Sự kiện giáo dụcTiêu điểm

TP.HCM sẽ chỉnh giờ học, giờ làm

Tạp Chí Giáo Dục

Thành Phố cho rằng cần tăng cường dịch vụ đưa rước học sinh bằng xe buýt, xe 12 chỗ ngồi để giảm thiểu lượng xe máy ra đường.
Ngày 27-11, tin từ UBND TP.HCM cho biết: TP đã hoàn chỉnh phương án thay đổi giờ làm việc, học tập và kinh doanh (gọi tắt là lệch ca, lệch giờ) trên địa bàn để báo cáo theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Sẽ điều chỉnh giờ làm khi cần thiết
Trong phương án, TP.HCM đề cập đến ba nhóm đối tượng, đó là học sinh các trường mầm non, tiểu học và THCS; học sinh THPT và sinh viên ĐH, CĐ, trung cấp; cán bộ công nhân viên và người lao động. Tuy nhiên, TP.HCM chỉ kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh giờ học của nhóm đối tượng 1; không thay đổi giờ học, giờ làm của hai nhóm đối tượng còn lại.
“Cấp tiểu học có thể lùi giờ học và giờ tan trường buổi chiều muộn hơn 15 phút so với hiện nay (thành từ 13 giờ 15 đến 16 giờ 45 thay vì từ 13 giờ đến 16 giờ 30). Giờ học của cấp THCS cũng muộn hơn 15 phút vào buổi sáng (thành 7 giờ 15 đến 11 giờ 30, thay vì 7 giờ đến 11 giờ 15). Sau đó, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu và điều chỉnh giờ làm việc khi cần thiết” – phương án nêu.

UBND TP cho rằng biện pháp lệch ca, lệch giờ ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của nhiều người nên cần được nghiên cứu thật kỹ. Ảnh: MP
Vẫn chưa phải giải pháp căn cơ
Sở LĐ-TB&XH nhận định thời gian qua việc các trường học điều chỉnh giờ học đã góp phần giảm ùn tắc trong giờ cao điểm, đặc biệt ở các tuyến đường trọng điểm. Chẳng hạn ở quận 4, tuyến đường trọng điểm Nguyễn Tất Thành không còn bị ùn tắc trong giờ tan học. Hoặc ở quận 11, trong năm học 2010-2011 ùn tắc giao thông ở các cổng trường mặt tiền đường Lạc Long Quân, Ba Tháng Hai, Minh Phụng, Cư xá Lữ Gia… đã giảm hẳn sau khi các trường điều chỉnh giờ học giữa các khối lớp.
Tuy đánh giá biện pháp điều chỉnh lệch ca, lệch giờ đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực nhưng UBND TP cho rằng đây không phải là giải pháp căn cơ, duy nhất và phát huy tác dụng tức thời. Giải pháp căn bản, lâu dài là thực hiện quy hoạch phát triển giao thông vận tải TP.HCM đã được phê duyệt, xây dựng các quốc lộ, đường hướng tâm, cao tốc, vành đai, các trục chính đô thị, nút giao thông, đường sắt đô thị; kết hợp phát triển giao thông với phát triển không gian đô thị; hạn chế xây dựng cao ốc, trung tâm thương mại ở trung tâm…
“Cạnh đó, TP.HCM cũng thực hiện nhiều biện pháp cấp bách và việc điều chỉnh lệch ca, lệch giờ nằm trong nhóm giải pháp này. Tuy thế, biện pháp này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt của nhiều người, nhiều tầng lớp trong xã hội nên cần được nghiên cứu, chọn lọc kỹ. Giải pháp thiết yếu hơn là cần tăng cường dịch vụ đưa rước học sinh bằng xe buýt, xe 12 chỗ ngồi để giảm thiểu số lượng xe máy ra đường” – một lãnh đạo UBND TP bày tỏ.
Nói về vấn đề lệch ca, lệch giờ, một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cho hay: Cuối năm 2007, Sở trình đề án bố trí lệch giờ làm và giờ học nhằm kéo giảm lưu lượng giao thông trong giờ cao điểm nhưng chưa được HĐND TP thông qua. Sau đó, Sở tiếp tục tham mưu cho TP về giải pháp lệch giờ, chỉ áp dụng cho các cơ quan hành chính, cơ sở công lập và các doanh nghiệp nhà nước. Khung giờ đề nghị điều chỉnh là sáng bắt đầu làm việc từ 7 giờ 30 hoặc 8 giờ; buổi chiều kết thúc từ 16 giờ hoặc 16 giờ 30 hoặc 17 giờ.
“Việc điều chỉnh giờ làm việc như vậy phù hợp cho cán bộ, công chức đưa con đến trường, đồng thời cũng nhằm giảm lượng người lưu thông cùng thời điểm. Muốn vậy, cần phải rút ngắn giờ nghỉ trưa hoặc làm việc thông tầm và điều này phù hợp với hoạt động hành chính của một xã hội hiện đại. Tuy nhiên, báo cáo của các địa phương cho thấy thời gian qua việc điều chỉnh này chưa được thực hiện” – lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH nói.
Theo MINH PHONG
(PLTP)

Bình luận (0)