UBND TP.HCM vừa ban hành giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, giai đoạn 2022 – 2025.
TP.HCM sẽ thu giá thoát nước từ năm 2022. ẢNH: NGỌC DƯƠNG
Giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải mà UBND TP.HCM vừa ban hành dựa trên đề xuất của Sở Xây dựng đã trình UBND TP trước đó, sau khi lấy ý kiến các sở, ngành.
Theo đó, dự kiến mức thu sẽ tăng dự kiến là 5%/năm, lộ trình 2022 – 2025. Giá nước sinh hoạt bình quân hiện nay giữ nguyên đến 2022 là 9.590 đồng/m3; giá dịch vụ thoát nước bình quân là 1.439 đồng/m3. Như vậy, đến năm 2025, giá nước sinh hoạt bình quân sẽ tăng lên 11.422 đồng/m2; giá dịch vụ thoát nước bình quân là 3.426 đồng/m3 (chưa tính 10% thuế giá trị gia tăng).
Đối tượng thu gồm các tổ chức, cơ quan, hộ gia đình có hoạt động xả nước thải sinh hoạt vào hệ thống thoát nước. Đối với các hộ thoát nước không sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung tiếp tục thu phí bảo vệ môi trường theo quy định. Sở TN-MT phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức xây dựng phương án thu tiền dịch vụ cho các đối tượng này.
Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV sẽ là đơn vị triển khai thu giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải thay phí bảo vệ môi trường đối với nước thải. Nguồn thu từ dịch vụ thoát nước thải được để lại 1% trên tổng số thu thực tế để chi trả chi phí dịch vụ đi thu và thực hiện các nghĩa vụ thuế và nghĩa vụ tài chính khác (nếu có). Phần còn lại nộp vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các mục đích đầu tư, duy trì, phát triển hệ thống thoát nước và các chi phí hợp lệ khác theo quy định hiện hành.
Trước đó, phương án thu giá thoát nước mà Sở Xây dựng TP.HCM trình UBND TP tính áp dụng trong giai đoạn từ 2020 – 2024. Lãnh đạo Sở nhận định lộ trình đề xuất thu giá thoát nước căn bản tạo sự công bằng xã hội, người gây ô nhiễm phải có trách nhiệm trong việc xử lý các chất gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, việc thu giá đáp ứng chi phí cho hoạt động quản lý vận hành, duy tu, bảo trì hệ thống thoát nước, nước thải, bùn thải trong giai đoạn tiếp theo cũng là vấn đề hết sức cấp thiết để giảm mức bao cấp từ ngân sách TP, cũng như đảm bảo nguồn chi trả nợ vay từ các hoạt động đầu tư vào hệ thống nước thải bằng nguồn vốn ODA. Đồng thời, khuyến khích, thu hút nguồn lực đầu tư bằng hình thức đối tác công – tư (PPP).
Theo Hà Mai/TNO
Bình luận (0)