Ý kiến này được nhiều chuyên gia đưa ra tại tọa đàm “Quy hoạch TP.HCM mới trong bối cảnh sáp nhập tỉnh, thành”.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho thấy, hiện TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đều có quy hoạch riêng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, TP.HCM xác lập mục tiêu trở thành trung tâm tài chính – kinh tế quốc tế, đầu tàu phát triển công nghệ cao, đô thị thông minh và kinh tế số của cả nước và khu vực. TP tập trung phát triển mô hình đô thị đa trung tâm, bền vững, với mạng lưới giao thông kết nối qua Vành đai 3, Vành đai 4 và các trục xuyên tâm, hướng đến không gian phát triển theo trục sông Sài Gòn và mở ra hướng biển. TP cũng nhấn mạnh vai trò dẫn dắt về chuyển đổi số, cải cách hành chính và hệ thống logistics toàn diện.
Tỉnh Bình Dương quy hoạch ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ logistics và đô thị hóa nhanh theo các cực tăng trưởng trọng điểm như Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một…
Bà Rịa – Vũng Tàu quy hoạch là trung tâm logistics, cảng biển và công nghiệp xanh ven biển phía Nam. Tỉnh tập trung phát triển trục cảng Cái Mép – Thị Vải, hướng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và hệ sinh thái kinh tế biển hiện đại. Du lịch biển và năng lượng tái tạo cũng là hai trụ cột kinh tế quan trọng.
TP.HCM mới không phải là 3 địa phương cộng lại
Theo nhóm nghiên cứu thì, ba đồ án quy hoạch của TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu đều có nền tảng phát triển vững chắc, phù hợp với đặc điểm riêng và thế mạnh từng địa phương. Tuy nhiên, để tiến tới mô hình quy hoạch cấp tỉnh thống nhất, tránh chồng chéo và phân mảnh không gian sau sáp nhập, cần có một khung pháp lý và chiến lược quy hoạch tích hợp mới, làm rõ vai trò từng vùng động lực, tổ chức không gian hợp lý, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng số. Quan trọng hơn, quy hoạch tích hợp trong tương lai còn phải hướng đến hiệu quả quản trị liên vùng, thích ứng với biến đổi kinh tế – xã hội, tận dụng tối đa lợi thế so sánh của từng khu vực.
“Sau sáp nhập, việc lập quy hoạch mới là bắt buộc để đảm bảo quản lý, phát triển thống nhất và kịp thời triển khai cho giai đoạn 2025-2030”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
TS. Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 – nhìn nhận, sau sáp nhập, TP.HCM sẽ trở thành một siêu đô thị với nhiều đặc điểm mà không có đô thị nào ở Đông Nam Á sánh được. TP.HCM mới sẽ là trung tâm công nghiệp lớn, trung tâm tài chính, thương mại, du lịch biển đảo…
“Lợi thế của các đô thị riêng lẻ sẽ hội tụ vào địa bàn này”, TS. Lịch nhấn mạnh.
Theo đó, TS. Lịch đề nghị cần làm rõ hơn việc sáp nhập ba địa phương không phải con số cộng mà tạo sự cộng hưởng số nhân để phát triển siêu đô thị không phải nơi nào cũng có được. Việc hợp nhất ba quy hoạch của ba địa phương không phải là “cộng” ba bản quy hoạch lại mà phải tính toán lợi thế của một địa phương, cơ cấu kinh tế mang tính chất tiểu vùng kinh tế. Qua đó, cần rà lại cơ cấu cả địa bàn cũng như toàn bộ hệ thống không gian đô thị đã quy hoạch từ trước và tính toán mở rộng các không gian đô thị, không gian công cộng, không gian xanh để phát triển bền vững. Đồng thời, tính các bài toán kết nối hạ tầng thông qua đường sắt, metro mang tính đột phá.
Theo TS. Lịch, mục tiêu lớn nhất của việc sáp nhập là tăng trưởng hai con số. TP.HCM cần đề nghị Trung ương cho áp dụng Nghị quyết 98 đối với toàn bộ TP.HCM mới.
