Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TP HCM: Sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giảm kỷ lục vì Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Chỉ số sản xuất một số ngành hàng trong tháng 8-2021 giảm đến 70%-80%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ cũng giảm hơn phân nửa so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức giảm chưa từng có trong nhiều năm nay.
"Giãn cách xã hội trên toàn địa bàn TP HCM khiến nguồn nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất thiếu hụt, thị trường tiêu thụ hàng hóa trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) trên địa bàn" – Sở Công Thương TP HCM cho biết như vậy trong báo cáo gửi UBND TP HCM ngày 8-9.
Báo cáo nêu rõ, IIP tháng 8 ước giảm 22,4% so với tháng trước. So với tháng 8-2020, IIP ước giảm 49,2%, trong đó các ngành hàng giảm sâu như: sản xuất chế biến thực phẩm giảm 23,5%, sản xuất thiết bị điện giảm 37,2%, sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic giảm 38,4%. 
Đặc biệt, khá nhiều ngành có mức giảm trên 50%, gồm: sản xuất đồ uống giảm đến 59,6%, dệt giảm 71,5%, sản xuất trang phục giảm 57,5%, da giày giảm 80,9%, chế biến gỗ giảm 85,6%, sản xuất hàng điện tử giảm 58,4%.
TP HCM: Sản xuất, tiêu thụ hàng hóa giảm kỷ lục vì Covid-19 - Ảnh 1.
Trong giai đoạn dịch bệnh, sức mua tại thị trường TP HCM chủ yếu tập trung vào nhóm hàng thực phẩm tươi sống, hàng tiêu dùng thiết yếu

Chỉ số tháng 8 giảm đã ảnh hưởng đến đà phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong 8 tháng đầu năm vốn chưa phục hồi hoàn toàn do còn ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kể từ năm 2020.
Lũy kế 8 tháng, IIP toàn ngành công nghiệp ước giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chỉ một số ít ngành công nghiệp như sản xuất kim loại, sản xuất thiết bị điện… có chỉ số còn duy trì tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước. 
Tính chung, trong 8 tháng, 4 ngành công nghiệp trọng điểm ước giảm 5,8% so cùng kỳ. Trong đó: ngành sản xuất hàng điện tử ước giảm 6,8%; ngành cơ khí ước giảm 2,6%; ngành hóa dược – cao su – nhựa ước giảm 5,3%. 
Ngành chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống ước giảm 8,7%. Mặc dù doanh thu bán lẻ mặt hàng lương thực, thực phẩm 8 tháng ước đạt 66.296 tỉ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ nhưng chỉ số sản xuất vẫn giảm do các biện pháp hạn chế lưu thông ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.
Về thương mại nội địa, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 8 ước đạt 35.522,5 tỉ đồng, giảm 15,8% so tháng trước và giảm 59,4% so với tháng cùng kỳ năm 2020. Lũy kế 8 tháng ước đạt 609.351 tỉ đồng, giảm 10,6% so cùng kỳ năm trước. 
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 352.969 tỉ đồng, giảm 6,2% so cùng kỳ. 

Thanh Nhân (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)