Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Quyết liệt đẩy mạnh thanh toán học phí không dùng tiền mặt

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 29-1, Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM tổ chức hội nghị “Tổng kết kế hoạch thanh toán không dùng tiền mặt và công khai phân bổ dự toán ngành giáo dục và đào tạo năm 2021”.


Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hoài Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Từ năm 2014, ngành GD-ĐT TP.HCM đã là đơn vị đầu tiên trên cả nước đẩy mạnh hoạt động thanh toán học phí không dùng tiền mặt trong nhà trường thông qua “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học – Thẻ học đường thông minh SSC”, phối hợp với Công ty CPVH Ngôi Nhà Xanh. Qua 6 năm triển khai, đến nay, chủ trương xây dựng xã hội không dùng tiền mặt của ngành GD-ĐT TP đã bước đầu đạt được những kết quả đáng mong đợi: 100% các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đối với các khoản phí, học phí của nhà trường; 21/21 quận, huyện và TP.Thủ Đức ban hành “Kế hoạch thanh toán không sử dụng tiền mặt trong trường học” thông qua sử dụng “Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu” cho 100% các trường thuộc quyền quản lý, làm tiền đề cho việc thanh toán điện tử; Ban đề án đã xây dựng thành công và triển khai hệ thống phần mềm có thể tích hợp nhiều ngân hàng, nhiều trung gian thanh toán (ví điện tử); Xây dựng dịch vụ tài khoản chuyên thu hỗ trợ quản lý công tác thu và đối soát các giao dịch cho đơn vị trường học với 5 ngân hàng đủ điều kiện tham gia dịch vụ tài khoản chuyên thu: Agribank; MB Bank; BIDV; Saigonbank; Sacombank. Năm 2020, kết quả thu phát sinh qua ngân hàng và các trung gian thanh toán qua hình thức điện tử hoặc chuyển khoản ngân hàng đạt 2.200 tỉ đồng, đạt 58% so với tổng dự toán thu 3.807 tỉ đồng toàn ngành với hơn 887/ 1.400 đơn vị sử dụng hệ thống (đạt 22%).

Trong thời gian tới, từ giai đoạn 2020-2022, TP.HCM đặt lộ trình sẽ hoàn tất thực hiện triển khai 100% các đơn vị áp dụng “Phần mềm quản lý trực tuyến các nguồn thu” tại các trường công lập trên địa bàn toàn TP, đảm bảo thực hiện từ 40-50% các giao dịch nộp học phí và các khoản thu khác/tháng bằng phương thức thanh toán điện tử. Phấn đấu đạt mục tiêu trên 70% giao dịch nộp học phí và các khoản thu khác/tháng bằng phương thức thanh toán điện tử từ năm học 2021-2022 đến các năm học 2022-2023, tiến đến 100% các giao dịch trên toàn bộ trường học.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Mai Phương – Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM – bày tỏ sự ấn tượng trước những con số mà ngành GD-ĐT TP đã đạt được trong thời gian qua về thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho phụ huynh học sinh trên địa bàn trong việc thanh toán học phí. Bà Phương nhìn nhận, việc ngành GD-ĐT TP đẩy mạnh phương thức thanh toán không sử dụng tiền mặt trong nhà trường đã theo đúng tinh thần của TP trong xây dựng Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. “Thời gian tới, ngành GD-ĐT TP cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, tiếp tục nghiên cứu đa dạng nhiều kênh thanh toán, có giải pháp tối ưu hơn nữa, tạo điều kiện cho phụ huynh học sinh…”, bà Mai kiến nghị.

