Tuyên truyền pháp luậtAn toàn giao thông

TP.HCM: Tăng điểm đen TNGT ở các vòng xoay

Tạp Chí Giáo Dục

Theo thông tin từ Sở GTVT TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm, thành phố tăng thêm 2 điểm đen TNGT nâng tổng số lên thành 18 điểm. Trong đó, tình trạng tử vong do TNGT ở các vòng xoay, nhất là vòng xoay An Sương đang trong tình trạng báo động.

Vòng xoay ngã tư An Sương là điểm đen TNGT có số vụ tử vong cao nhất là 9 trường hợp

Cẩn trọng với những vòng xoay tử thần

So với các địa điểm khác, thì vòng xoay ngã tư An Sương (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) “đứng đầu” về số vụ tai nạn là 8 vụ và 9 người tử vong. Vụ tai nạn xảy ra gần đây nhất vào sáng 5-8-2016. Người bị nạn là anh Trần Văn Xuyên (42 tuổi, ngụ Sóc Trăng), khi đang điều khiển xe máy (BKS: 83D1-076.00) lưu thông đến nhánh rẽ tại vòng xoay thì xảy ra va chạm với xe container (BKS: 51C-076.60) kéo theo rơ-móc loại 40 feet. Cú va chạm mạnh làm cho xe máy kẹt dưới đầu container, còn anh Xuyên lọt vào gầm xe tử vong tại chỗ.

Ý thức của người tham gia giao thông rất quan trọng

Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân phát sinh điểm đen TNGT là do phương tiện giao thông mỗi năm tăng quá nhanh (khoảng 15%), trong khi cơ sở hạ tầng chỉ phát triển được từ 1-3%. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp khắc phục bằng việc rà soát, nâng cấp cơ sở hạ tầng, TSKH. Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM) khuyến cáo vấn đề quan trọng nữa cần giải quyết là ý thức của người tham gia giao thông, với các hành vi vượt ẩu, lấn tuyến, lưu thông cả trên vỉa hè, không bật đèn tín hiệu khi sang đường…

Đứng thứ 2 về số vụ tai nạn và tử vong do TNGT là vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2). Địa điểm này bao lâu nay được mệnh danh là vòng xoay “tử thần” do thường xuyên xảy ra những vụ TNGT nghiêm trọng chết người. Do lưu lượng xe tải, container từ các hướng cảng quận 7, quận 4, cảng Cát Lái… dồn dập đổ đến, cùng với nhiều xe máy lưu thông hỗn hợp nên giao thông nơi đây luôn trong tình trạng quá tải, kẹt xe và mất an toàn. Tính từ đầu năm đến nay vòng xoay này đã có 3 trường hợp tử vong, 1 người bị thương và nhiều vụ va chạm kinh hoàng. Trong đó, phải kể đến vụ va chạm mạnh giữa xe tải mang biển số tỉnh Bình Dương chở đầy hàng hóa, khi đến vòng xoay Mỹ Thủy bất ngờ tông thẳng vào xe buýt 50 chỗ (BKS 51B-159.54) đang chở khách từ Thủ Đức về bến phà Cát Lái. Lực va chạm quá mạnh khiến chiếc xe tải bị nát phần đầu, gần như rơi xuống đường.

Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó ban An toàn giao thông quận 2 lưu ý, tình hình TNGT trên địa bàn quận từ đầu năm đến nay đang diễn biến hết sức phức tạp, gia tăng cả 3 tiêu chí, với 29 vụ TNGT, 22 trường hợp tử vong và 13 người bị thương. Trong đó điểm đen vòng xoay Mỹ Thủy là một trong những nguyên nhân làm tăng số vụ TNGT trong thời gian qua.

18 điểm đen, cách nào khắc phục?

