Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM siết vi phạm giao thông

Tạp Chí Giáo Dục

Xe chạy quá tốc độ, quá tải trọng, lấn làn, chiếm lòng đường…, mọi hành vi phương tiện vi phạm trên địa bàn TP.HCM đều sẽ bị hệ thống giám sát ghi nhận và chuyển trực tiếp cho lực lượng công an, thanh tra giao thông xử lý.

Tổng kết năm 2023, ngành giao thông TP.HCM ghi nhận tình hình tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí gồm số vụ, số người chết và số người bị thương. Theo đó, số vụ tai nạn so với cùng kỳ giảm 409 vụ (-19%), giảm 113 người chết (-15%), giảm 272 người bị thương (-21%). Đây là con số được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường đánh giá là kỷ lục, chưa từng ghi nhận trong lịch sử ngành giao thông TP. Đồng thời cũng là niềm vui lớn nhất của ngành giao thông trong năm qua.

TP.HCM triển khai nhiều giải pháp quản lý vi phạm trật tự an toàn giao thông. N.A

Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu bảo đảm trật tự, an toàn giao thông dịp Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2024. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an quyết liệt chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người tham gia giao thông nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; Triển khai các phương án tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm minh đối với tất cả các hành vi vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là trên đường bộ, nhất là các tuyến đường cao tốc; Tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông như vi phạm quy định về nồng độ cồn, chạy quá tốc độ quy định…

Theo Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Trần Quang Lâm, để đạt được kết quả này, ngoài đầu tư hạ tầng, các giải pháp quản lý giao thông khoa học thì có vai trò rất lớn từ sự phối hợp giữa ngành giao thông và ngành công an thành phố, nhất là trong công tác xử lý vi phạm qua phạt nguội. Thời gian qua, TP.HCM đã lắp đặt 27 máy bắn tốc độ tự động trên 14 tuyến đường ở các cửa ngõ như đường Nguyễn Văn Linh, QL1, QL22, cầu A nút giao Cát Lái, hầm sông Sài Gòn, cầu Phú Mỹ, xa lộ Hà Nội (nay là đường Võ Nguyên Giáp)…

Những dữ liệu này đều được chuyển về Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP.HCM (PC08) để xử phạt nguội. Bên cạnh đó, có 28 camera xử phạt dừng đỗ trái phép trên 28 tuyến đường. Tín hiệu hoàn toàn được chuyển về công an và thanh tra giao thông để xử lý. Trên toàn thành phố, hiện có hơn 200 camera phạt nguội được phân bổ rải rác ở những tuyến đường trung tâm, vành đai, cửa ngõ… giúp cơ quan chức năng có được bằng chứng nhằm xử lý từng phương tiện vi phạm giao thông như vượt quá tốc độ, dừng đỗ trái phép, đi sai làn, vượt đèn đỏ…

Không chỉ tác động tới các phương tiện ô tô, hệ thống máy bắn tốc độ còn hỗ trợ rất lớn trong việc nâng cao ý thức tham gia giao thông của người điều khiển xe mô tô, gắn máy. Là một trong những tuyến đường rộng và thông thoáng nhất TP.HCM, đại lộ Mai Chí Thọ nối thẳng ra đường Võ Nguyên Giáp là con đường lý tưởng để các "anh hùng xa lộ" thể hiện trình "vít ga".

 

Đã từng phải lên Kho bạc Nhà nước để nộp phạt khi bị Đội cảnh sát giao thông Rạch Chiếc xử phạt vì vi phạm tốc độ tại đoạn đường gần Khu công nghệ cao TP.Thủ Đức, chị Mỹ Chi (ngụ Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết trước đây khi chạy xe thường không để ý đến tốc độ cho phép, cứ thấy đường thoáng là chạy nhanh. Đường Võ Nguyên Giáp nhiều xe container, xe tải lớn, biết nguy hiểm nhưng đôi khi vì việc gấp nên vẫn… tặc lưỡi mặc kệ.

Cũng vì nhiều người dân có tâm lý như Mỹ Chi nên trên đường Mai Chí Thọ, cơ quan chức năng đã bố trí cắm các biển lớn thông báo tốc độ tối đa dành cho mỗi loại phương tiện khác nhau. Thậm chí, còn sơn tốc độ tối đa trên mặt đường để người điều khiển phương tiện thấy rõ. Tuy nhiên, rất nhiều người ý thức kém vẫn cố tình phớt lờ quy định. Mới đây, Đội cảnh sát giao thông Cát Lái đã tổ chức chuyên đề xử lý xe máy vi phạm tốc độ trên đường Mai Chí Thọ (hướng từ TP.Thủ Đức đi Q.1).

