Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM sẽ thí điểm tuyển sinh lớp 1, 6 không theo địa giới hành chính với 3 quận

Tạp Chí Giáo Dục

TP.HCM dự kiến sẽ thí điểm áp dụng hệ thống bản đồ GIS trong tuyển sinh các lớp đầu cấp lớp 1, lớp 6 tại TP Thủ Đức, quận 8 và Tân Bình. Trong đó, học sinh được học tại trường gần nơi cư trú chứ không phân tuyến theo địa giới hành chính phường như trước đây.


TP.HCM dự kiến sẽ áp dụng bản đồ GIS trong tuyển sinh đầu cấp với 3 địạ phương là TP.Thủ Đức, quận 8 và Tân Bình

Ngày 17-3, Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin đã xây dựng kế hoạch trình UBND TP.HCM về kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024. Điểm mới nhất trong tuyển sinh năm nay được Sở GD-ĐT đề cập đó là việc áp dụng thí điểm huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp không áp dụng phân tuyến theo địa giới hành chính của phường như mọi năm mà áp dụng theo hệ thống thông tin địa lý – bản đồ số GIS, thí điểm với 3 địa phương là TP.Thủ Đức, quận 8 và quận Tân Bình. Việc tuyển sinh sẽ được thực hiện theo kế hoạch huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2023-2024 của UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức.

Ngoài ra, trong mùa tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, một điểm mới nữa cũng được Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra trong tờ trình kế hoạch tuyển sinh đầu cấp là việc áp dụng đăng ký tuyển sinh và nhập học 100% được thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Cha mẹ học sinh sẽ kiểm tra thông tin và xác nhận nhập học trên hệ thống dữ liệu tuyển sinh đầu cấp của Sở GD-ĐT. Việc nộp hồ sơ giấy trực tiếp tại trường sau khi đã xác nhận nhập học sẽ thực hiện theo kế hoạch tuyển sinh đầu cấp của địa phương. Với hình thức này, Sở GD-ĐT nghiêm cấm các trường vận động, quyên góp và thu các khoản ngoài quy định khi tuyển sinh.

Ông Dương Văn Dân – Trưởng phòng GD-ĐT Q.8, cho hay trước đây nguyên tắc phân tuyến là học sinh cư trú ở phường nào sẽ học tại trường đóng trên địa bàn phường đó. Nhưng với việc tuyển sinh áp dụng bản đồ GIS thì có thể phân tuyến theo hình thức địa bàn phường hoặc liên phường, sao cho học sinh đi học trường gần nhà nhất có thể, giúp địa phương, nhà trường thuận lợi, dễ dàng hơn vào mùa tuyển sinh đầu cấp, phụ huynh học sinh cũng thuận lợi nhất.

Lý giải việc dự kiến thí điểm áp dụng bản đồ số GIS trong tuyển sinh đầu cấp với 3 địa phương là TP. Thủ Đức, quận 8 và Tân Bình, một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay đây đều là các địa phương đặc thù, trên thực tế nhiều năm nay các địa phương này đã rất linh hoạt trong tuyển sinh đầu cấp, giải quyết để đảm bảo chỗ học cho học sinh.

Với địa bàn quận 8 thì đây là một trong những địa phương có dân số nhập cư không quá đông song cũng không phải là ít, đủ để áp dụng thí điểm từ đó rút kinh nghiệm; Tân Bình là địa bàn tương đối ổn định về số học sinh hàng năm song lại giáp ranh giữa nhiều quận, thích hợp để áp dụng thí điểm; TP Thủ Đức là địa bàn “nóng” nhất với 34 phường, với những đực thù riêng, giáp ranh với cả Bình Dương, việc áp dụng thí điểm sẽ giúp địa phương phần nào bớt áp lực trong giải quyết được bài toán về chỗ học cho học sinh đầu cấp.

“Việc áp dụng công nghệ, chuyển đổi số trong tuyển sinh đầu cấp trên hết sẽ giúp đảm bảo quyền lợi cho người dân, đảm bảo học sinh được học gần nhà. Cạnh đó sẽ giúp các địa phương thuận tiện hơn trong công tác tuyển sinh đầu cấp hàng năm, nhất là các địa phương luôn chịu áp lực về sĩ số học sinh hàng năm….” – vị này đánh giá.

Theo TS. Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, năm học 2023-2024 là năm đầu tiên TP.HCM thực hiện tuyển sinh đầu cấp không khai báo. Đây là điểm mới cơ bản nhất so với các năm trước.

Những năm trước, dù tuyển sinh trực tuyến được thực hiện nhưng phụ huynh vẫn phải khai báo dữ liệu, nhập dữ liệu của con em mình lên phần mềm tuyển sinh của trường, quận, huyện. Còn năm nay, các cơ sở giáo dục, phòng GD-ĐT là cơ quan tham mưu thường trực cho ban chỉ đạo tuyển sinh địa phương, sử dụng cơ sở dữ liệu ngành để bố trí chỗ học cho học sinh, chứ không phải phụ huynh đăng ký chỗ học. "Căn cứ trên cơ sở dữ liệu ngành, tham khảo trên bản đồ số GIS, ban tuyển sinh sẽ phân bổ học sinh trên nguyên tắc được học gần nhà", ông Hiếu phân tích.

Để thực hiện việc tuyển sinh đầu cấp theo hình thức trên, ông Hiếu đề nghị các phòng GD-ĐT phối hợp với phường, xã rà soát danh sách, xác định nơi cư trú thực tế của học sinh. "Công tác này là vô cùng quan trọng vì nếu không khéo thì các trường "điểm nóng" có thể xảy ra tình trạng một địa chỉ có mấy chục học sinh trong độ tuổi đi học. Từ chính danh sách này, phòng GD-ĐT sẽ là cơ quan tham mưu, bố trí phân bổ chỗ học cho học sinh sau khi rà soát dữ liệu", ông Hiếu lưu ý.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)