Lượng hành khách đi xe buýt năm sau cao hơn năm trước, lượng khách trong 5 tháng đầu năm 2018 cũng tăng so với cùng kỳ năm ngoái, điều chỉnh hơn 500 biểu đồ xe buýt có trợ giá để phù hợp với nhu cầu đi lại của người dân, tăng thêm 18 tuyến xe buýt điểm để cải thiện hình ảnh xe buýt TP là những tín hiệu vui trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ở TP.HCM.
Tuyến xe buýt số 01 và 93 là hai trong tổng số 21 tuyến xe buýt mẫu trên địa bàn TP.HCM |
Những nỗ lực không ngừng
Thông tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM cho biết, sau nhiều năm lượng hành khách đi xe buýt giảm, tình trạng này đã được cải thiện trong năm 2017 và 5 tháng đầu năm 2018. Cụ thể, lượng khách đi lại bằng xe buýt trong năm 2017 đạt hơn 306,5 triệu lượt hành khách (tăng 6,4% so với năm 2016). Riêng 5 tháng đầu năm 2018, lượng khách tham gia vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tiếp tục tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái (khoảng 130 triệu lượt khách, đạt 40% kế hoạch năm 2018). Đây được xem là tín hiệu khả quan sau nhiều năm liền ngành GTVT TP nỗ lực cải thiện chất lượng phương tiện cũng như chất lượng phục vụ hành khách của đội ngũ lái xe và nhân viên xe buýt.
Theo nhận định của ông Trần Chí Trung (Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP), sở dĩ sản lượng hành khách đi xe buýt gia tăng từ năm 2017 đến nay là do TP đã đẩy mạnh thay mới phương tiện cũ bằng xe buýt có chất lượng cao, thân thiện với môi trường, đầu tư xây nhà chờ mới, áp dụng bán vé bằng máy in trực tiếp trên các tuyến xe buýt có trợ giá. Đặc biệt việc đầu tư gắn camera giám sát trên xe buýt cũng góp phần triệt tiêu nạn móc túi, trộm cắp, qua đó giúp hành khách an tâm hơn mỗi khi lưu thông bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng mang tính phổ thông này. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh 505 biểu đồ chạy xe của 105 tuyến xe buýt có trợ giá cũng tạo nên hệ thống liên kết gần như phủ kín TP giữa các tuyến xe buýt với các vị trí công cộng, góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân một cách rộng khắp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh cạnh tranh với các loại phương tiện vận tải hành khách khác như xe ôm công nghệ, xe taxi công nghệ với giá thành ngày càng rẻ, ông Trung cho rằng xe buýt không thể chủ quan trước những dấu hiệu khởi sắc hiện tại, mà cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, cải tạo và đổi mới phương tiện thân thiện với môi trường, đầu tư hệ thống vé điện tử, triển khai dự án thẻ học đường (SSC) trong quản lý hoạt động đưa đón học sinh, tiếp tục quy hoạch lại mạng lưới tuyến xe buýt… Bên cạnh đó, trung tâm cũng sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nghiệp vụ lái xe và nhân viên phục vụ trên xe buýt. Căn cứ vào con số 3.814 lái xe và nhân viên được tập huấn nghiệp vụ trong năm 2017, đủ cho thấy công tác này đang được ngành giao vận tải TP tăng cường cao độ, nhằm ngày càng nâng cao chất lượng cũng như thái độ phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn.
