Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm là vấn đề luôn được TP.HCM quan tâm thực hiện. Tuy nhiên, để thực hiện tốt và bền vững, tại chương trình “Dân hỏi – Chính quyền trả lời” chủ đề “Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm” do HĐND TP tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài chính quyền thì rất cần sự chủ động từ phía nhà trường và doanh nghiệp.
Giờ thực hành của học viên Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist
Doanh nghiệp và người lao động vẫn chưa gặp nhau
Tại chương trình, nhiều doanh nghiệp cho biết, hiện nay các đơn vị phải tự tìm kiếm, tuyển dụng người lao động theo nhu cầu; còn về phía người lao động, họ cũng phải tự tìm kiếm doanh nghiệp phù hợp với ngành mình đã học.
Thậm chí có trường hợp doanh nghiệp muốn đầu tư vào khu chế xuất, khu công nghiệp TP, ngoài việc thực hiện các thủ tục theo quy định về đầu tư, xây dựng, môi trường thì trong quá trình hoạt động khi có nhu cầu đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động hoặc liên kết đào tạo với một số trường để đào tạo theo yêu cầu lại không biết liên hệ ở đâu, cơ quan nào.
Ông Nguyễn Tấn Thông – Công ty Mitek – tâm tư: “Nhà nước có chính sách như thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong việc gắn đào tạo, giải quyết việc làm với tuyển dụng để tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động có việc làm ổn định, phù hợp với nguyện vọng của mình”.
Bà Pang Mỹ Nguyên – Giám đốc Công ty TNHH Linh Pang – hỏi: “Công ty có nhu cầu đào tạo nâng cao chất lượng, tay nghề cho đội ngũ người lao động nhưng không biết TP có chính sách hỗ trợ gì cho doanh nghiệp. Việc định hướng đào tạo nhân lực trình độ trung cấp, cao đẳng của TP trong thời gian sắp tới như thế nào để phù hợp với nhu cầu lao động và công nghệ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay?”.
Theo ý kiến của nhiều đơn vị đào tạo, hiện nay việc liên kết giữa doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề chưa có cơ chế rõ ràng về trách nhiệm, quyền lợi để khuyến khích doanh nghiệp hợp tác một cách tự nguyện nên quá trình hợp tác thiếu bền vững.
“TP cần phải có chính sách và giải pháp để gắn kết doanh nghiệp và các trường đào tạo nghề hợp tác một cách bền vững trong thời gian tới”, ông Trương Văn Hùng – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn Lang Sài Gòn – đề xuất.
Nhiều chính sách hỗ trợ người lao động nâng cao tay nghề
TP.HCM có khá nhiều doanh nghiệp tập trung đông, theo đó nhu cầu lao động dành cho sản xuất kinh doanh là rất lớn. Đáp ứng nhu cầu này, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm là vấn đề luôn được TP quan tâm thực hiện.
Theo đó, đối với ngành giáo dục TP đã triển khai đến các trường học trên địa bàn thực hiện hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông với nhiều hình thức đa dạng. Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh còn được giáo viên giới thiệu, hướng dẫn chi tiết các nội dung định hướng nghề nghiệp theo từng chủ đề xuyên suốt và có tính kế thừa trong những năm học THCS và THPT.
Ông Nguyễn Văn Hiếu – Giám đốc Sở GD-ĐT TP – cho biết, hiện TP có hơn 370 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường rất chú trọng mở rộng quy mô và chất lượng; đa dạng hóa các ngành nghề, các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề cho học sinh và có chính sách liên thông giữa các bậc học nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập suốt đời.
Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học, học sinh học các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp có thể học lên trình độ cao hơn theo hướng liên thông từ trung cấp lên cao đẳng, liên thông từ cao đẳng lên đại học hoặc từ trung cấp lên đại học nếu đáp ứng các yêu cầu của quy chế tuyển sinh đại học.
Về phía Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, bà Huỳnh Lê Như Trang – Phó Giám đốc sở – thông tin, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp duy trì sự gắn kết với doanh nghiệp trong suốt quá trình đào tạo của đơn vị. Người học được kiến tập, thực tập tại doanh nghiệp trong thời gian học tập để làm quen với thực tế sản xuất; về phía doanh nghiệp thì có điều kiện tiếp cận với lực lượng học sinh, sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp, tổ chức tuyển dụng ngay khi tốt nghiệp vào làm việc tại đơn vị mà không cần trải qua quá trình phỏng vấn, đánh giá kỹ năng nghề.
Cũng theo bà Trang, hiện nay có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp. Người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học. Mặt khác, hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất là 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, người lao động nông thôn.
Phát biểu kết luận chương trình, ông Cao Thanh Bình – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP.HCM – đề nghị UBND TP tăng cường chỉ đạo các đơn vị liên quan tăng cường các nhóm giải pháp để phát triển chính sách giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt; Tập trung nâng cao chất lượng Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP; xây dựng hệ thống kết nối cung cầu lao động liên tỉnh, liên vùng và quốc tế để sàn giao dịch việc làm đạt hiệu quả tối ưu. Đồng thời, sớm phê duyệt đề án quản lý mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp TP.HCM đến năm 2030 (giai đoạn 2). Nghiên cứu vận dụng những cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98 để khẩn trương xây dựng các chính sách, đề án, chương trình, kế hoạch về đào tạo, giải quyết việc làm… |
TP cũng đã xác định 8 lĩnh vực ưu tiên đào tạo nhân lực sau tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp gồm: công nghệ thông tin – truyền thông; cơ khí – ô tô; cơ điện tử – tự động hóa; kế toán – tài chính – ngân hàng – quản trị doanh nghiệp; logistics; chăm sóc sức khỏe; du lịch; xây dựng – môi trường – đô thị.
Để thực hiện tốt và đưa việc gắn kết này có tính chất bền vững, bà Trang nhấn mạnh phải có sự chủ động của cả 2 phía: nhà trường và doanh nghiệp. Nguồn nhân lực sau đào tạo của nhà trường đạt chất lượng tốt thì doanh nghiệp luôn sẵn sàng phối hợp tham gia trong quá trình đào tạo. Ngược lại, doanh nghiệp cũng cần chủ động gắn kết với nhà trường trong các khâu như tham vấn xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức cho học sinh, sinh viên kiến tập, thực tập trong quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Việc làm, người lao động mất việc nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ được hỗ trợ học nghề với mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học dưới 3 tháng và hỗ trợ thực tế không quá 1,5 triệu đồng/tháng đối với khóa học từ 3 tháng trở lên. Người lao động mất việc khi thực hiện các thủ tục để hưởng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được Trung tâm Dịch vụ việc làm TP tư vấn, hướng dẫn đầy đủ các yêu cầu, điều kiện để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo nghề.
Phú Cát
Bình luận (0)