Năm học 2023-2024, TP.HCM đã triển khai thí điểm khảo sát đánh giá kết quả hoạt động làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo tại 3 trương mầm non: Mầm non Thành Phố, Mầm non Nam Sài Gòn, và Mầm Non 19/5 Thành phố.
Bộ công cụ đánh giá khảo sát chương trình làm quen với Tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo EMG thể hiện sự thân thiện, hứng thú
Theo ông James Moran (Giám đốc học vụ EMG Education – đơn vị tổ chức khảo sát), công cụ đánh giá kết quả chương trình làm quen tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo nhằm hỗ trợ thu thập thông tin về năng lực tiếng Anh ở các kỹ năng nghe, nói, tiền đọc viết của trẻ dựa trên thước đo chuẩn quốc tế là thang đo GSE Pre-Primary Framework do tổ chức giáo dục Pearson phát triển. Các công cụ đánh giá được biên soạn trên nguyên tắc phù hợp lứa tuổi và tuân thủ sát sao các hướng dẫn về đánh giá kết quả giáo dục của Thông tư 50. Qua đó, kết quả đánh giá có thể là cơ sở cho việc đánh giá chất lượng, điều chỉnh và định hướng phương pháp, kế hoạch, hoạt động trong các cơ sở mầm non, mẫu giáo đang triển khai cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh theo điều kiện sẵn có và phù hợp với nhu cầu của phụ huynh.
Công cụ đánh giá năng lực tiếng Anh cho trẻ được thực hiện trên thiết bị máy tính bảng mang lại sự thú vị, hấp dẫn đối với trẻ nhỏ. Việc kết hợp các tính năng tương tác và các hoạt động trực quan sinh động giúp trẻ có thể duy trì sự chú ý đồng thời khiến cho bài khảo sát trở nên vui vẻ và hứng thú hơn.
Thời lượng ước tính cho mỗi trẻ được đánh giá thông qua quá trình trò chuyện, giao tiếp và thao tác trên máy tính bảng với giáo viên hướng dẫn cụ thể:
“Có tổng số 366 trẻ đã tham gia khảo sát. Trong đó có 178 trẻ lớp Chồi tham gia đánh giá ở cấp độ Level 1; 188 trẻ lớp Lá tham gia đánh giá ở cấp độ Level 2. Nhìn chung trẻ đều nhiệt tình, hứng thú tham gia vào hoạt động đánh giá. Công cụ đánh giá được thiết kế chú trọng sự thân thiện, nhẹ nhàng, không tạo áp lực cho trẻ, trẻ đã được đánh giá một cách thoải mái và ít căng thẳng. Công cụ đánh giá sử dụng thang điểm sao để bảo đảm tính thân thiện, khích lệ sự tiến bộ của trẻ, trong đó 3 sao là mức đạt cao nhất”- ông James Moran thông tin.
Từ kết quả thí điểm đánh giá, nhằm hỗ trợ việc nâng cao chất lượng các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại TP.HCM, Giám đốc học vụ EMG Education cho rằng, các cơ sở giáo dục cần kết hợp các hoạt động phát triển kỹ năng nghe-nói đơn giản trong việc học hàng ngày; Nâng cao năng lực chuyên môn cho giáo viên qua những khoá đào tạo; Cơ sở giáo dục nên chủ động tích hợp công nghệ trong các giờ học để mang lại các trải nghiệm học tập hấp dẫn và có tính tương tác cao, đặc biệt với các hoạt động phát triển nghe-nói tiếng Anh.
Ông James Moran cũng đề xuất nên phát triển các công cụ và phương pháp hiệu quả để đánh giá và đưa ra các phản hồi về các biểu hiện tiến bộ trong từng kỹ năng nghe, nói, làm quen với đọc và làm quen với viết, cũng như đánh giá về sự hứng thú của trẻ đối với các hoạt động làm quen với tiếng Anh. Đặc biệt, đề xuất TP.HCM triển khai bộ công cụ đánh giá khảo sát kết quả chương trình làm quen với tiếng Anh cho trẻ mẫu giáo một cách đồng bộ, khoa học, phù hợp với lứa tuổi.
Yến Hoa
Bình luận (0)