Theo số liệu phân bổ ngân sách năm 2021, dự toán kinh phí năm 2021 áp dụng toàn ngành GD-ĐT TP.HCM là trên 12 ngàn 742 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2020. TP tiếp tục áp dụng hệ số định mức cho vùng khó khăn, như: ngoại thành:1,1; huyện Nhà Bè: 1,2; huyện Cần Giờ: 1,3. Cùng với các khoản thu học phí trên toàn ngành là 3.807 tỷ đồng thì theo tính toán, nếu triển khai tốt Đề án trường học không sử dụng tiền mặt sẽ có trên 15 ngàn tỷ đồng “đi qua” các ngân hàng, tạo điều kiện cho các nhà trường xây dựng trường học thông minh, góp phần chuyển đổi nền kinh tế số…

Là cơ quan quản lý nhà nước trong vai trò phối hợp, đại diện Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM khẳng định, kết quả mà ngành GD-ĐT TP đạt được về việc hình thành thói quen cho phụ huynh học sinh không sử dụng tiền mặt trong nhà trường chính là cơ sở, nền tảng để ngành GD phát triển giáo dục thông minh, giáo dục số, hình thành nền kinh tế số, đồng thời là cách thực hiện có hiệu quả Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công theo Quyết định 241/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23-2-2018 và Quyết định số 1246/QĐ-UBND của UBND TP.HCM về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hương đến năm 2021…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM ghi nhận những đóng góp của các ngân hàng đã đồng hành cùng ngành GD-ĐT TP từ những ngày đầu triển khai đề án thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt để đạt được kết quả như hiện nay. Việc thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt mang nhiều ý nghĩa và lợi ích to lớn đối với toàn ngành và xã hội. Cụ thể, làm giảm áp lực cho các nhà trường, giúp các nhà trường chủ động về thời gian và nguồn tiền, tăng cường hiệu quả quản lý tài chính đối với các khoản thu- chi học phí, giúp nhà trường thực hiện tốt công tác cải cách hành chính theo đúng tinh thần chỉ đạo của TP; Giúp phụ huynh thuận lợi, tiết kiệm thời gian; Trang bị cho học sinh kỹ năng, thói quen sử dụng hình thức thanh toán hiện đại, thay thế việc sử dụng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc với tiền mặt…; Đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo mật dữ liệu học sinh của ngành GD-ĐT, giúp các cơ quan quản lý có công cụ để kiểm tra, giám sát việc thực hiện các khoản thu theo quy định, hạn chế phát sinh tiêu cực…


Các đại biểu tham dự Hội nghị

“Từ năm 2021, toàn ngành sẽ dứt khoát phải làm mạnh mẽ công tác thanh toán học phí không dùng tiền mặt trong nhà trường. Sở GD-ĐT TP sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và các đơn vị liên quan, bao gồm: Công ty CPVH Ngôi nhà xanh, Viettel, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS tập huấn cho các đơn vị quận, huyện, thành phố. Phần mềm triển khai sẽ được lắp đặt miễn phí cho từng đơn vị trường học. Với 5 ngân hàng tham gia dịch vụ tài khoản chuyên thu sẽ thực hiện không thu phí khi phụ huynh học sinh thanh toán qua các ngân hàng này. Vì thế, ngay từ bây giờ đơn vị nào chưa cài đặt thì cần triển khai ngay, đẩy mạng thông tin tuyên truyền đến phụ huynh để phụ huynh hiểu và có sự đồng hành”, ông Nam đề nghị.

Phó Giám đốc Lê Hoài Nam cũng nhấn mạnh, Sở GD-ĐT sẽ kiểm tra thường xuyên, xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể, đưa nội dung không sử dụng tiền mặt là một trong những nội dung kiểm tra trong công tác thu chi tài chính của nhà trường, đưa vào trong tiêu chí đánh giá thi đua của cả quận, của trường. “Tới đây, Sở GD-ĐT sẽ có kế hoạch, triển khai cụ thể hướng dẫn đến từng đơn vị quận, huyện và TP.Thủ Đức thực hiện tốt việc thanh toán học phí không sử dụng tiền mặt, tiến tới 100% trường học không sử dụng tiền mặt”.

Bài, ảnh: Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)