Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM sẽ có những nơi bị nhấn chìm vĩnh viễn

Tạp Chí Giáo Dục

“Nếu mực nước biển dâng cao hơn dự báo 26cm vào năm 2050 sẽ tác động rất lớn tới rừng ngập mặn Cần Giờ và một số khu vực ở TP.HCM bị nhấn chìm vĩnh viễn”- ông Jeremy Carew Reid, Giám đốc Trung tân quốc tế về Quản lý môi trường (ICEM) nhận định.
Cảnh báo trên được ông Jeremy đưa ra trong buổi hội thảo “Nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) và sự thích ứng tại TP.HCM: Từ nghiên cứu tới hành động” ngày 14/7, do Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) phối hợp với UBND và Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM phối hợp tổ chức. 
Biến đổi khí hậu ở rất gần 
Theo các chuyên gia, BĐKH không còn là khái niệm chung chung, mơ hồ mà đang ở rất gần, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân thành phố, được biểu hiện qua các trận mưa to bất thường gây ngập lụt nghiêm trọng, nắng nóng gay gắt… 
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM Đào Anh Kiệt cho biết, trong vòng 30 năm qua, khí hậu ở TP.HCM đã bắt đầu thay đổi với gia tăng bão nhiệt đới, mưa và khô hạn. 
“Ở cấp toàn cầu, TP.HCM được xác nhận là một trong 10 thành phố chịu tác động nặng nề nhất. Một phần không nhỏ diện tích của thành phố thường xuyên bị ngập lụt do sự kết hợp của thủy triều, mưa bão, lũ lụt và cả các công trình nhân tạo”, ông Kiệt nói.  
TP.HCM là 1 trong 10 thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Ảnh: X.Đ
Theo số liệu thống kê, 154 trong tổng số 322 xã phường ở TP.HCM có lịch sử ngập lụt thường xuyên tới gần 11.000 ha, làm ảnh hưởng tới 917.000 người (12% dân số). 
Chẳng hạn, trong trận mưa bão lớn như Linda xảy ra năm 1997, khoảng 3,2 triệu người dân thành phố (chiếm 48%) phải chịu cảnh “sống chung với ngập”. 
Ông Jeremy cho rằng vào năm 2050, với tình hình nước biển dâng thêm 26cm sẽ khiến một nửa các khu công nghiệp ở thành phố hiện nay bị tổn thương do ngập lụt. Ngay cả các khu vực nằm trong khoảng cách 1km của các khu công nghiệp cũng sẽ bị tác động gián tiếp. 
Cụ thể, hàng loạt các công trình giao thông như đường sắt, tàu điện ngầm (đang xây dựng), hệ thống cảng biển mới di chuyển ra vùng ngoại thành… sẽ nằm trong vùng ngập úng. 
Thống kê từ năm 1997 đến 2007 của nghiên cứu này, tổng thiệt hại do thiên tai ở TP.HCM ước tính trên 12,6 triệu USD (202 tỷ đồng). Các huyện bị thiệt hại nặng nề nhất là Cần Giờ và Nhà Bè. Tuy nhiên, trong thời gian tới với mức độ ngập lụt gia tăng do BĐKH, các khu đô thị cũng có thể bị thiệt hại nhiều hơn. 
TP.HCM sẽ chìm trong biển nước vào 2050
Trước nguy cơ ảnh hưởng nặng nề của BĐKH đến người dân TP.HCM trong thời gian tới, ông Jeremy đã đưa ra giải pháp đối phó như quá trình quy hoạch tổng thể sử dụng đất của thành phố phải có tầm nhìn thích ứng với BĐKH. 
Cụ thể, hiện thành phố đã mất dần mảng xanh, không gian xanh để nhường chỗ cho đô thị hóa. Ngay cả rừng ngập mặn Cần Giờ, được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển có giá trị khi gió bão, cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho cư dân và người dân hiện cũng đang bị suy giảm nghiêm trọng… 
Toàn bộ thành phố hiện có 90 công viên với tổng diện tích 969 ha (chiếm 0,5% diện tích), tương đương với 1.5m2/người. Đây là tỉ lệ khá thấp về không gian mở trong khu vực đô thị.   
“Do đó, trong thời gian tới, thành phố cần đưa ra các biện pháp nhằm quản lý và phục hồi hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ; tái trồng rừng đầu nguồn cho lưu vực sông Đồng Nai. Ngoài ra, việc phục hồi kênh rạch sông ngòi, bảo vệ và phục hồi các vùng đất ngập nước đô thị thành phố cũng cần phải được tiến hành cụ thể, nhanh chóng” – ông A. Konishi, Giám đốc quốc gia ADB nói. 
Nhiều đại biểu cho rằng người dân thành phố hiện còn rất mơ hồ về khái niệm BĐKH và chưa hiểu hết tác động, ảnh hưởng của vấn đề này đến cuộc sống của họ. Chính vì vậy, thành phố cần phải tuyên truyền giúp người dân hiểu BĐKH sẽ khiến công ăn việc làm, cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng trực tiếp. Từ đó, người dân sẽ có hành động cụ thể để bảo vệ môi trường chống BĐKH. 
TS Chế Đình Lý, Phó viện trưởng Viện Môi trường Tài nguyên, ĐHQG TP.HCM cho rằng, trong khi các tuyến đường được xây dựng trước đây cho khoảng 500.000 dân số thành phố như Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hàm Nghi… đều ưu tiên có nhiều cây xanh, thì ngược lại, các tuyến đường xây dựng sau này như Bàu Cát, Sư Vạn Hạnh… lại chật hẹp, ít cây. 
“Chính cách quản lý, suy nghĩ kiểu nhìn gần, “ăn xổi ở thì” không nhìn cho thế hệ mai sau sẽ khiến thành phố chịu ảnh hưởng nặng nề hơn bởi tác động của biến đổi khí hậu”, Tiến sỹ Lý nói.
Ông Lý cũng khuyến cáo, cần phải ưu tiên hóa những biện pháp cấp bách, đưa ra việc gì nên làm và không nên làm ngay trong thời điểm hiện tại thay vì mấy chục năm sau! 
Theo các chuyên gia, dân nghèo đô thị và nông thôn là đối tượng chịu tác động, ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu nhiều hơn các nhóm xã hội khác. Theo thống kê năm 2006, TP.HCM có tổng tỉ lệ dân nghèo là 0,5% nghĩa là khoảng 30.000 – 40.000 người nghèo. Ngoài ra, người dân sống trong những căn nhà xuống cấp và điều kiện môi trường yếu kém có thể cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ nghèo được công bố. Ở TP.HCM, khu vực người nghèo sinh sống dễ bị tổn thương do ngập lụt hơn vì điều kiện hạ tầng, môi trường sống và sinh hoạt của họ tồi tàn. 
Thái Phương (VietNamNet)

Bình luận (0)