Hiện TP.HCM bắt đầu thực hiện việc khởi tạo và cấp học bạ số cho 132.719 học sinh lớp 1 năm học 2023-2024 trên toàn thành phố, đảm bảo theo đúng tiến độ và quy định.
Gần 133.000 học sinh lớp 1 năm học 2023-2024 trên địa bàn TP.HCM đang được cấp học bạ số
Dữ liệu học sinh được bảo mật nghiêm ngặt
Ông Nguyễn Bảo Quốc (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số ngành GD-ĐT TP.HCM) cho biết, đến thời điểm này TP.HCM đã bắt đầu “chạy” thí điểm học bạ số cho 132.719 học sinh lớp 1 năm học 2023-2024, kịp theo tiến độ đặt ra. Mã học bạ số được sử dụng là mã định danh cá nhân học sinh theo Đề án 06. Thời gian qua, quá trình thực hiện rà soát, khối lớp 1 toàn thành phố còn khoảng gần 200 học sinh chưa có mã định danh – đa phần là học sinh từ tỉnh khác đến TP.HCM học tập, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Với những trường hợp này, Công an TP.HCM đã kịp thời hỗ trợ, đến nay 100% học sinh đã được cấp mã số định danh cá nhân, phục vụ thực hiện thí điểm học bạ số.
Để thực hiện thí điểm học bạ số, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng đã xây dựng và ban hành 2 quy chế, gồm: Quy chế thu thập, quản lý, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu ngành GD-ĐT TP.HCM; quy chế tạm thời quản lý, sử dụng Hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và Học bạ số ngành GD-ĐT TP.HCM. Trong đó, quy chế thu thập, quản lý, đồng bộ, chia sẻ dữ liệu ngành GD-ĐT TP.HCM ràng buộc, quy định cụ thể trách nhiệm của từng thành viên tham gia vào quá trình chuyển đổi số giáo dục của thành phố nói chung và việc triển khai học bạ số nói riêng, từ cán bộ quản lý, giáo viên cho đến doanh nghiệp tham gia vào quá trình chuyển đổi số, đảm bảo dữ liệu học sinh được bảo mật một cách nghiêm ngặt theo đúng quy định của pháp luật. Còn quy chế tạm thời quản lý, sử dụng Hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và Học bạ số ngành GD-ĐT TP.HCM quy định rõ các khái niệm trong quá trình triển khai học bạ số, việc thực hiện, quản lý học bạ số…, đảm bảo tính toàn vẹn và tính pháp lý của học bạ số.
Điểm mới của TP.HCM khi xây dựng học bạ số
Theo ông Nguyễn Bảo Quốc, điểm mới của TP.HCM khi triển khai học bạ số là triển khai phần mềm theo dõi, đánh giá học sinh. Trong đó, với bậc tiểu học là Bảng tổng hợp và đánh giá kết quả giáo dục; bậc trung học, GDTX là Sổ theo dõi và đánh giá học sinh đã được số hóa, lưu trữ trên môi trường số… Tập hợp các dữ liệu này bao gồm dữ liệu về người học, dữ liệu về điểm số, kết quả học tập và được giáo viên ký số theo từng lớp phụ trách để đảm bảo tính toàn vẹn. Sở GD-ĐT cung cấp giao thức cho phép các phần mềm quản lý dữ liệu theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số kết nối với cơ sở dữ liệu theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số dùng chung của ngành, cổng xác thực học bạ số, hệ thống quản lý dữ liệu học bạ số của thành phố thông qua nền tảng tích hợp dữ liệu của ngành GD-ĐT (Trục dữ liệu). Việc phát hành học bạ được kiểm soát thông qua hệ thống dữ liệu theo dõi và đánh giá học sinh, quản lý học bạ số tại đơn vị, đảm bảo quy trình liên thông kết quả kiểm tra đánh giá được kiểm soát chặt chẽ, có lưu vết, có phân công trách nhiệm. Chữ ký số của từng giáo viên trên học bạ số đảm bảo giáo viên chịu trách nhiệm cho nội dung phụ trách…
“Trên thực tế, dữ liệu trong phần mềm quản lý nhà trường hiện nay về bản chất là không đảm bảo tính toàn vẹn. Vì nếu như xảy ra một tình huống nào đó thì dữ liệu trong phần mềm quản lý nhà trường không có giá trị pháp lý, người quản trị hệ thống này có thể tham gia chỉnh sửa bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, dữ liệu khi đã chuyển qua phần mềm theo dõi và đã được ký số rồi thì dữ liệu đã được khóa, đảm bảo rằng cho dù bất kỳ ai có giữ máy chủ, có quản lý file cũng không thể chỉnh sửa được. Như vậy, việc triển khai thêm phần mềm theo dõi đánh giá kết quả học tập của học sinh khi triển khai học bạ số sẽ giúp TP.HCM đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu, tính bảo mật của dữ liệu, tính pháp lý của dữ liệu, phục vụ tốt quá trình so dò, đối chiếu và nhu cầu truy xuất ngược lại thông tin dữ liệu”, ông Nguyễn Bảo Quốc thông tin.
