Từ ngày 1-7-2025, cùng với cả nước, TP.HCM chính thức bước vào giai đoạn vận hành mô hình chính quyền hai cấp – cấp thành phố và cấp phường, thay thế mô hình cũ gồm ba cấp: thành phố, quận, phường. Sự kiện được xem là bước chuyển lớn trong tiến trình cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.

Người dân kỳ vọng vào một bộ máy tinh gọn, hiện đại
Không khí phấn khởi lan tỏa khắp các địa phương tại TP.HCM khi chỉ còn ít giờ nữa mô hình chính quyền hai cấp sẽ chính thức vận hành. Tại phường Thông Tây Hội, anh Dương Dũng chia sẻ: “Là người dân, tôi rất háo hức khi chứng kiến đất nước có bước chuyển quan trọng. Tôi kỳ vọng sau sáp nhập, cả địa phương và đất nước sẽ phát triển nhanh hơn, phục vụ dân tốt hơn”.
Từng có chút lo ngại khi nghe tin sáp nhập, nhưng sau thời gian tìm hiểu, chú Mai Tấn Kha (phường Xuân Hòa) đã thay đổi quan điểm. “Tôi thấy mô hình mới có nhiều điểm tích cực, đặc biệt là tinh gọn thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian. Hy vọng đời sống người dân sẽ được nâng tầm hơn nữa”, ông nói.
Ở phường Bàn Cờ, cô Nguyễn Thu Hương tin tưởng: “Việc sáp nhập là cần thiết để hiện đại hóa bộ máy Nhà nước. Khi hệ thống tinh gọn hơn, hiệu quả công việc cũng sẽ cao hơn. Tôi và nhiều người cùng khu phố đặt nhiều niềm tin vào giai đoạn mới này”.
Không chỉ người lớn tuổi, giới trẻ cũng nhìn nhận mô hình mới với ánh mắt tích cực. “Tôi nghĩ đây là một bước đột phá lớn. Việc giảm các tầng nấc trung gian sẽ giúp đơn giản hóa thủ tục, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, nhất là những người trẻ đang cần sự minh bạch và nhanh chóng”, bạn Thùy Linh, cư trú tại TP.HCM, nhận xét.

Tất cả đã sẵn sàng
Tại phường Phú Nhuận, công tác chuẩn bị được triển khai từ nhiều ngày trước. Bà Trần Thị Mai Lý – Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường – cho biết địa phương đã tích cực truyền thông về mô hình mới thông qua các kênh trực tuyến và trực tiếp, xây dựng Fanpage để cập nhật thông tin đến người dân.
Song song đó, bộ máy chính trị mới được củng cố: thành lập tổ chức Đảng mới, tiếp nhận cơ sở Đảng từ Quận ủy Phú Nhuận trước đây, hoàn thiện nhân sự giúp việc, đảm bảo hệ thống vận hành trơn tru. “Sau hai lần chạy thử, hệ thống văn bản và kết nối từ thành phố đến cơ sở đều hoạt động ổn định. Tinh thần chung của cán bộ rất phấn khởi. Chúng tôi đã sẵn sàng phục vụ người dân ngay từ ngày mai”, bà Lý nói.
Trung tâm hành chính công phường Sài Gòn – một đơn vị hành chính mới được thành lập từ việc sáp nhập các khu phố thuộc các phường Nguyễn Thái Bình, Đa Kao và Bến Nghé – đã chính thức hoạt động từ 8 giờ sáng 30-6, thay thế bộ phận một cửa của UBND quận 1 trước đó.
Chuyên viên hộ tịch Võ Thành Phát chia sẻ: “Tôi cảm nhận rõ sự thay đổi trong cách vận hành mới. Việc thành lập chính quyền hai cấp không chỉ mang tính lịch sử, mà còn thể hiện sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước để phục vụ người dân tốt hơn”.
Với hơn 47.000 dân trên diện tích hơn 3km², phường Sài Gòn trở thành một trong những đơn vị hành chính lớn trong đợt sáp nhập lần này. Phường nằm ở trung tâm lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa của TP.HCM, là nơi tập trung nhiều công trình biểu tượng như UBND TP.HCM, Nhà hát Thành phố, Bảo tàng TP.HCM, Bưu điện trung tâm, Dinh Độc Lập…
Không chỉ Phú Nhuận và Sài Gòn, nhiều phường mới khác như Hiệp Bình, Thủ Đức, Long Bình, Cát Lái… cũng đã hoàn tất chuẩn bị để chính thức đưa mô hình mới vào vận hành từ ngày 1-7.

Một chặng đường mới bắt đầu
Việc chuyển sang mô hình chính quyền hai cấp tại TP.HCM là một phần trong lộ trình cải cách bộ máy hành chính trên cả nước. Từ 1-7, các cơ quan cấp quận chính thức chấm dứt hoạt động, các chức năng hành chính được giao lại cho cấp thành phố và phường. Điều này đòi hỏi năng lực điều hành, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ địa phương phải được nâng lên một bước.
Cán bộ, công chức tại các phường được đào tạo lại để đảm bảo năng lực tiếp nhận khối lượng công việc lớn hơn, đồng thời triển khai các dịch vụ công trên nền tảng số, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận nhanh chóng, thuận lợi.
TP.HCM – đô thị đặc biệt với quy mô dân số gần 10 triệu người – được xem là địa phương có tính phức tạp cao trong việc triển khai chính quyền hai cấp. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị bài bản, sự đồng thuận cao của người dân, cùng quyết tâm của hệ thống chính trị, thành phố được kỳ vọng sẽ là hình mẫu tiên phong trong quá trình tinh gọn bộ máy, hiện đại hóa quản trị, xây dựng nền hành chính phục vụ hiệu quả.
Thủy Phạm
Bình luận (0)