắm thuốc. Bộ Y tế cũng đang dự thảo thông tư để đảm bảo quyền lợi người bệnh.

Về phía Bảo hiểm Xã hội TP.HCM cũng đã đề xuất giải pháp mở rộng đấu thầu tập trung cấp địa phương để bệnh viện nào thiếu thuốc sẽ được bệnh viện khác điều tiết qua lại. Tuy nhiên, Bộ Y tế phải có hướng dẫn cách thanh toán giữa 2 bệnh viện và thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội thì mới đảm bảo cung ứng thuốc của bệnh viện, chất lượng thuốc và quyền lợi bệnh nhân mua thuốc bên ngoài.

Về vấn đề này, ông Tăng Chí Thượng – Giám đốc Sở Y tế TP.HCM – cũng kiến nghị cần bổ sung danh mục thuốc BHYT tại trạm y tế để đáp ứng nhu cầu khám bệnh của người dân tại tuyến y tế cơ sở. Đồng thời, bổ sung hoạt chất mới được thanh toán BHYT để đảm bảo quyền lợi cho người bệnh.

“Sở Y tế cũng ghi nhận nhiều cơ sở kinh doanh thuốc đối phó bằng cách không bảo quản thuốc tại cơ sở mà cố ý bảo quản tại các khu vực xung quanh, lân cận và giao dịch với khách hàng tại điểm bên ngoài. Đây là vấn đề rất khó khăn. Để giải quyết cần sự phối hợp liên ngành, đồng thời tăng cường truyền thông để người dân tham gia giám sát, nếu phát hiện sai phạm thì thông báo cho các cơ quan chức năng”, ông Nam cho hay.

Theo ông Nam, hiện nay Nghị định 117 quy định xử phạt hành vi bán thuốc không rõ xuất xứ, nguồn gốc còn nhẹ, chỉ áp dụng mức phạt 10-20 triệu đồng, trong khi thuốc là mặt hàng đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người dân.

“Mức phạt này chưa đủ sức răn đe, cần tăng nặng”, ông Nam kiến nghị.

Để kịp thời khắc phục và tiếp tục nâng cao hiệu quả trong quản lý và sử dụng thuốc trên địa bàn TP trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Lệ – Chủ tịch HĐND TP – yêu cầu UBND TP nâng cao tỷ lệ lấy mẫu, tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc, dược liệu, thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong kiểm tra, xử phạt, nhất là việc quảng cáo, kinh doanh trên các trang thương mại điện tử và mạng xã hội. Kịp thời thu hồi các sản phẩm vi phạm không đạt chất lượng nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân. Ngoài ra cần phát huy vai trò giám sát của người dân trong phát hiện và kịp thời trình báo các cơ quan chức năng khi phát hiện việc đầu cơ, sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Nguyễn Trinh

Bình luận (0)