Trước tình hình ùn tắc đang ngày một tăng cao và mất kiểm soát, UBND TP HCM vừa chấp thuận chủ trương cho phép Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong được nghiên cứu xây dựng hệ thống thu phí tự động ôtô vào khu vực trung tâm và thí điểm trong 6 tháng.
Với số lượng ôtô hiện có trên 400.000 chiếc cùng khoảng 100 xe đăng ký mới mỗi ngày buộc Sài Gòn tính tới bài toán hạn chế trên nếu không muốn ôtô xếp hàng dài trên đường.
Cuối tháng 7, TP HCM từng đề xuất lập các trạm thu phí trên địa bàn thành phố với hệ thống thu phí giao thông điện tử (ERP – áp dụng cho ôtô). Phí được xây dựng theo cách tính số tiền phải trả để sử dụng một tuyến đường phụ thuộc vào mức độ ùn tắc trên tuyến, tức đường thường bị kẹt xe thì phí lưu hành xe máy càng cao.
Tháng 10/2008, UBND TP HCM đã nêu ý định thu phí lưu hành đối với ôtô. Theo đó, mỗi năm xe dưới 7 chỗ phải đóng phí lưu hành 10 triệu đồng. Nhưng đề xuất này bị Bộ Tài Chính bác với lý do không khả thi.
Thực tế tại Sài Gòn hiện nay cứ vào giờ cao điểm, hàng trăm nghìn phương tiện đổ ra đường gây nên cảnh tắc nghẽn tại nhiều nơi. Từ đầu năm đến hết tháng 9, toàn thành phố có tới 61 vụ ùn tắc lớn trên 30 phút, con số này năm ngoái chỉ là 48 vụ. Đó là chưa kể những vụ ùn tắc dưới nửa tiếng chưa được thống kê, báo cáo của Ban an toàn giao thông thành phố mở đầu cuộc họp bàn về chống ùn tắc hôm qua.
Ôtô kẹt cứng trên đường phố Sài Gòn. Ảnh: Kiên Cường.
|
Theo ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Ban an toàn giao thông thành phố thì cứ như đà này, cuối năm nay chắc chắn TP HCM sẽ không đạt được mục tiêu kéo giảm ùn tắc khi số vụ kẹt xe cứ tăng với tốc độ chóng mặt và mất kiểm soát. “Có đến 12 vụ ùn tắc kéo dài từ 4 tiếng đến gần 9 tiếng là không thể chấp nhận được đối với một đô thị luôn hoạt động như Sài Gòn”, ông Tường nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch UBND TP HCM Lê Hoàng Quân cho rằng, vấn nạn kẹt xe ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội. “Hiện Sài Gòn đang phải gánh gần 4,2 triệu phương tiện đó là chưa kể xe ngoại tỉnh, tốc độ tăng phương tiện luôn ở mức 10% trong 9 tháng đầu năm. Trong khi diện tích mặt đường thành phố chỉ chiếm 5% diện tích mặt đường cả nước thì số phương tiện giao thông chiếm 1/3 quốc gia”, ông Quân dẫn chứng.
Ngoài việc thu phí lưu hành ôtô, UBND TP HCM tiếp tục ra một kế hoạch ngắn hạn với 7 nhóm giải pháp không mới: từ nay đến hết quý I/2010 tăng cường công tác tuyên truyền, tăng cường công tác xử phạt, chấn chỉnh trật tự đô thị và lòng lề đường, đẩy nhanh tiến độ công trình trọng điểm, chấn chỉnh công tác thi công rào chắn…
Sở Giao thông (đơn vị soạn thảo kế hoạch này) cũng mạnh dạn đề nghị những biện pháp chưa từng có trước nay. Ví dụ cho phép các công trình đào đường thi công luôn ngày tết, lễ…
Kiên Cường (VNE)
Bình luận (0)