Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP HCM thêm kênh bán hàng thiết yếu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
TP HCM đang triển khai hàng loạt phương án về cung ứng để không để xảy ra tình trạng tăng giá, khan hiếm hàng hóa…
Tại cuộc họp báo chiều 16-7, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM Phan Văn Mãi cho biết lãnh đạo TP đã đi khảo sát một số chợ để mở các điểm tiếp nhận hàng hóa. Các chợ truyền thống sẽ được nghiên cứu, mở cửa chuyên kinh doanh lương thực – thực phẩm, nhu yếu phẩm trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16.
Bưu điện, nhà thuốc… bán rau
Trong khi chờ các chợ truyền thống mở cửa bán rau, củ, thịt, cá trở lại, ngoài điểm mua sắm chính là các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thì vài ngày trở lại đây, nhiều người dân TP đang được trải nghiệm mua thực phẩm giá bình ổn thị trường tại các điểm bán hàng lưu động, bưu điện, thậm chí là nhà thuốc, cửa hàng chuyên doanh hàng hóa cho trẻ em… và mới đây nhất là các sàn thương mại điện tử lớn.
Số điểm bán tăng nhanh mỗi ngày, dự kiến sẽ có khoảng 1.000 điểm bán như vậy được vận hành, tạm thời thay thế nguồn cung đang bị đứt gãy do nhiều chợ truyền thống, bao gồm 3 chợ đầu mối, còn đóng cửa. Tính đến ngày 14-7 đã có 300 tấn hàng bổ sung mỗi ngày thông qua kênh bán lưu động này.
Bà Nguyễn Thị Minh Giang, Tổng Giám đốc Mekong Capital, cho biết thông qua sự kết nối của quỹ đầu tư này, khoảng 10 doanh nghiệp (DN) sở hữu các chuỗi Concung, Guardian, Nhất Tín, GHN (dịch vụ giao hàng nhanh), Pharmacity, Vinshop… cùng các sàn thương mại điện tử lớn gồm Lazada, Shopee, Tiki, VinID… đã khởi động dự án bán thực phẩm bình ổn giá. Nếu triển khai toàn bộ trên 300 cửa hàng Pharmacity, 150 cửa hàng Concung, 67 cửa hàng Guardian, 36 bưu cục Nhất Tín… cùng 1.000 cửa hàng tạp hóa có liên kết với Vinshop thì số điểm bán sẽ rất nhiều, trải đều khắp TP.
"Các sàn thương mại điện tử sẽ tổ chức bán rau, củ, thịt, cá tươi cho khách hàng theo giá tham khảo do Sở Công Thương TP đưa ra. Các cửa hàng bán mỹ phẩm cũng sẵn sàng sử dụng kho của họ để nhập rau về bán không lợi nhuận cho người dân TP" – bà Minh Giang cho hay.
Theo bà Minh Giang, do không phải là DN bán lẻ thực phẩm nên việc "mua bán rau" không hề dễ dàng. "May mà Sở Công Thương cung cấp danh sách những nhà cung cấp uy tín tại Lâm Đồng và các tỉnh miền Tây, họ đã có nhiều kinh nghiệm cung cấp hàng cho các siêu thị, cửa hàng tại TP nên rất nhiệt hình hướng dẫn, hỗ trợ DN đóng gói rau củ quả theo yêu cầu, giúp giảm bớt công việc trong những công đoạn sau. Giá bán cũng được tính theo giá bình ổn thị trường đang áp dụng tại hệ thống siêu thị Co.opmart, cố gắng mỗi điểm cung cấp khoảng 500 kg đến 1 tấn rau củ quả cho bà con" – bà Minh Giang chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Hân, Giám đốc Công ty Đối tác Chân thật (thuộc Trung tâm Công tác xã hội thanh thiếu niên Việt Nam) – một trong những DN tích cực đưa rau củ, thịt heo, gạo… đến bán cho người dân TP với hàng chục chuyến xe mỗi ngày, cũng cho hay hầu như tất cả DN hưởng ứng bán thực phẩm lưu động đều không tính đến lợi nhuận, thậm chí xác định khả năng lỗ vốn.
"Cả TP đang giãn cách theo Chỉ thị 16, việc mua bán hàng hóa phải thực hiện thật nhanh để hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp nên người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn mà phải thật tối giản. Rau củ quả được gói sẵn theo từng túi (mỗi túi vài loại rau, củ) hoặc 1 loại theo quy cách từ một tới vài ký, khách lấy hàng – trả tiền, chủ yếu để ai cũng có rau, củ nấu ăn" – ông Hân giải thích.
Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình (tỉnh Đồng Nai) có 8 cửa hàng bán sỉ, lẻ tại TP HCM thì 3 cửa hàng đang đóng cửa do ảnh hưởng dịch. Theo ông Nguyễn Thanh Phi Long, đại diện DN, 5 cửa hàng còn lại khách mua đông hơn nhưng sản lượng mặt hàng chính là thịt gà công nghiệp (tham gia chương trình bình ổn) chỉ bằng 80% trước đây do khách sỉ nghỉ nhiều. Nhờ có sẵn mặt bằng nên 1 tuần qua, các cửa hàng bán thêm rau củ quả và trái cây từ TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) và Đồng Nai. Ngày đầu tiên chỉ bán được 100 kg, nay lên đến 900 kg.
