Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM: Quy hoạch mạng lưới đường thủy

Tạp Chí Giáo Dục

Áp lực tàu, thuyền lưu thông nhiều làm Kênh Tẻ (Q.7) luôn trong tình trạng quá tải

Từ nay đến năm 2020, UBND TP.HCM chú trọng đến việc đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TP một cách hợp lý và đồng bộ; có quy mô phù hợp với từng khu vực, hình thành những trung tâm kết nối giữa vận tải thủy nội địa với các phương thức vận tải khác, góp phần phát triển kinh tế xã hội và cải tạo cảnh quan môi trường đô thị của TP.
Chỉnh trang và sắp xếp lại các tuyến đường thủy
Theo quy hoạch mạng lưới đường thủy và cảng, bến khu vực TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2020 gồm: 87 tuyến đường thủy nội địa từ cấp 1 đến cấp 6 với tổng chiều dài trên 574km, các tuyến đường sông chuyên dùng gồm 2 tuyến với tổng chiều dài 2,6km, các tuyến đường thủy nội địa quốc gia trên địa bàn thành phố, bao gồm 16 tuyến với chiều dài 252km, các tuyến hàng hải trên địa bàn TP bao gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 146,8km. TP sẽ quy hoạch, sắp xếp cảng hàng hóa, hành khách trên tuyến kênh Tẻ; chỉnh trang và sắp xếp hoạt động khu cảng Trường Thọ trên rạch Đào thuộc địa bàn phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các cảng hàng hóa đường sông: cảng Phú Định tại ngã 3 sông Cần Giuộc – sông Chợ Đệm Bến Lức – kênh Đôi thuộc phường 16, quận 8; cảng Long Bình trên sông Đồng Nai thuộc phường Long Bình, quận 9, xây dựng mới cảng hàng hóa Nhơn Đức trên giao tuyến của rạch Bà Lào với rạch Dơi – sông Kinh (sông Đồng Điền) thuộc huyện Nhà Bè. Quy hoạch cải tạo một phần cảng Sài Gòn (sau khi cảng Sài Gòn quy hoạch chuyển đổi công năng sau năm 2010) tại vị trí Bến Nhà Rồng, Khánh Hội thành cảng hành khách du lịch cỡ nhỏ và trung tâm dịch vụ hàng hải. Xây dựng bến tàu khách quốc tế 50.000GRT tại khu vực công viên Phú Thuận (mũi Đèn Đỏ). Xây dựng cảng hành khách du lịch tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ. 
Phát triển du lịch đường thủy
TP sẽ ưu tiên thực hiện các dự án di dời giải tỏa cư dân ven kênh và xây dựng kè chỉnh trang Kênh Tẻ (quận 4 – quận 7) trong giai đoạn 2010 – 2012; di dời giải tỏa cư dân ven kênh và xây dựng kè chỉnh trang kênh Thanh Đa, quận Bình Thạnh. Một số tuyến giao thông đường thủy sẽ được khai thông. Cụ thể như: khai thông tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai qua ngã Rạch Chiếc; khai thông tuyến thủy nội địa nối ngã ba Đèn Đỏ – Nhà máy Xi măng Hà Tiên I qua rạch Giồng Ông Tố; xây dựng tuyến đường thủy Vành đai trong và Vành đai ngoài; khai thông tuyến nối tắt đồng bằng sông Cửu Long với Vũng Tàu Thị Vải: đào mới 2,1km nối sông Soài Rạp – rạch Gốc Tre Nhỏ – sông Vàm Sát – sông Lò Rèn – sông Dinh Bà – sông Dần Xây; cải tạo nâng cấp và khai thác các tuyến thủy nội địa liên kết nội thành với các khu cảng biển mới thuộc khu vực Hiệp Phước – Nhà Bè: rạch Đĩa – rạch Rơi – sông Phú Xuân – sông Nhà Bè; rạch Ông Lớn 2 – sông Phước Kiểng – sông Mương Chuối; rạch Tôm – sông Mương Chuối; rạch Dơi – sông Kinh (sông Đồng Điền) và tuyến rạch Dừa – sông Giồng – sông Kinh Lộ. Bên cạnh đó, TP cũng chú trọng đến việc khai thác tiềm năng du lịch đường thủy. Đó là các dự án: cải tạo, bố trí lại khu bến Bạch Đằng với chức năng du lịch thực hiện trong giai đoạn 2009 – 2010; xây dựng bến tàu khách quốc tế 50.000GRT tại khu vực công viên Phú Thuận (mũi Đèn Đỏ); xây dựng cảng sông mới Nhơn Đức; xây dựng mạng lưới các bến khách tại các trục kênh Tàu Hũ, kênh Tẻ – kênh Đôi và sông Sài Gòn; đầu tư hệ thống bến khách ngang sông trên toàn địa bàn TP.
Anh Kiệt
Mạng lưới giao thông thủy TP được quy hoạch theo quan điểm duy trì và cải tạo các luồng tuyến giao thông thủy hiện có, đồng thời tìm kiếm những luồng tuyến mới có khả năng khai thác vận tải thủy.
 

Bình luận (0)