TS. Võ Kim Cương – nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM – khẳng định, chắc chắn không ai nói sáp nhập ba tỉnh thành là cộng ba tỉnh lại mà phải có thay đổi theo kiểu dấu nhân, không bỏ hoàn toàn các quy hoạch để làm lại mà phải kế thừa…
TS. Nguyễn Thị Hậu – thành viên Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 – cũng cho rằng, một TP mới phải đảm bảo ba đặc trưng, gồm trung tâm về tiền tệ, dịch vụ, tài chính; logistics và công nghiệp mới.
“Nếu dựa trên ba đặc điểm này thì TP.HCM mới là sự tổng hợp của cả ba thế mạnh đến từ ba địa phương”, TS. Hậu nói.
Chọn động lực tăng trưởng chính để phát huy lợi thế của TP.HCM mới
Theo ThS. Nguyễn Trúc Vân – Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo kinh tế – xã hội (Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM mới sẽ có thay đổi nhất định về quy mô kinh tế (tính theo động cơ học). Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể thấp hơn, tỉ trọng dịch vụ giảm đi nhưng công nghiệp sẽ tăng lên. Vì vậy, cần nhận diện lại bức tranh tổng thể, gam màu của kinh tế – xã hội TP.HCM mới và mức đóng góp ra sao vào bức tranh tổng thể cả nước. Từ đó, TP.HCM cần xác định lại mục tiêu của mình, chọn động lực tăng trưởng chính để phát huy lợi thế của TP.HCM mới.
Cũng theo ThS. Vân, khu vực dịch vụ vẫn là động lực tăng trưởng chính và tiềm năng của TP.HCM mới. Trong đó, dịch vụ tài chính, khoa học công nghệ và du lịch là chủ lực. TP.HCM có thể khai thác lợi thế về du lịch biển, khai thác cụm cảng, logistics của Bà Rịa – Vũng Tàu. Bên cạnh đó, TP phát triển ngành công nghiệp hóa dầu, chế tạo thiết bị điện hóa, năng lượng tái tạo, công nghiệp sinh học. Đây là các thế mạnh của hai tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu. Trong đó, quỹ đất được mở rộng sẽ tạo điều kiện thu hút nhà đầu tư, tập đoàn nước ngoài; đây cũng là cơ hội để giãn dân.
“Thời gian tới, TP.HCM cần có mục tiêu và kịch bản để thực hiện việc tăng trưởng hai con số và phân bố không gian, các động lực phát triển để định vị TP.HCM mới”, ThS. Vân nêu ý kiến.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thục – Đại học Quốc gia Hà Nội, nếu kết nối đồng bộ được hạ tầng, phân định được lợi thế không gian phát triển đô thị và tạo ra những chuỗi logistics tốt thì sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho TP.HCM mới.
Theo đó, sau sáp nhập, chính quyền TP.HCM mới cần hoàn thiện công cụ quản lý quy hoạch, giữ được sự lưu thông của mô hình hiện hữu, đừng vội xáo trộn và phối hợp liên vùng để phát triển bền vững. Đồng thời, TP.HCM sau sáp nhập phải tạo ra “vùng xanh”, “vùng đổi mới sáng tạo” để người dân có thể ở tại chỗ mà vẫn tạo ra kinh tế chất lượng cao.
TS. Nguyễn Anh Tuấn – Trưởng phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP.HCM) – cho rằng, cần có công cụ xứng tầm để phù hợp cấu trúc thể chế và quản trị vùng mới. Trong đó, công cụ quản lý số là yếu tố quyết định thành bại của mô hình quản trị mới với địa bàn rộng và bộ máy tổ chức chính quyền 2 cấp (mới hoàn toàn). Công cụ quản lý số cho phép chính quyền TP tiếp cận nhanh, toàn diện thông tin từ cấp phường, xã. Lãnh đạo với sự hỗ trợ của công cụ số sẽ có tầm nhìn chiến lược, ra quyết định kịp thời về quản lý, đầu tư phát triển, tạo ra tính đột phá của đô thị.
Hòa Triều – CTV
Bình luận (0)