Sau hàng loạt sự cố cây phượng tróc gốc, gãy, ngã đè phương tiện giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng con người, nhiều người cho rằng không nên trồng cây phượng trong không gian đô thị. Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực cây xanh khẳng định nếu trồng cây đúng cách, chăm sóc tốt thì không đáng lo ngại.
Cây xanh to, lớn cần được thường xuyên tỉa nhánh, hạ thấp thân cây tránh gãy, ngã
Hàng loạt cây phượng tróc gốc, gãy, ngã…
Chỉ hơn 1 tuần nhưng đã xảy ra nhiều vụ cây cối tróc gốc, gãy, ngã từ trong sân trường lẫn đường phố. Sự cố khiến dư luận quan tâm nhất là vụ cây phượng cổ thụ tại khuôn viên Trường THCS Bạch Đằng (Q.3) tróc gốc khiến 1 học sinh không may tử vong vào sáng 26-5. Tiếp đến là thông tin một cây phượng trước sân Trường CĐ Công nghệ Tây Nguyên cũng bị gãy ngã do bộ rễ bị mọt ăn dẫn đến hư hỏng và tróc gốc nhưng rất may không ai bị thương tích. Chiều 30-5, một cây phượng ở khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Du (tỉnh Đồng Nai) bất ngờ bật gốc ngã xuống đất trong cơn mưa lớn. May mắn thời điểm xảy ra vụ việc các em học sinh được nghỉ học nên không có thương vong. Không chỉ xảy ra trong sân trường, trước đó một cây phượng được trồng tại Q.9 cũng bất ngờ bật gốc, ngã ra đường đè trúng 1 xe tải khiến người đi đường hoảng hốt. Sau những sự cố này, có nhiều ý kiến đối với việc trồng cây phượng trong sân trường hoặc ngoài đường vì loài cây phượng dễ sâu bệnh, bộ rễ không chắc chắn nên có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng nếu chẳng may bị tróc gốc, ngã…
Liên quan đến vấn đề này, TS. Đinh Quang Diệp (nguyên Trưởng bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM), nhận định cây phượng là loài cây rất dễ sống, dễ ra rễ, do đó nhiều người thường hay mua những cây lớn về trồng để chúng sinh trưởng nhanh. Nhưng điều này sai lầm, dù dễ sống nhưng nếu thân to mà rễ ít và yếu, rễ không bám sâu vào lòng đất thì rất dễ đổ, ngã, tróc gốc. Đó là chưa nói đến thân cây dễ sâu bệnh, mục, rỗng theo thời gian.
Các chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực cây trồng cũng đều có nhận định chung, phượng vĩ là loại cây dễ trồng, không kén đất. Chính vì thế, chúng được trồng rộng rãi ở nhiều trường học, đường phố khắp từ Bắc vào Nam và thậm chí là nhiều nơi trên thế giới. Tuy nhiên, nhược điểm của chúng là cành nhánh khá giòn. Tuổi thọ của phượng cũng không cao, cây sau 30 năm tuổi đã già cỗi, thân bắt đầu mục và bị sâu bệnh tấn công, cây lớn tuổi lắm cũng chỉ trụ đến 40 năm.
Nhiều người cùng nhận định cây phượng là cây xanh không phù hợp với khu vực nhỏ hẹp như đô thị. Tuy nhiên, trong danh mục cây cấm trồng và hạn chế trồng trên đường phố được TP.HCM ban hành năm 2013, không có quy định nào về cây phượng.
TP.HCM siết chặt hơn về việc trồng và kiểm tra cây xanh
Sau những sự cố ngã cây phượng, TP.HCM bắt đầu siết chặt hơn về việc trồng và kiểm tra cây xanh. Nhiều nơi cũng đã tiến hành đốn bỏ những cây cao, to lớn, trong đó có cây phượng và tìm những loại cây khác thay thế. Theo TS. Diệp, không thể nói trồng cây nào là tốt nhất trong trường học hoặc đường phố vì còn tùy thuộc vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng từng nơi. Nhưng chúng ta cần tuân thủ theo các tiêu chí như: cây phải chắc khỏe, tán rộng che bóng mát, bộ rễ phát triển mạnh, ra hoa đúng mùa… Quan trọng nhất vẫn là phải chăm sóc và bảo quản đúng quy trình và đúng cách với từng loài cây. “Khi trồng cây phượng hoặc bất kỳ loại cây nào trong sân trường hoặc đường phố, chúng ta nên trồng cây cao khoảng 3m trở lại, chăm sóc cho bộ rễ đủ đất ăn, bám sâu vào lòng đất. Ngoài ra cũng nên thường xuyên quan sát, nếu thấy cây có dấu hiệu bệnh, mục rỗng thì nên đốn bỏ, trồng cây khác. Nếu cây còn khỏe và phát triển tốt, tới mùa ra hoa trái hay mùa mưa cần tỉa bớt cành, hạ thấp cây để chúng không bị gãy, đổ, gây nguy hiểm cho con người. Đặc biệt, khi cây tới tuổi, khoảng chừng vài chục năm, chúng ta có thể thay cây mới để đảm bảo an toàn”, ông Diệp phân tích
TS. Đinh Quang Diệp TS. Đinh Quang Diệp phân tích: “Khi trồng cây phượng hoặc bất kỳ loại cây nào trong sân trường hoặc đường phố, chúng ta nên trồng cây cao khoảng 3m trở lại, chăm sóc cho bộ rễ đủ đất ăn, bám sâu vào lòng đất. Ngoài ra cũng nên thường xuyên quan sát, nếu thấy cây có dấu hiệu bệnh, mục rỗng thì nên đốn bỏ, trồng cây khác. Nếu cây còn khỏe và phát triển tốt, tới mùa ra hoa trái hay mùa mưa cần tỉa bớt cành, hạ thấp cây để chúng không bị gãy, đổ, gây nguy hiểm cho con người. Đặc biệt, khi cây tới tuổi, khoảng chừng vài chục năm, chúng ta có thể thay cây mới để đảm bảo an toàn”. |
Ông Diệp cũng lưu ý, việc lựa chọn loại cây trồng trên phố phải phù hợp với đặc thù đô thị, cao không vướng mà ăn sâu không ảnh hưởng công trình ngầm, bảo đảm an toàn cho người và giao thông, lại thích ứng và chống chịu được thiên tai chứ không nên vì sự cố cây phượng tróc gốc, gãy, ngã mà đổ thừa, cấm trồng hoặc đốn hết cây phượng đang xanh tốt hiện nay. “Loại cây nào cũng có đặc tính riêng của nó, nếu chúng ta biết cách trồng, chăm sóc và bảo quản thì không đáng lo ngại, đồng thời góp phần tạo mảng xanh, che mát sân trường, đường phố giúp không gian mát mẻ, không khí trong lành hơn”, ông Diệp cho biết thêm.
Bài, ảnh: Thúy Kiều
Bình luận (0)