Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

TP.HCM siết chặt an toàn thực phẩm trường học từ đầu năm học

Tạp Chí Giáo Dục

Trong sut mt tháng rưi đu năm hc, TP.HCM s trin khai các đoàn kim tra liên ngành kim tra hàng lot bếp ăn, căng tin trưng hc, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong trường học.

Bữa ăn bán trú của học sinh luôn được nhà trường và phụ huynh hết sức quan tâm

“Nóng” ba ăn bán trú t đu năm hc mi

Vừa vào năm học mới, group phụ huynh học sinh lớp 3 của một trường tiểu học trên địa bàn TP.HCM đã “rộn ràng” những lời bàn tán về bữa ăn bán trú ở trường của con. Theo đó, có phụ huynh phàn nàn “con chê cơm nhão”; phụ huynh khác lại nói “ăn bán trú về nhà con than đói do ít cơm”; phụ huynh khác thì nói “con kể cơm bán trú ít đồ ăn”… “Những ý kiến này đã được ban đại diện cha mẹ học sinh lớp gửi tới giáo viên chủ nhiệm. Đồng thời, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp sẽ đề nghị với giáo viên chủ nhiệm đề nghị ban giám hiệu nhà trường để phụ huynh trong lớp được tham gia bữa ăn bán trú cùng con”, anh Phan Trung (đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh lớp) chia sẻ.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, tỷ lệ học sinh thành phố tham gia bữa ăn bán trú rất lớn, dao động ở từng khối lớp. Trong đó, riêng bậc mầm non đạt 100%, bậc tiểu học lên đến gần 80%. Do vậy, mối quan tâm về chất lượng bữa ăn bán trú của con ở trường là một trong những mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh khi con tham gia học tập tại trường.

Để đảm bảo công tác an toàn trường học trên địa bàn thành phố trong năm học mới, trong hè, Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai chương trình tập huấn an toàn thực phẩm trong trường học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, cả trong và ngoài công lập. Ông Đỗ Đức Công (Phó Trưởng phòng Quản lý tiêu chuẩn và giám sát ngộ độc thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM) chỉ rõ, các nguyên nhân chủ quan dẫn đến ngộ độc thực phẩm bao gồm: thực trạng kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm của nhân viên; chưa có sự giám sát thường xuyên trong vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm trong bếp ăn bán trú; thời gian từ lúc chế biến xong cho đến khi sử dụng còn dài (sau 2 giờ), phát sinh nguy cơ dẫn đến ngộ độc thực phẩm; việc sử dụng chất cấm, kháng sinh, hóa chất không được phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kích thích tăng trưởng… góp phần làm tăng nguy cơ ngộ độc thực phẩm; một số bếp ăn còn sử dụng thực phẩm chưa có nguồn gốc rõ ràng; thiếu sự giám sát chặt chẽ từ cơ quan quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm… Bên cạnh đó, ngộ độc thực phẩm còn đến từ các tác nhân ô nhiễm sinh học, vật lý, từ độc tố tự nhiên… Để chủ động công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong trường học, ông Công đề nghị các nhà trường cần làm tốt công tác tự kiểm tra. Mỗi trường cần lập tổ tự kiểm tra gồm ban giám hiệu, phụ trách Đội/bí thư Đoàn… Khi kiểm tra cần có biên bản, thực hiện kiểm tra định kỳ, thường xuyên và đột xuất. Đặc biệt là phát huy yếu tố đánh giá cảm quan bên ngoài khi học sinh nói đồ ăn có mùi lạ cần ghi nhận và kiểm tra liền. “Cách đây mấy năm, có trường hợp tại một trường học ở TP.Thủ Đức, khi học sinh phản ánh rằng món cơm chiên Dương Châu có mùi lạ thì nhân viên bán trú đã không ghi nhận, can thiệp kịp thời, dẫn đến sự việc 90 học sinh bị ngộ độc món cơm này”, ông Công khuyến cáo.

“Siết” an toàn thc phm t đu năm hc

TP.HCM hiện có hơn 2.400 trường học và gần 2.000 nhóm trẻ độc lập tư thục. Trên thực tế, số lượng đơn vị và trẻ tham gia ăn bán trú trong năm học rất lớn.