Bên cạnh 2 điểm đen An Sương (quận 12) và Mỹ Thủy (quận 2), địa bàn các quận khác cũng còn tồn tại nhiều điểm đen gây thương vong về người và tài sản. Tiêu biểu như đường Võ Văn Kiệt (quận 1), nút giao thông An Phú (quận 2), Hồng Bàng (quận 6); nút giao thông Thủ Đức, quốc lộ 1, KCX Linh Trung, trước số nhà 81 đường Tam Bình (Thủ Đức), tỉnh lộ 10 (Bình Tân), Trường Chinh (Tân Bình), Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận); đường D400, Nguyễn Duy Trinh, Lê Văn Việt (quận 9), Hương lộ 2 (Bình Tân). Tính riêng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố còn xuất hiện hai điểm đen mới là giao lộ Trường Chinh – Phạm Văn Bạch (Tân Bình) và đường Nguyễn Tất Thành (quận 4).

Hơn 2.100 tỷ đồng để xóa 876 điểm đen TNGT

Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo lên Bộ GTVT kết quả rà soát điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT đường bộ trên các tuyến quốc lộ trong đó cần tới kinh phí là 2.111 tỷ đồng.

Cụ thể, tính đến thời điểm ngày 30-7 vừa qua, tổng số điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT toàn tuyến chưa được xử lý gồm 876 điểm. Trong đó, có 20 điểm nằm trong dự án BOT, kinh phí xử lý 290 tỷ và giao các nhà đầu tư bổ sung vào dự án để thực hiện. Có 13 điểm nằm trong dự án xây dựng cơ bản với số vốn xử lý 97 tỷ và có 843 điểm nằm trong đoạn đường đang bảo trì, kinh phí xử lý 1.724 tỷ.

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ, trong năm 2016 và 2017 sẽ xử lý được khoảng 550 điểm tập trung vào các điểm nguy hiểm cấp bách và các điểm có kinh phí nhỏ lẻ với kinh phí khoảng 500 tỷ, thực hiện ngay bằng nguồn Quỹ bảo trì đường bộ.

Do các điểm đen cần phải được xử lý ngay, Tổng cục Đường bộ đề nghị cho phép thực hiện cấp bách, theo hình thức chỉ định thầu.

Để góp phần khắc phục những điểm đen TNGT, có ý kiến cho rằng thành phố nên tiếp tục phát triển hệ thống camera thông minh điều tiết giao thông, đồng thời khảo sát và điều chỉnh một số phương tiện được lưu thông vào giờ hợp lý. Thực tế thành phố đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp cả trước mắt và lâu dài. Trong đó, hai điểm đen mới đã được gấp rút khắc phục. Cụ thể, giao lộ Trường Chinh – Phạm Văn Bạch (quận Tân Bình) đã có sự điều chỉnh đèn tín hiệu (chu kỳ 2 pha thành 3 pha) và lập điểm chờ an toàn cho người đi bộ. Tương tự, điểm đen trước số nhà 155 trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4) đã được bố trí biển báo, lắp dải phân cách, bảng hướng dẫn (phản quang) và đèn chớp vàng. Riêng nút giao thông ngã tư An Sương, trong khi chờ khởi công xây dựng hầm chui, cơ quan chức năng đã lắp đặt bổ sung đèn tín hiệu giao thông và mở rộng mặt đường nhằm tạo thêm lối lưu thông cho các phương tiện. Trên địa bàn quận 2, Dự án cầu vượt, hầm chui vòng xoay Mỹ Thủy cũng đã được khởi công. Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2018… Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân phát sinh điểm đen TNGT là do phương tiện giao thông mỗi năm tăng quá nhanh (khoảng 15%), trong khi cơ sở hạ tầng chỉ phát triển được từ 1-3%. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp khắc phục bằng việc rà soát, nâng cấp cơ sở hạ tầng, TSKH. Trần Quang Thắng (Viện trưởng Viện Kinh tế và quản lý TP.HCM) khuyến cáo vấn đề quan trọng nữa cần giải quyết là ý thức của người tham gia giao thông, với các hành vi vượt ẩu, lấn tuyến, lưu thông cả trên vỉa hè, không bật đèn tín hiệu khi sang đường…

Bài, ảnh: Vũ Phương

 

Bình luận (0)