Sự kiện giáo dụcTin tức

TP.HCM tăng mạnh tỷ lệ học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, đạt gần 80%

Tạp Chí Giáo Dục

Dù tỉ lệ phòng học/lớp chỉ đạt 0,96 song năm học 2023-2024, tỉ lệ học sinh tiểu học TP.HCM được học 2 buổi/ngày đạt 78,8%, tăng 4% so với năm học trước.

TP.HCM đạt gần 80% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày

Năm học 2023-2024, TP.HCM có 561 trường tiểu học trong và ngoài công lập, với 576 điểm trường, trong đó có 522 trường công lập. Tổng số học sinh là 637.008 em, (giảm 25.926 so với năm học trước).

Toàn thành phố có 44 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia; 18 trường thực hiện mô hình trường tiên tiến, hội nhập quốc tế.

Tổng số lớp học là 17.382 (tăng 130 lớp). Tỉ lệ phòng học/lớp đạt 0,96; Số lớp học 2 buổi/ngày là 14.362 lớp, chiếm tỉ lệ 82,6% (tăng 1,9% so).

Số học sinh được học 2 buổi/ngày 502.200, chiếm tỉ lệ 78,8%  (tăng 4%). Trong đó các quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 10, Phú Nhuận và huyện Cần Giờ, Nhà Bè có tỉ lệ học 2 buổi/ngày đạt 100%. Tùy điều kiện thực tế, các trường bố trí cho học sinh học trái buổi. Quận Gò Vấp thực hiện phương án “lớp chạy” để tạo cơ hội cho học sinh được học 2 buổi/ngày.

Gần 7.000 “lớp học mở” được triển khai trong suốt năm học

Mô hình lớp học mở được nhân rộng trong các trường tiểu học toàn thành phố

Năm học 2023-2024, TP.HCM đẩy mạnh triển khai mô hình lớp học mở ở các trường tiểu học. Suốt năm học, các trường tiểu học toàn thành phố đã thực hiện 5.597 lớp học mở ở các bộ môn và hoạt động giáo dục cùng 1.338 tiết học mở ở bộ môn tiếng Anh (Open House). Một số trường đã tổ chức kết hợp cùng phụ huynh kiểm tra các bếp ăn, tham quan giờ ăn trưa của con em tại trường.

Ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đánh giá, việc được tham dự tiết học mở cùng con giúp phụ huynh hiểu hơn về Chương trình GDPT 2018 và phương pháp giảng dạy của giáo viên, tận mắt nhìn thấy sự tương tác của các con và các bạn cùng lớp để qua đó hỗ trợ việc học hành của các con tại nhà.

Kết thúc năm học, tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình lớp học cao nhất là 99,87% đối với khối 5. Các khối khác đạt trên 99%, riêng khối 1 đạt 97,92%.

Năm học 2023-2024, TP.HCM tiếp tục thực hiện tốt việc giảng dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1, 2 với thời lượng từ 2-8 tiết/tuần theo hình thức tự chọn, tăng cường; Đối với lớp 3, 4, 5 thời lượng từ 4 đến 8 tiết/tuần. 100% học sinh lớp 3, 4 được học tiếng Anh bằng nhiều giải pháp theo đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018.

100% học sinh lớp 3, 4 học Tin học theo đúng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Một số trường có đủ máy tính tổ chức dạy Tin học tự chọn cho học sinh lớp 1, 2, 5. Một số trường tổ chức dạy Tin học tăng cường, Tin học theo chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển năng lực học sinh.

Năm học 2023-2024, các trường tiểu học TP.HCM đẩy mạnh việc đổi mới phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến, đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học; triển khai giáo dục STEM, STEAM.

Trường tiểu học tăng cường giáo dục STEM trong suốt năm học

Các trường đã thực hiện tổng cộng 64.084 tiết dạy bài học STEM. Dựa vào điều kiện nhân sự, cơ sở vật chất,… nhà trường đã tổ chức đa dạng hoạt động giáo dục STEM như bài học STEM; CLB Trải nghiệm STEM, Robotics, nghiên cứu khoa học… Một số trường tích cực, tạo điều kiện cho học sinh tham gia hoạt động làm quen với nghiên cứu khoa học, tham gia các sân chơi về khoa học kĩ thuật.

 

Đẩy mạnh số hoá giáo dục

 

Năm học 2023-2024, TP.HCM tăng cường chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo, đẩy mạnh giáo dục kĩ năng công dân số. Mô hình lớp học số thực hiện với 183 tiết ở môn tiếng Anh; 87 tiết ở môn tin học; 10 tiết ở môn âm nhạc và 16 tiết ở môn mỹ thuật, tạo điều kiện giúp các trường còn thiếu giáo viên có thể giải quyết nhu cầu học tiếng Anh, Tin học của học sinh.

Sở GD-ĐT TP.HCM đã triển khai hệ thống khảo sát trực tuyến với 68.871 học sinh lớp 3, nhằm đánh giá kết quả, chất lượng giảng dạy và thực hiện đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh.

Trong năm học, các trường tiểu học đẩy mạnh xây dựng nền tảng số, dạy học trực tuyến: tập trung triển khai các nền tảng số để cung cấp các hình thức dạy học trực tuyến (e-learning); sử dụng hệ thống nền tảng quản lý dạy học trực tuyến của Sở GD-ĐT xây dựng (Hệ thống LMS) nhằm kết hợp hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá, đồng bộ kết quả với dữ liệu thực của học sinh và nhà trường; số hoá học liệu điện tử, xây dựng giáo trình điện tử, sách điện tử, bài giảng- bài học trực tuyến bám sát lộ trình triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 ở tiểu học, từ đó mở rộng, chia sẻ dùng chung cho các trường. Các bài giảng từ Hội thi giáo viên giỏi, Liên hoan phim Tiếng Anh,… cũng được số hóa để dùng chung toàn thành phố.

Mô hình lớp học số được duy trì và mở rộng trong năm học 2023-2024

Mô hình “Lớp học thông minh”; “Thư viện thông minh” được triển khai thực hiện. Toàn thành phố có 274 trường sử dụng sổ liên lạc điện tử; 189 xây dựng thư viện số; 202 trường triển khai hệ thống LMS…

Hiện tại ngân hàng học liệu số dùng chung của tiểu học TP.HCM với 22.838 học liệu (bài giảng/tài liệu), trong đó có 5.068 học liệu mức 1 (học liệu cơ bản file Word, Powerpoint, PDF…) và 17.770 học liệu mức 2 (học liệu bài giảng tương tác H5P).

Sở GD-ĐT đã xây dựng, hoàn thiện mô hình, quy trình quản lý, sử dụng Học bạ số để làm cơ sở triển khai thống nhất toàn thành phố.

Kiến nghị nhiều chính sách đãi ngộ giáo viên

Năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TP.HCM tích cực tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành Nghị quyết về hỗ trợ giáo dục tiểu học TP.HCM để quan tâm, chăm lo đội ngũ giáo viên, tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của giáo viên trong sự nghiệp giáo dục.

Đồng thời kiến nghị Bộ GD-ĐT cần có cơ chế, chính sách đãi ngộ phù hợp cho giáo viên tiểu học dạy học 2 buổi/ngày thực hiện Chương trình GDPT 2018, đặc biệt là các giáo viên dạy các môn âm nhạc, mĩ thuật, giáo dục thể chất, ngoại ngữ, tin học.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)