Với đặc thù ngành giáo dục thành phố, ông Dương Trí Dũng (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) khẳng định, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong trường học là nhiệm vụ quan trọng được phụ huynh, xã hội và ngành giáo dục quan tâm; thuộc trách nhiệm quản lý của thủ trưởng đơn vị. Hàng năm, Sở GD-ĐT đều phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tập huấn, cập nhật thông tin mới về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm để đảm bảo chất lượng bữa ăn trong trường học, đồng thời trong năm học liên tục triển khai các đoàn kiểm tra công tác tổ chức bán trú trong trường học. “Năm nay, ngành giáo dục sẽ tăng cường thêm các kênh giám sát từ phụ huynh, dư luận xã hội để kiểm soát hơn nữa chất lượng bữa ăn bán trú cho học sinh thành phố”, ông Dũng nhấn mạnh.

Bà Phạm Khánh Phong Lan (Giám đốc Sở An toàn thực phẩm TP.HCM) cho biết, từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10, các đoàn kiểm tra của Sở An toàn thực phẩm TP.HCM phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ kiểm tra các bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học. Việc kiểm tra đầu năm học nhằm tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trong trường học. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; hạn chế, ngăn ngừa các sự cố về an toàn thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe học sinh trên địa bàn thành phố. Qua đó đánh giá thực trạng việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm của các cơ sở bếp ăn tập thể, căng tin, dịch vụ ăn uống trong trường học. Tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm. Thông qua hoạt động kiểm tra kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những bất cập, yếu kém trong công tác quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Đặc biệt là xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Cạnh đó, kết hợp tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức cán bộ quản lý trường học, người chế biến thực phẩm trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Năm trước, qua các lớp học mở ở bậc tiểu học trên địa bàn thành phố, Sở GD-ĐT TP.HCM khuyến khích nhà trường tổ chức cho phụ huynh được trực tiếp tham gia ăn bữa ăn bán trú cùng con ở trường để cùng giám sát chất lượng bữa ăn. Ở một số địa phương như TP.Thủ Đức còn triển khai hệ thống giám sát bữa ăn bán trú của hệ thống trường học trên địa bàn bằng việc gửi bữa ăn bán trú hàng ngày để phụ huynh và cấp quản lý cùng giám sát.

Năm học này, công tác kiểm soát an toàn thực phẩm cũng được các địa phương đặc biệt quan tâm. Tại Q.Tân Bình, ông Nguyễn Đức Anh Khoa (Phó Trưởng phòng GD-ĐT quận) cho biết, ngay đầu năm học Phòng Giáo dục đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục tăng cường phối hợp với ban đại diện cha mẹ học sinh giám sát nguồn thực phẩm đầu vào; quá trình chế biến, chất lượng bữa ăn của học sinh, và các công ty cung cấp suất ăn sẵn. Trong trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ thực phẩm không đảm bảo an toàn thì nhà trường tạm dừng sử dụng sản phẩm và thông báo ngay cho cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương để xác minh, xử lý.

Tương tự, trong tháng 9, Q.10 tổ chức ra quân đợt kiểm tra cao điểm an toàn thực phẩm tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận. Lãnh đạo UBND Q.10 yêu cầu ngành giáo dục kiểm soát chặt chẽ việc tiếp nhận nguồn nguyên liệu thực phẩm vào trường học. Thường xuyên giám sát nguồn gốc các loại thực phẩm bao gói sẵn như bánh kẹo, nước giải khát đang bày bán tại căng tin. Có biện pháp xử lý triệt để đối với hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm của cơ sở trực thuộc đơn vị mình quản lý. Giải quyết tình trạng bán hàng rong thực phẩm, không đảm bảo an toàn thực phẩm ngay trước cổng trường học. Phối hợp với ngành y tế tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ về phòng, chống ngộ độc thực phẩm. Đặc biệt, tăng cường tuyên truyền, cảnh báo phụ huynh về nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ các xe bán hàng rong trước cổng trường, nhất là các loại bánh kẹo trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Bài, ảnh: Yến Hoa

Bình luận (0)