Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024

Tạp Chí Giáo Dục

Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Sở GD-ĐT TP.HCM huy động 15.901 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị tổ chức tốt kỳ thi đều đã hoàn thành…


Ngành giáo dục TP.HCM sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Kỳ thi được tổ chức chặt chẽ theo đúng quy chế

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, TP.HCM có 90.062 thí sinh dự thi, bao gồm 74.542 thí sinh THPT; 9.735 thí sinh GDTX và 5.785 thí sinh tự do. Tổng số thí sinh được miễn bài thi ngoại ngữ xét tốt nghiệp THPT là 13.076 em; tổng số thí sinh được miễn tất cả các bài thi trong xét tốt nghiệp THPT là 87 em. Theo thống kê, số thí sinh dự thi theo bài thi tổ hợp như sau: Khoa học tự nhiên: môn vật lý có 49.444 thí sinh, môn hóa học 49.730 thí sinh, môn sinh học 49.234 thí sinh; khoa học xã hội: môn lịch sử có 37.037 thí sinh, môn địa lý 36.836 thí sinh, môn giáo dục công dân 29.421 thí sinh; tiếng Anh: 73.347 thí sinh; tiếng Nga: 0 thí sinh; tiếng Pháp: 124 thí sinh; tiếng Trung: 176 thí sinh; tiếng Đức: 12 thí sinh; tiếng Nhật: 76 thí sinh; tiếng Hàn: 22 thí sinh.

Sở GD-ĐT TP.HCM đã quy hoạch 162 điểm thi, với tổng số 3.805 phòng thi. Trong đó có 87 điểm thi có thí sinh tự do (đảm bảo ít nhất 60% thí sinh lớp 12 giáo dục THPT trong tổng số thí sinh của điểm thi theo đúng quy chế Bộ GD-ĐT), 75 điểm thi không có thí sinh tự do.

Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Sở GD-ĐT TP.HCM huy động 15.901 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm công tác thi. Trong đó có 810 người là lãnh đạo điểm thi; 11.796 cán bộ coi thi; 2.430 nhân viên phục vụ điểm thi; 486 công an trực tại điểm thi; 59 người trong ban in sao đề thi; 320 người trong ban vận chuyển và bàn giao đề thi. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM), thành phố coi việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập trước đó là sự tập dượt cho việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Công tác tổ chức thi đều được tổ chức chặt chẽ theo đúng quy chế của kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Ông Hoàng Văn Khoa (Phó Cục trưởng Cục A06, Bộ Công an) cảnh báo công nghệ gian lận thi đang ngày càng tinh vi, rất khó để phát hiện. Vì vậy, ông đề nghị TP.HCM quan sát biểu hiện của thí sinh hay các thiết bị như cúc áo, khuyên tai, kính bởi các thiết bị này có thể truyền thông tin ra bên ngoài. Cán bộ coi thi cần tăng cường công tác nhắc nhở thí sinh, tránh để thí sinh mang điện thoại vào phòng thi…

Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với Điện lực thành phố, tại tất cả các điểm thi đều có máy phát điện dự phòng, có kế hoạch cho tình huống mất điện đột xuất; phối hợp với Sở Y tế thành phố phòng các dịch bệnh có thể xảy ra theo mùa; phối hợp với Sở An toàn thực phẩm thành phố rà soát các hàng quán ăn xung quanh điểm thi, cảnh báo nhắc nhở an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn. Đặc biệt là tăng cường tuyên truyền về quy chế thi đến thí sinh, người tham gia công tác thi và phụ huynh học sinh để có sự đồng hành.

Đối với khâu vận chuyển đề thi, ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin, TP.HCM được Bộ GD-ĐT cho phép vận chuyển đề thi hàng ngày, do đó khâu an toàn giao thông được hết sức chú trọng. Theo đó, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với Công an thành phố đảm bảo các tuyến đường vận chuyển đề thi thông suốt. Bố trí phà ưu tiên với tuyến phà Bình Khánh, đảm bảo an toàn công tác vận chuyển đề thi, bài thi và đi lại của cán bộ coi thi. Công an địa phương cũng túc trực trước, trong và sau giờ thi tại các điểm thi để tránh việc ùn tắc tại các điểm thi, giúp thí sinh đến điểm thi kịp giờ thông thoáng.

“TP.HCM xác định đây là kỳ thi quốc gia quan trọng. Việc phối hợp đảm bảo kỳ thi thực hiện tốt nhất luôn được hết sức chú trọng. Sở GD-ĐT TP.HCM đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả để tổ chức tốt kỳ thi”, ông Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Bà Trần Thị Diệu Thúy (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) đề nghị Sở GD-ĐT TP.HCM rà soát lại các điều kiện về công tác chuẩn bị, công tác an ninh cho kỳ thi, đặc biệt là khu vực in sao đề thi nhằm đảm bảo điều điện tốt nhất cho kỳ thi…

Khâu in sao đề thi là khâu “nhạy cảm nhất”

Làm việc với TP.HCM về công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, ông Huỳnh Văn Chương (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT) nhấn mạnh, khâu in sao đề thi là khâu “nhạy cảm nhất”, bởi chỉ cần một yếu tố nhỏ là cả nước bị tác động, do vậy Bộ GD-ĐT rất lưu ý khâu bảo mật in sao đề thi.

Ông Huỳnh Văn Chương cũng lưu ý TP.HCM cần đặc biệt truyền thông cho giáo viên, thí sinh, thậm chí truyền thông đến từng nhà, từng tổ dân phố phải vào cuộc, lưu ý thí sinh khi đi thi không mang điện thoại vào phòng thi, nên để điện thoại ở nhà.

Theo ông Huỳnh Văn Chương, TP.HCM cần tính đến 2, 3 phương án để có sự dự phòng, không chủ quan. Ngoài ra, TP.HCM cần lưu ý khâu an toàn thực phẩm, thời điểm này đang vào mùa mưa nên TP.HCM cần tính phương án dự phòng, ví dụ di chuyển khi đường ngập nước. Đặc biệt, lưu ý khoảng cách điểm bảo quản đồ thí sinh phải cách phòng thi 25m. Tránh trường hợp cán bộ coi thi để điện thoại trong cốp xe ở nhà xe sát phòng thi, đến khi điện thoại đổ chuông thì vi phạm quy chế thi, không đảm bảo quy chế cách phòng thi 25m…

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đánh giá TP.HCM nhiều năm đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT song do là địa bàn đông thí sinh dự thi, có thể có nhiều tình huống phát sinh phức tạp, do vậy không được chủ quan. Vì chỉ cần lơ là một chút thôi là có thể gây ra ảnh hưởng lớn. Bộ GD-ĐT đề nghị TP.HCM tiếp tục sâu sát để làm tốt hơn nữa. Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT cần an toàn nghiêm túc nhưng không quá căng thẳng, làm sao tạo cho thí sinh tâm lý thoải mái đi thi, đạt được kết quả tốt nhất.

Bài, ảnh: Yến Hoa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)