Chỉ trong 1 giờ làm việc, tổ công tác đã xử lý 20 trường hợp vi phạm. Trong đó, 2 người chạy quá tốc độ quy định tới hơn 20 km/giờ – mức cao nhất của khung vi phạm. Tuyến đường giới hạn tốc độ 50 km/giờ với xe gắn máy nhưng 2 trường hợp này lưu thông với tốc độ 73 km/giờ. Nhiều trường hợp người vi phạm giao thông cố chấp không chịu nhận lỗi, lực lượng chức năng phải đưa cụ thể hình ảnh, thời gian ghi lại và tọa độ qua máy bắn tốc độ thì người dân mới chịu thừa nhận và ký vào biên bản xử phạt.

Tăng cường phạt nguội công khai, minh bạch

Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP.HCM đánh giá những năm gần đây, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường bộ còn diễn biến phức tạp. Tuy công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được những thành tích tốt, song số vụ tai nạn giao thông và thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra vẫn ở mức cao.

Đứng trước những thách thức không nhỏ đó, Phòng Cảnh sát giao thông đã tham mưu Công an TP.HCM ban hành nhiều kế hoạch, giải pháp quyết liệt nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới. Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao là công tác xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh (phạt nguội). Việc triển khai thực hiện xử phạt nguội phát huy hiệu quả trong việc giúp người dân nâng cao ý thức khi tham gia giao thông; đồng thời giảm tải cho lực lượng cảnh sát giao thông trong việc tuần tra, kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo được tình hình trật tự, an toàn giao thông trên tuyến.

Công tác xử phạt công khai, minh bạch góp phần rất lớn giảm tình trạng vi phạm, gây mất an toàn giao thông, đồng thời nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện.

Ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM

Mới đây, TP.HCM cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước thí điểm áp dụng công nghệ trong xử phạt xe quá tải. TP đã lắp đặt 6 trạm cân xe quá tải tự động ở các tuyến đường cửa ngõ, trong đó có 3 trạm xử phạt nguội đi vào hoạt động từ tháng 11.2023, được đặt tại Trạm kiểm tra tải trọng xe số 3 khu vực cầu Ông Lớn (hướng lưu thông từ H.Bình Chánh đi Q.7) và Trạm kiểm tra tải trọng số 6, 7 tại khu vực Trạm thu phí An Sương – An Lạc (Q.Bình Tân). Thời gian thu thập dữ liệu là 24/24 giờ.

Thay vì trước đây, các phương tiện đi qua trạm cân phải dừng lại cân sơ cấp, sau đó kiểm tra lại cân thứ cấp, rồi lập biên bản phạt tại chỗ thì hiện nay, các xe cứ đi qua trạm cân bình thường, nếu có vi phạm thì Trung tâm điều hành giao thông đô thị sẽ phát hiện lọc thông tin, chuyển về Thanh tra thành phố xác minh chủ phương tiện, địa chỉ và số điện thoại của chủ phương tiện (nếu có) qua trang đăng kiểm của Cục Đăng kiểm. Sau khi hoàn tất kiểm tra thì đơn vị này sẽ ban hành thông báo, gửi cho chủ phương tiện biết cụ thể lỗi và mức phạt. Trường hợp quá thời hạn giải quyết mà người vi phạm chưa chấp hành thì các đơn vị gửi thông báo đến cơ quan đăng kiểm để đề nghị đưa vào cảnh báo phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính.

Theo Sở GTVT TPHCM, trước đó, tình trạng xe chở quá tải vẫn tồn tại trên địa bàn TP gây ảnh hưởng tới giao thông, làm hư hỏng đường sá. Việc kiểm tra và xử lý xe quá tải tại các trạm kiểm tra tải trọng xe tự động trên địa bàn lại còn nhiều bất cập. Vì vậy, hình thức xử phạt nguội xe chở quá tải có độ chính xác cao, có thể ngăn chặn vi phạm hiệu quả.

"Công tác xử phạt công khai, minh bạch góp phần rất lớn giảm tình trạng vi phạm, gây mất an toàn giao thông, đồng thời nâng cao ý thức của người điều khiển phương tiện", ông Trần Quang Lâm đánh giá.

Theo Hà Mai/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)