Tăng tuyến xe buýt làm khách hài lòng
Bên cạnh việc điều chỉnh 505 biểu đồ chạy xe của 105 tuyến xe buýt có trợ giá, từ ngày 1-7 Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP cũng đã đưa vào hoạt động thêm 18 tuyến xe buýt mẫu, nhằm góp phần cải thiện hình ảnh xe buýt trên địa bàn TP. Đây là những xe buýt đạt chuẩn cả về chất lượng phương tiện lẫn cung cách phục vụ làm hài lòng hành khách. Để làm được điều này, từ tháng 1-2018 đến 5-2018, trung tâm đã đưa vào thực hiện thí điểm tuyến xe buýt mẫu ở các tuyến số 03 (Bến Thành – Thạnh Lộc), tuyến 18 (Bến Thành – chợ Hiệp Thành), tuyến 33 (Bến xe An Sương – Suối Tiên – ĐH Quốc gia) và đạt được nhiều kết quả tích cực. Một trong những ưu điểm làm hành khách hài lòng là chất lượng phương tiện cùng thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên được cải thiện khá nhiều; việc dừng đúng trạm và dừng hẳn mới cho khách lên xuống luôn bảo đảm an toàn; hành khách được thông báo trạm dừng qua loa thông báo một cách rõ ràng và thuận tiện. Đặc biệt, xe buýt mẫu còn thu hút khách bởi tính tiện nghi, sạch sẽ, có wifi miễn phí, camera giám sát, tủ y tế, kệ sách tiện dụng…
Các tuyến xe buýt mẫu gồm: 01: Bến Thành – Bến xe Chợ Lớn; 02: Bến Thành – Bến xe Miền Tây; 03: Bến Thành – Thạnh Lộc; 07: Bến xe Chợ Lớn – Gò Vấp; 14: Miền Đông – Ba Tháng Hai – Miền Tây; 18: Bến Thành – Chợ Hiệp Thành; 23: Bến xe Chợ Lớn – Ngã 3 Giồng – Cầu Lớn; 24: Bến xe Miền Đông – Hóc Môn; 32: Bến xe Miền Tây – Bến xe Ngã Tư Ga; 33: Bến xe An Sương – Suối Tiên – ĐH Quốc gia; 53: Lê Hồng Phong – ĐH Quốc gia; 72: Công viên 23-9 – Hiệp Phước; 74: Bến xe An Sương – Bến xe Củ Chi; 89: ĐH Nông Lâm – Bến tàu Hiệp Bình Chánh; 93: Bến Thành – ĐH Nông Lâm; 101: Bến xe Chợ Lớn – Chợ Tân Nhựt; 103: Bến xe Chợ Lớn – Bến xe Ngã Tư Ga; 127: An Thới Đông – Ngã ba Bà Xán; 139: Bến xe Miền Tây – Khu tái định cư Phú Mỹ; 140: Công viên 23-9 – Phạm Thế Hiển – Khu dân cư Phú Lợi; 150: Bến xe Chợ Lớn – Ngã 3 Tân Vạn |
Được biết, sau thời gian thí điểm, sản lượng hành khách đi lại trên 3 tuyến xe buýt mẫu tăng từ 8-10% so với tháng liền kề trước thời gian thí điểm. Căn cứ vào bộ thang điểm đánh giá chất lượng của cơ quan chức năng, các tuyến xe buýt mẫu đạt 8,27/10 điểm. Đặc biệt, những phản ánh về việc xe buýt bỏ trạm, không đúng giờ, thái độ phục vụ của tài xế, tiếp viên trên xe cũng không còn. Từ kết quả này, trung tâm đã tiến hành nhân rộng mô hình tuyến xe buýt mẫu trên 18 tuyến nữa, nâng tổng số lên 21 tuyến trong toàn hệ thống xe buýt. Trong đó tập trung cho những tuyến đường trục, có khối lượng hành khách đi lại lớn. Nhằm góp phần đưa những tuyến xe buýt mẫu vào hoạt động ngày càng hiệu quả, ông Bùi Xuân Cường (Giám đốc Sở GTVT TP) yêu cầu Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cần chủ động phối hợp với các hợp tác xã để đảm bảo duy trì và nâng cao chất lượng xe buýt mẫu hơn nữa trong thời gian sắp tới, đồng thời khuyến khích hành khách cùng chung tay thực hiện những tuyến xe buýt văn minh.
Bài, ảnh: Đinh Vũ
Bình luận (0)