Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

TP.HCM thí điểm dùng xe gắn máy 2 bánh đi cấp cứu

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng nay (7.11), giải pháp xe mô tô, gắn máy 2 bánh cấp cứu (xe cấp cứu 2 bánh) được Bệnh viện (BV) đa khoa Sài Gòn đề xuất làm thí điểm tại Q.1 và được Sở Y tế TP.HCM thống nhất thực hiện.
Các nhân viên y tế sẽ đi xe gắn máy 2 bánh đến nơi cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh: Duy Tính
Bác sĩ Nguyễn Khắc Vui, Phó giám đốc BV đa khoa Sài Gòn, cho biết BV đã có hơn 10 năm làm cấp cứu ngoại viện, thực tiễn cho thấy người nhà bệnh nhân (BN) gần BV đã dùng xe 2 bánh chạy lên BV rước bác sĩ về nhà mình để cấp cứu người thân.

Một thực tế khác, từ khi nhận được cuộc gọi cấp cứu ngoại viện đến khi đến nhà BN thì có nhiều BN đã tử vong, dĩ nhiên là không thể xác định được lúc người dân gọi cấp cứu thì người nhà đã tử vong hay chưa.
Nhưng thực tế là việc tiếp cận hiện trường cũng mất thời gian khá lâu do kẹt xe trong lúc di chuyển.
Cũng theo bác sĩ Vui, không chỉ là tình trạng giao thông gây khó khăn cho việc di chuyển bằng xe cấp cứu truyền thống mà ở TP lớn như Hà Nội và TP.HCM thì có nhiều ngõ ngách sâu, xe cấp cứu 2 bánh cũng có thể tiếp cận nhà BN một cách nhanh nhất. Thậm chí, cho dù BN ở nhà mặt tiền đường lớn cần cấp cứu thì thực tế xe cấp cứu 2 bánh sẽ đến sớm hơn xe 4 bánh.
Phó giáo sư – tiến sĩ – bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết: Q.1 là quận trung tâm của TP, nhiều khách du lịch cư trú và tham quan, nhiều lễ hội thu hút đông người. Cũng như các quận nội thành khác, tại Q.1, bên cạnh những trục lộ chính là nhiều đường hẻm nhỏ. Do đó khi có cuộc gọi cấp cứu, nếu chỉ dùng xe cứu thương truyền thống thì đôi khi khó tiếp cận hiện trường để kịp thời sơ cấp cứu cho BN.
“Yêu cầu ưu tiên số 1 của cấp cứu BN là nhân viên y tế phải tiếp cận BN càng nhanh càng tốt để kịp thời can thiệp tại chỗ”, bác sĩ Thượng nói.

Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM và BV đa khoa Sài Gòn cùng đội xe cấp cứu 2 bánh mới. Ảnh: Duy Tính

Theo bác sĩ Thượng, hiện nay, ngành Y tế TP đã bố trí hai trạm cấp cứu vệ tinh 115 trên địa bàn Q.1 tại BV đa khoa Sài Gòn và BV Q.1. Về xe cứu thương là tạm đủ để vận chuyển BN nhưng đôi lúc xe cứu thương gặp khó khăn khi tiếp cận hiện trường.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trên, Sở Y tế triển khai thí điểm một loại hình xe cấp cứu cơ động hơn, đó là xe máy 2 bánh, với mong muốn đội cấp cứu sẽ tiếp cận BN nhanh hơn, sau đó xe cứu thương sẽ đến sau để vận chuyển BN về BV nếu có chỉ định.
BV đa khoa Sài Gòn đã xin được triển khai thí điểm loại hình này. Sau hơn hai tháng thực hiện, hôm nay, BV đa khoa Sài Gòn đã chính thức đưa vào hoạt động thí điểm mô hình xe cấp cứu 2 bánh.
Trước đó, Hội đồng khoa học công nghệ Sở Y tế TP đã thẩm định và góp ý kế hoạch triển khai sản phẩm sáng tạo này, thay vì xe tay ga phân khối lớn hay được sử dụng tại các nước phát triển, Hội đồng nhất trí với đề xuất của BV đa khoa Sài Gòn là chọn loại xe tay ga có động cơ 100-125 phân khối vừa chi phí thấp vừa giúp cho y, bác sĩ dễ dàng vận hành, nhất là nhân viên nữ.
Được biết, quy trình này sẽ được vận hành thí điểm trong 2 tuần để rút kinh nghiệm và hoàn thiện, sau đó sẽ chính thức ban hành.
Trong đó, Sở Y tế lưu ý luôn giữ mối liên lạc giữa nhân viên y tế đi cấp cứu và BV và sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhóm đi cấp cứu bằng xe 2 bánh và nhóm thường trực xe cứu thương. Khi có yêu cầu cần chuyển BN về BV thì xe cứu thương sẽ kịp thời đến để vận chuyển BN sau khi đã được sơ, cấp cứu trước đó.

Theo Duy Tính – Nguyên Mi/TNO

 

Bình luận (0)