"Người tiêu dùng thấy rau xanh, trái cây ở cửa hàng Long Bình thì rất mừng vì có thể mua nhanh hơn là vào siêu thị, cửa hàng với giá cả khá bình dân. Nguyên nhân là vì DN không tính các chi phí xét nghiệm Covid-19 cho tài xế hay phí vận chuyển mà chỉ bán theo giá mua vào cộng khoản bù hao hụt, không tính lợi nhuận nhằm hỗ trợ người tiêu dùng TP HCM đang khó khăn do dịch bệnh. Các trang trại được chúng tôi thu mua nông sản cũng rất mừng vì tiêu thụ được hàng. Hàng hóa được tập kết về nhà máy của DN ở Đồng Nai rồi vận chuyển bằng xe chuyên dụng về TP HCM" – ông Phi Long thông tin.
Ngoài ra, Long Bình còn bán trứng gà thu mua tại các trại bên ngoài theo giá thị trường. "Ngày 16-7, giá trứng gà mua tại trại đã là 30.000 đồng/chục (trước đó 25.000 đồng/chục) nhưng khi đưa về TP HCM xử lý, đóng hộp, DN vẫn bán giá 30.000 đồng/chục, lỗ khoảng 4.000 đồng/chục. Chúng tôi cố gắng giữ giá để hỗ trợ người tiêu dùng. Hiện cửa hàng áp dụng mỗi khách chỉ mua 1 vỉ trứng để tránh tình trạng thu gom" – ông Phi Long nói thêm.
TP HCM thêm kênh bán hàng thiết yếu - Ảnh 1.
Người dân mua hàng tại xe lưu động trên đường Lê Quang Định (quận Bình Thạnh, TP HCM). 

Vẫn ách tắc ở khâu vận chuyển
Theo phản ánh của các DN, dù Bộ Giao thông Vận tải đã hướng dẫn cụ thể về việc tạo luồng xanh cho xe chở hàng hóa được lưu thông thông suốt, bảo đảm cung cấp đủ lương thực – thực phẩm cho thị trường TP HCM nhưng thực tế, hàng hóa từ các tỉnh, thành đưa về TP càng lúc càng mất nhiều thời gian. Đại diện một hệ thống siêu thị lớn cho hay nếu trước đây lúc 6 giờ, các siêu thị đã phủ kín hàng nông sản, thực phẩm thì nay phải 10-11 giờ mới có hàng mới nhập về.
"Rau củ, thịt, cá là hàng tươi, phải nhập mới hằng ngày nhưng hiện nhiều tỉnh, thành đang bùng dịch, họ siết chặt khâu kiểm soát tại các chốt dẫn đến kẹt xe kéo dài; một số tỉnh, thành còn áp dụng quy định riêng nên rất mất thời gian, chi phí đội lên đáng kể" – đại diện siêu thị này cho biết.
Cũng vì trục trặc trong khâu vận chuyển nên hàng hóa đưa về TP đang giảm nhẹ, giá tăng cao dù tại đa số vùng trồng đang ùn ứ hàng, không bán được. "Một số vùng trồng ở Tiền Giang ngưng cung ứng hàng vì chi phí tăng quá cao, thương lái bán không có lời, nhiều tài xế nghỉ chạy xe. Ngay trong phạm vi TP HCM, nông dân ở huyện Hóc Môn, quận 12 còn nhiều rau ngoài ruộng nhưng không thể chở đến bán cho công ty được vì các chốt kiểm soát không cho đi qua" – đại diện một DN cung cấp rau củ quả nhiệt đới lớn tại TP HCM nêu thực tế.
Ông Lê Văn Quyết, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ, cho biết hiện giá gà lông tại trại chỉ 12.000 – 13.000 đồng/kg trong khi giá thành ở mức 29.000 đồng/kg. "Nguyên nhân cũng vì khâu lưu thông bị tắc nghẽn. Ví dụ một hệ thống trang trại bình thường xuất chuồng 20.000 con/ngày thì nay chỉ xuất được 2.000 – 5.000 con/ngày vì các chốt kiểm dịch làm việc cứng nhắc. Có trường hợp xe rỗng từ nhà máy giết mổ đến trại bắt gà nhưng không qua được chốt kiểm dịch vì trên xe không có gà.
Ngoài ra, xe chở gà con, cám cũng bị các chốt chặn với lý do hàng không thiết yếu. Gà con không về trại nữa thì chăn nuôi sẽ đứt lứa, thời gian tới sẽ khan hiếm nguồn cung, giá cả sẽ tăng. Do đó, công tác chống dịch cần thống nhất để không cản trở sản xuất các mặt hàng thiết yếu, không làm khó cho người sản xuất" – ông Quyết kiến nghị.
TP HCM thiếu khoảng 1.000 tấn rau củ quả
Sở Công Thương TP cho biết hiện việc cung ứng thực phẩm cho thị trường TP gặp nhiều khó khăn; dù các hệ thống bán lẻ hiện đại đã tăng lượng hàng lên gấp 3 lần, TP Thủ Đức mở điểm trung chuyển hàng hóa tại chợ đầu mối Thủ Đức… nhưng TP vẫn còn thiếu khoảng 1.000 tấn rau củ quả mỗi ngày.
 
Thanh Nhân (theo NLĐ)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)