Chiều 9-9, UBND TP.HCM đã triệu tập buổi họp về công tác giáo dục của thành phố do bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó chủ tịch UBND TP.HCM chủ trì. Tham dự buổi họp có Ban Văn xã HĐND thành phố, đại diện 8 sở ngành, phó chủ tịch UBND và trưởng phòng GD-ĐT của 24 quận huyện. Nội dung buổi họp nhằm ghi nhận về tình hình giáo viên (GV), trang thiết bị và cơ sở vật chất phục vụ cho năm học 2008-2009.
Đội ngũ giáo viên thiếu trầm trọng
Theo báo cáo của các quận huyện, năm học 2008-2009, số lượng học sinh các cấp tăng rất nhiều. Cả TP.HCM con số này lên đến vài chục ngàn. Theo lời bà Nguyễn Thị Việt Thùy, Phó chủ tịch UBND huyện Bình Chánh: “Chỉ hai bậc tiểu học và THCS, học sinh (HS) huyện Bình Chánh tăng 2.559 cháu, nhưng số giáo viên do Sở GD-ĐT phân về chỉ đủ đáp ứng 2/3 so với yêu cầu. Cụ thể bậc mầm non cần 90 GV, Sở phân công về 79 GV nhưng chỉ có 63 GV nhận nhiệm sở; bậc tiểu học, nhu cầu cần 90 GV, Sở đáp ứng 24 GV và chỉ 19 GV nhận nhiệm sở. Chúng tôi đang tiếp tục xin thêm GV”. Bà Lê Thị Tại, Trưởng phòng GD-ĐT quận Gò Vấp báo cáo: “GV bậc mầm non ở quận Gò Vấp thiếu 173 GV dẫn đến sĩ số lớp mầm non hơn 40 cháu /lớp, thậm chí có lớp đông đến 55 cháu/lớp. Còn tiểu học sĩ số lớp cũng rất đông, trên 50 HS/lớp. Ở Gò Vấp có trường tiểu học tổng số lớp lên đến 100 lớp và sĩ số HS từ 50 đến 55 HS/lớp, đó là Trường Tiểu học An Hội”. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm học 2008-2009, Sở đã tuyển thêm 2.879 GV nâng tổng số GV của toàn ngành lên 45.590 người, không tính số GV ngoài công lập và đến thời điểm hiện nay, ngành còn thiếu 1.330 GV.
Tiến độ xây trường chậm và… chờ
Nếu lấy mốc thời gian từ 10 năm trở lại đây thì năm học 2008-2009 số lượng phòng học mới được đưa vào sử dụng thấp nhất, chỉ có 566 phòng so với nhu cầu thực tế là trên 1.000 phòng học. Trong khi đó số lượng HS tăng hàng năm, việc xây dựng phòng học mới quá ít như vậy chắc chắn không thể đáp ứng. Bà Nguyễn Thị Thu Hà bày tỏ sự nghịch lý này: “Tại sao số phòng học mới quá ít so với nhu cầu, tôi đề nghị tổ liên ngành phải ngồi lại để tìm cách tháo gỡ kịp thời và tiếp tục xây thêm phòng học mới”. Bà nhấn mạnh: “Cần đẩy mạnh công tác xã hội hóa, công tác đầu tư ngoài công lập”. Báo cáo của Sở GD-ĐT về tiến độ xây trường và phòng học cho bậc THPT từ năm 2004 đến nay đã có 37 dự án được thực hiện còn 32 dự án chưa thực hiện. Thực tế trong 37 dự án này chỉ có 7 hoặc 8 dự án xây mới trường học, trong đó có dự án vừa mới hoàn thành. Còn gần 30 dự án chỉ là cải tạo, nâng cấp, sửa chữa và xây thêm vài phòng học. Đó chỉ là con số của các dự án được duyệt từ năm 2004, còn đối với các dự án sau năm 2004 là chưa đề cập đến. Nếu không con số dự án đầu tư cho ngành GD-ĐT chưa thực hiện phải lên đến 300 dự án. Sự chậm chạp trong việc thực hiện các dự án xây trường học không thể không nói đến tinh thần và thái độ có trách nhiệm của một số ban ngành và địa phương. Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu Hà bức xúc nói: “Tôi xuống thăm Trường THCS Bình Đông, quận 8, nước ngập; thầy trò phải lội bì bõm hay đứng ngồi trên lan can. Trường chật chội, trong khi sát bên còn đất trống? Tại sao không xây thêm phòng học cho các cháu?”. Bà Hà đề nghị: “Tổ liên ngành được thành lập, nhưng đã ngồi họp được mấy lần? Vì vậy, thứ hai tuần cuối của mỗi tháng, tổ phải có buổi họp. Họp để biết vướng mắc chỗ nào mà tìm cách nhanh chóng tháo gỡ”. Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó chủ tịch UBND quận 4 hỏi: “Dự án xây Trường THCS Khánh Hội A, theo chỉ thị mới chủ đầu tư không còn là Ban Quản lý dự án quận 4 mà giao chủ đầu tư cho đơn vị thụ hưởng là Trường THCS Khánh Hội A. Đây là công việc hoàn toàn mới mẻ, nhà trường không dám nhận. Chúng tôi đã gởi công văn đề nghị là cho Ban Quản lý dự án quận 4 tiếp tục làm chức năng tư vấn cho chủ đầu tư nhưng không thấy trả lời. Chính vì thế dự án này nằm chờ hoài?”. Đại diện Sở Kế hoạch-Đầu tư trả lời: “làm được”. Nhưng khi ông Đạt xin công văn chính thức cho phép thực hiện của Sở Kế hoạch Đầu tư thì bà đại diện im lặng(?!).
Năm học mới số lượng HS tăng nhưng số phòng học tăng chậm, tất yếu dẫn đến việc sĩ số HS/lớp rất cao. Hệ lụy là chất lượng giáo dục chắc chắn sẽ giảm sút. Cơ chế lương dành cho GV, cán bộ quản lý giáo dục còn quá cứng nhắc và ít ỏi tất nhiên dẫn đến việc sức hút vào ngành giảm. Chúng ta nói: “Giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng câu nói này được bao nhiêu người hiểu và chia sẻ.
T.T.Q
Bình luận (0)