Mẫu học bạ số
Học bạ số là mô hình điểm của ngành GD-ĐT TP.HCM khi triển khai Đề án 06 tại TP.HCM. Thiếu tướng Trần Đức Tài (Phó Giám đốc Công an TP.HCM, Tổ trưởng Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06) lưu ý ngành giáo dục thành phố tiếp tục thực hiện làm sạch dữ liệu chuyên ngành để thực hiện liên thông dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Trong đó phải chú trọng công tác đảm bảo an ninh, an toàn thông tin học sinh khi thực hiện.
Quy định 5 hành vi không được làm với học bạ số
Sở GD-ĐT TP.HCM quy định, học bạ số có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy, được sử dụng thay thế học bạ giấy trong các thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động học tập của học sinh. Học bạ số phải được xác nhận bằng chứng thư số của nhà trường và chữ ký sử dụng chứng thư số của các cá nhân có trách nhiệm liên quan; thông tin thời gian ký số trên dữ liệu phải tuân thủ theo quy định chung về quản lý học bạ.
Học bạ số gồm 2 định dạng: PDF và XML có giá trị như nhau khi được sử dụng trên môi trường số. Học bạ số được in ra có giá trị pháp lý tương đương học bạ giấy khi được xác nhận bởi cơ sở giáo dục phát hành học bạ, Sở GD-ĐT hoặc được sao y từ văn bản điện tử theo quy định. Học bạ số được định danh thống nhất toàn thành phố dựa trên mã số định danh cá nhân của học sinh. Cơ sở giáo dục nơi phát hành học bạ là đơn vị duy nhất có thẩm quyền sửa chữa và chịu trách nhiệm về nội dung học bạ. Cơ sở dữ liệu học bạ số bao gồm các thông tin cơ bản về học sinh như họ tên, ngày sinh, lớp học, niên khóa, cùng với kết quả học tập cuối kỳ, cuối năm học và các thành tích học tập khác. Tất cả dữ liệu liên quan đến kết quả học tập phải được ký số bằng chứng thực số có giá trị. Chứng thực số này được cấp bởi một cơ quan có thẩm quyền, đảm bảo tính pháp lý và khả năng xác thực của dữ liệu.
Sở GD-ĐT TP.HCM nêu rõ, có 5 hành vi không được làm với học bạ số: Thứ nhất, hành vi làm giả, sửa chữa thông tin trên học bạ số là hành vi vi phạm pháp luật và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Thứ hai, truy cập trái phép, làm sai lệch, phá hủy hệ thống thông tin về dữ liệu kết quả học tập của người học. Thứ ba, tiết lộ thông tin cá nhân trên học bạ số trái phép mà không được sự đồng ý của chủ thể. Thứ tư, sử dụng hệ thống dữ liệu theo dõi và đánh giá học sinh số, học bạ số không hợp lệ để thực hiện các giao dịch. Thứ năm, ép buộc, độc quyền, vận hành không lành mạnh trong việc khai thác và sử dụng dữ liệu.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)