Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM: Số ca sốt xuất huyết nặng tăng 7 lần so với năm trước

Tạp Chí Giáo Dục

Theo Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, năm nay, số ca số xuất huyết nặng tăng gấp 7 lần so với năm trước, khả năng cao sẽ có dịch lớn về sốt xuất huyết theo chu kỳ (khoảng 4-5 năm bùng phát một lần).
TP.HCM: So ca sot xuat huyet nang tang 7 lan so voi nam truoc hinh anh 1
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Tại phiên họp của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tình hình kinh tế-xã hội sáng 2/6, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Tăng Chí Thượng cho biết tình hình dịch COVID-19 tại thành phố đang tiến triển tốt, trong khi lo ngại lớn nhất thời điểm này là bệnh sốt xuất huyết gia tăng.

Theo ông Tăng Chí Thượng, năm nay, số ca sốt xuất huyết nặng tăng 7 lần so với năm trước, khả năng cao sẽ có dịch lớn về sốt xuất huyết theo chu kỳ (khoảng 4-5 năm bùng phát một lần).

Số ca tử vong do sốt xuất huyết tại thành phố đến nay là 7 ca, trong đó 5 người lớn và 2 trẻ em (tăng 5 ca so với cùng kỳ).

Thành phố quyết liệt chỉ đạo các quận, huyện tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết, đặc biệt là diệt lăng quăng. Gần đây, qua kiểm tra, lăng quăng xuất hiện khắp nơi, quận nào cũng có, trường nào cũng có…

Liên quan vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết qua đợt kiểm tra dịch bệnh ở các trường, vấn đề làm chưa tốt là giữ gìn vệ sinh trong khuôn viên nhà trường. Các túi đựng đồ ăn sáng của học sinh xả ra sân trường rất nhiều, không được dọn dẹp. Rác thải này có thể là nơi chứa lăng quăng, là nguồn gây dịch bệnh.

“Chúng ta phải tăng cường công tác giáo dục, thậm chí là có biện pháp xử lý đối với lãnh đạo các trường nếu để môi trường không ngăn nắp, không giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh," ông Dương Anh Đức nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, số ca sốt xuất huyết nội trú và ngoại trú là 7.430 ca (tăng 15% so với cùng kỳ), số ca bệnh tay chân miệng là 1.599 ca (giảm 83%), số ca mắc sởi là 6 trường hợp (giảm 3 ca). Thành phố đã chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trong mùa mưa trên địa bàn.

Ngành y tế đang theo dõi sát sao tình hình diễn biến của dịch bệnh nói chung và sốt xuất huyết nói riêng để kịp thời có những biện pháp can thiệp phù hợp với mục tiêu hạn chế số ca chuyển nặng và tử vong, không để xảy ra những ổ bệnh lớn.

Đối với bệnh dịch mới nổi là đậu mùa khỉ và viêm gan cấp ở trẻ em, ông Tăng Chí Thượng cho biết, ngành y tế thành phố đang tập trung theo dõi, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy có hai loại mầm bệnh này. Tuy nhiên, ngành y tế không chủ quan, đã hướng dẫn các cửa khẩu, sân bay quan tâm theo dõi, nhất là khách nước ngoài đến thành phố.

Liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19, hiện thành phố đã tiêm được gần 400.000 liều vaccine cho trẻ từ 5-2 tuổi; nhóm từ 12-18 tuổi đã tiêm được 90%; nhóm người nguy cơ cao, người trên 65 tuổi tiêm nhắc lại (mũi 3) đạt gần 80%, trong khi mũi 4 mới triển khai nên còn thấp.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho rằng tình hình dịch bệnh COVID-19 có tiến triển rất tốt, đạt kết quả này là nhờ đã tổ chức tốt việc tiêm vaccine trong giai đoạn cuối năm 2021. Tuy nhiên, hiệu lực của vaccine phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian.

Các đơn vị cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức, không được chủ quan vì dịch bệnh có thể bùng phát trở lại, nếu không có vaccine bảo hộ sẽ rất nguy hiểm./.

Theo Tiến Lực/TTXVN

 

Bình luận (0)