Việc quản lý chặt sẽ giúp các NTGĐ hoạt động có hiệu quả hơn |
Nhiều quận, huyện có tới cả trăm nhóm trẻ gia đình (NTGĐ), trong khi chuyên viên phụ trách công tác giáo dục mầm non (GDMN) thì thiếu nghiêm trọng. Trung bình mỗi chuyên viên phải phụ trách ít nhất 25 NTGĐ.
Với khoảng 1.000 NTGĐ, TP.HCM là địa phương có nhiều nhóm lớp mầm non tư thục nhất trong cả nước. Các NTGĐ này hiện đang nuôi giữ khoảng 700 nghìn trẻ, “gánh” một phần không nhỏ nhu cầu gửi con của phụ huynh. Tuy nhiên, việc quản lý các NTGĐ lại không hề đơn giản…
Quản lý NTGĐ: Đụng đâu, vướng đó
Q.Tân Phú hiện có 108 NTGĐ, trong đó 55 nhóm đang nuôi giữ số cháu vượt quy định (50 cháu/nhóm). Cụ thể, có 40 nhóm nuôi từ 60 cháu trở lên, 15 nhóm nuôi từ 90 đến 120 cháu. “Nếu giảm số cháu/nhóm lớp xuống thì những cháu còn lại sẽ đi đâu?”, bà Chung Bích Phượng – Phó phòng GD-ĐT Q.Tân Phú tâm tư. Quả đúng như vậy, hiện Tân Phú chỉ có 10 trường MN công lập.
Theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT TP thì nếu không thể giảm số cháu/nhóm lớp xuống thì tách các NTGĐ có đông cháu thành 2 – 3 nhóm hoặc làm thủ tục nâng cấp lên thành trường. Tuy nhiên, “Nếu tách sẽ rất nhiêu khê trong việc quản lý. Vì với 108 NTGĐ như hiện nay là quá nhiều so với 4 nhân sự phụ trách giáo dục MN của phòng GD-ĐT. Còn lên trường thì rất khó, bởi hầu hết các NTGĐ đều vận dụng nhà ở hay thuê nhà phố nên không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy. Một số NTGĐ trên 90 cháu đã làm hồ sơ xin lên trường nhưng khi phòng cháy chữa cháy tới kiểm tra thì không đạt…”, bà Bích Phượng cho biết.
Huyện Hóc Môn cũng có tới 18 NTGĐ đang nuôi giữ từ 100 – 200 cháu, cá biệt có 3 nhóm nuôi tới 230 cháu. Khác với ở Q.Tân Phú, những NTGĐ có từ 100 cháu trở lên ở Hóc Môn đều đảm bảo cơ sở vật chất, có nhiều nhóm xây dựng tới 8 – 9 phòng học. Khi phòng GD-ĐT yêu cầu các nhóm làm thủ tục lên trường thì họ rất sẵn sàng. Song, “Nếu lên trường thì phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất là đất giáo dục trong thời gian 50 năm nên các nhóm không lên trường được”, bà Đặng Thị Xuân Mai – Phó phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn cho biết.
Cái khó của Q.9 là “Những NTGĐ đông cháu cứ lấy lý do là nhà thờ, học sinh là con em của giáo dân nên yêu cầu giảm số cháu xuống là rất khó. Còn lên trường thì không được vì cơ sở vật chất không đảm bảo”, bà Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó trưởng phòng GD-ĐT Q.9 kể lại.
Gò Vấp cũng là một địa phương có đông NTGĐ. “Có một số NTGĐ đi kiểm tra thấy thiếu giáo viên, nhắc nhở họ phải bổ sung. Lần thứ hai đi kiểm tra, thấy đủ. Thế nhưng đến lần thứ 3 tới thì lại thiếu. Với những NTGĐ như thế này, nếu đình chỉ thì không có chỗ cho cháu học. Ngược lại để vậy thì không an tâm, còn phạt hành chính thì không được vì không có quy định. Ngoài ra, nhiều người tới Phòng GD-ĐT xin mở NTGĐ nhưng không có hộ khẩu ở TP. Chúng tôi cấp phép thì không yên tâm, vì làm sao mà quản lý được họ. Nếu cấm thì không có cơ sở pháp lý”, bà Bùi Thị Minh Nguyệt – Phó phòng GD-ĐT Q.Gò Vấp bức xúc.
“Siết chặt” quản lý và cấp phép
Nói về công tác quản lý các NTGĐ, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Tiến Đạt nhấn mạnh: “Việc cấp phép phải chặt chẽ. Với những cơ sở không đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy như ở Q.Tân Phú thì cương quyết không cấp phép. Sau khi đã cấp phép, các phòng GD-ĐT quận, huyện cần tăng cường hậu kiểm. Cơ sở nào vi phạm thì xử phạt, thậm chí là đóng cửa để răn đe những cơ sở khác. Các quận, huyện không nên vì lý do nếu đóng cửa NTGĐ thì cháu không có chỗ học mà dễ dãi…”.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Thanh – Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT cũng cho rằng: “Các NTGĐ muốn giữ nhiều cháu thì phải có sự đầu tư, đầu tư về cơ sở vật chất, đầu tư về giáo viên vì nó liên quan đến tính mạng của trẻ. Với những NTGĐ đông cháu thì nhất định phải giảm, hoặc làm thủ tục lên trường, tách nhóm. Chúng tôi sẽ làm nghiêm vấn đề này”…
Với 32 NTGĐ, so với các quận, huyện khác thì Q.6 đỡ cực hơn trong việc quản lý. Bà Đỗ Thị Kim Oanh – chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.6 cho biết: “Trong số 32 NTGĐ thì có 5 nhóm trên 50 cháu/nhóm. Trong đó có 1 nhóm, lên trường không được, tách nhóm cũng không xong nên sau nhiều lần kiểm tra nhắc nhở, chúng tôi yêu cầu chủ cơ sở phải trả cháu cho phụ huynh. Theo đó, chủ cơ sở đã trả cháu nhóm nhỏ (nhà trẻ) lại cho phụ huynh. Còn 1 nhóm thì tách ra thành 2 nhóm, 3 nhóm khác (trên 100 cháu) đang được tạo điều kiện để lên trường”…
Ở huyện Bình Chánh cũng có 25 NTGĐ đông cháu, trên 60 cháu/nhóm. Trong đó có 12 nhóm đã lên trường, 6 nhóm không đủ điều kiện lên trường nên đã trả bớt cháu cho phụ huynh – hiện chỉ còn 50 cháu/nhóm. Tuy vậy, vẫn còn 7 nhóm lố cháu mà chưa sử lý được…
Bà Trần Thị Mến – chuyên viên Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi cho biết: “Ở Củ Chi có tình trạng một chủ mà có tới 2 – 3 cơ sở ở những nơi khác nhau. Những cơ sở này phần lớn là thuê mướn nên khó lên trường. Vì vậy, Phòng GD-ĐT đã chỉ đạo tách ra, một chủ 1 cơ sở”…
Bài, ảnh: Hòa Triều
“Tổ MN làm việc cực quá, nhất là quản lý các NTGĐ, thường xuyên phải làm việc ngoài giờ. Song lương lại thấp hơn cả lương của giáo viên MN mới ra trường vì khi về phòng GD-ĐT, chúng tôi bị cắt mất 35% đứng lớp”, bà Đỗ Thị Kim Oanh – Phòng GD-ĐT Q.6 bức xúc. |
Bình luận (0)