Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM: Tăng cường thêm 25 công trình chống ngập

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nhằm chủ động bảo vệ người dân trước “nạn” ngập nước do triều cường và các sự cố liên quan đến đê bao, vừa qua UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Thủ Đức và Hóc Môn làm chủ đầu tư và thực hiện 25 công trình bờ bao phòng chống triều cường và ngập úng.

Thủ Đức và Hóc Môn sẽ triển khai 25 công trình bờ bao phòng chống triều cường và ngập úng

Ưu tiên khu vực Thủ Đức, Hóc Môn

So với các quận huyện trên địa bàn thành phố, Thủ Đức là khu vực thường xuyên xảy ra ngập nước do triều cường dâng cao, hoặc sự cố bể bờ đê bao làm cho đời sống của người dân bị ảnh hưởng. Đợt triều cường dâng cao gây ngập xảy ra gần nhất là vào ngày 2-2-2018. Một trong những khu vực bị ngập nặng phải kể đến là tuyến đường nối chợ đầu mối nông sản Thủ Đức với khu dân cư Bình Chiểu 2, có chỗ ngập sâu hơn nửa mét khiến nhiều phương tiện bị chết máy. Triều cường dâng cao cũng làm một số tuyến đường hẻm ở phường Hiệp Bình Chánh ngập sâu gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Bên cạnh những lần nước ngập ảnh hưởng đến giao thông, phường Bình Chiểu cũng là khu vực đã từng đối diện với đợt triều cường dâng tràn bờ bao gây ngập sâu ở hơn 100 nhà dân tại khu phố 2. Dù có hệ thống bờ bao kiên cố, có cống ngăn triều nhưng Thủ Đức vẫn là một trong những nơi ngập nặng nhất trong đợt triều cường “uy hiếp” nhiều quận huyện của thành phố vào ngày 17-10-2016. Nếu các tuyến đường ở quận trung tâm chỉ ngập xăm xắp nước, thì quốc lộ 13 cũ và nhiều tuyến đường thuộc phường Hiệp Bình Chánh, Tam Bình, Tam Phú bị ngập sâu hơn nửa mét, khiến hàng loạt xe chết máy, nhiều gia đình không có chỗ nấu nướng và cũng không có chỗ để ngủ.

Đứng hàng thứ 2 sau Thủ Đức là huyện Hóc Môn. Đây là địa bàn có nhiều tuyến bờ bao nhỏ, yếu nên thường xảy ra tình trạng ngập nước do mưa lớn kết hợp với triều cường tràn bờ gây bể bờ bao. Chẳng hạn như tại khu vực ấp 1, xã Đông Thạnh (thuộc rạch Rỗng Lớn, Bọng Bầu và rạch Tra) là những khu vực thường bị ngập sâu khi triều cường dâng cao, làm ảnh hưởng đến hơn 230ha hoa màu cũng như đời sống của các hộ dân. Tương tự, tại các xã Tân Hiệp, Đông Thạnh, Nhị Bình, Xuân Thới Thượng… cũng ngập thường xuyên do triều cường và nước thường ngập úng trong khoảng từ 3 đến 5 giờ sau mới rút. Tại các tuyến bờ bao rạch gồm Tư Hữu, Chín Triệu, Lỗng Lư, Cả Bản, Nhị Bình… cũng rất dễ tràn bờ khi triều cường dâng cao, làm ngập đường sá và nhà cửa. Theo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM, ngoài Hóc Môn còn có nhiều khu vực bị ảnh hưởng bởi triều cường như quận 12, Thủ Đức, Bình Thạnh, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh…

Bảo vệ hơn 18.500 hộ dân

Nhằm chủ động bảo vệ sự an toàn cho người dân ở các khu vực bị ảnh hưởng thường xuyên, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã có văn bản đề nghị UBND các quận huyện, nhất là quận 12, Thủ Đức, Hóc Môn, Bình Thạnh, Bình Tân, Củ Chi, Bình Chánh thông báo thường xuyên trên các phương tiện truyền thông về diễn biến các đợt triều cường một cách cụ thể, nhằm giúp người dân địa phương chủ động ứng phó; chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, cơi đắp bờ bao xung yếu kịp thời, không để xảy ra tình trạng bể bờ bao gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của các hộ dân. Đồng thời, ủy ban cũng chỉ đạo lực lượng quản lý phối hợp với người dân tăng cường kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều để kịp thời phát hiện, tu sửa gia cố những vị trí xung yếu, xuống cấp.

Đường Tô Ngọc Vân (quận Thủ Đức) ngập sâu mỗi khi có triều cường kết hợp với mưa lớn

Riêng với hai địa bàn trọng điểm là quận Thủ Đức và huyện Hóc Môn, UBND TP đã chấp thuận cho UBND quận Thủ Đức làm chủ đầu tư thực hiện 18 công trình bờ bao phòng chống triều cường, ngập úng. Các công trình này được kỳ vọng sẽ bảo vệ an toàn cho khoảng 18.300 hộ dân (trên diện tích khoảng 22ha), nhất là các hộ dân trên địa bàn phường Hiệp Bình Chánh vì đây là khu vực thường xuyên “không mưa cũng ngập”. Tương tự, ủy ban cũng đã đồng ý cho UBND huyện Hóc Môn thực hiện 7 công trình phòng chống thiên tai xung yếu trên địa bàn huyện. Dự kiến sau khi các công trình được đưa vào sử dụng, sẽ góp phần giúp tiêu thoát nước và đề phòng ngập úng cho 53ha và bảo vệ khoảng 260 hộ dân.

Đinh Vũ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)