Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

TP.HCM: thừa chỗ học lớp 10

Tạp Chí Giáo Dục

Còn đúng một tuần nữa, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra mà theo đánh giá của giới chuyên môn là căng thẳng không kém gì thi đại học. Ông Nguyễn Văn Ngai – phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết:

– Đề thi tuyển sinh lớp 10 nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9. Cấu trúc đề tương tự đề kiểm tra học kỳ II dành cho học sinh (HS) lớp 9 năm học 2008-2009. Cấu trúc của đề kiểm tra học kỳ II: môn ngữ văn bao gồm 4 câu hỏi: câu 1 (1 điểm) hỏi về kiến thức học thuộc lòng, câu 2 (1 điểm) thuộc phần tiếng Việt, câu 3 (3 điểm) yêu cầu viết bài nghị luận ngắn, câu 4 (5 điểm): tập làm văn. Môn toán: gồm 4 câu: 3 câu đầu thuộc kiến thức về đại số chiếm 6,5 điểm, câu thứ 4 thuộc phần hình học chiếm 3,5 điểm. Môn ngoại ngữ sẽ bao gồm cả câu hỏi tự luận và trắc nghiệm.
Tuy nhiên, đề thi tuyển sinh lớp 10 sẽ rộng hơn và yêu cầu cao hơn đề kiểm tra học kỳ. Tùy đặc điểm mỗi môn học: phần câu hỏi về kiến thức cơ bản sẽ chiếm từ 7-8 điểm, phần câu hỏi nâng cao là 2-3 điểm.
* Thưa ông, có phải vì đề thi có những câu hỏi nâng cao mà hầu hết HS lớp 9 trên địa bàn TP đều phải đi luyện thi?
– Mục đích của những câu hỏi nâng cao là để phân loại HS, chọn được những HS đủ năng lực, trình độ để vào học cấp THPT. Ngoài ra, nó còn góp phần vào việc tuyển sinh của các trường chuyên do các thí sinh làm chung một đề (thí sinh thi vào trường chuyên phải thi thêm môn chuyên ngoài ba môn như thí sinh thường). Với năng lực của HS trung bình, nếu học bài đầy đủ và nắm vững kiến thức căn bản vẫn có thể đạt trên 6 điểm. Ở bất cứ kỳ thi nào, kiến thức của thí sinh vẫn là vấn đề chủ yếu, nhưng riêng kỳ thi tuyển sinh lớp 10, chuyện đậu, rớt còn phụ thuộc vào việc chọn nguyện vọng của HS. Rất có thể HS đạt điểm cao nhưng vẫn rớt nếu chọn nguyện vọng không phù hợp.
Trước mắt, tôi khuyên thí sinh hãy cố gắng làm bài thi thật tốt. Hãy học đầy đủ các nội dung của bài học trong chương trình lớp 9. Sau khi nắm vững kiến thức cơ bản, nếu có thời gian thì tập trung vào các bài tập nâng cao. Với môn toán, cần nắm vững lý thuyết và biết cách áp dụng công thức làm bài tập. Dành nhiều thời gian để giải toán cho thuần thục, riêng môn hình học cần rèn thêm kỹ năng vẽ hình. Với môn ngoại ngữ: củng cố lại vốn từ, ngữ pháp, đặc biệt chú ý đến cấu trúc câu, cách chia động từ…
Với môn văn: đọc và hiểu các tác phẩm đã học và phần tiếng Việt. Trong khi làm bài luận, nên lập dàn ý ngoài nháp trước thì khi viết vào bài mới đủ ý, tránh trường hợp nhớ đâu viết đó.
Thí sinh chờ gọi tên vào phòng thi tuyển sinh lớp 10 tại Q.7, TP.HCM (năm học trước) – Ảnh: H.HG.
* Năm nay dự kiến có 13.400 HS rớt ra khỏi ba nguyện vọng, tăng nhiều hơn so với năm ngoái?
– Trong điều kiện hệ thống trường, lớp của TP.HCM không tăng nhưng số HS tốt nghiệp THCS lại tăng so với năm trước nên số thí sinh rớt khỏi trường công lập sẽ nhiều hơn. Mặc dù vậy, tỉ lệ HS vào lớp 10 công lập năm nay vẫn đạt 80% – khá cao so với nhiều thành phố lớn khác. Bởi theo nghị định 05 của Chính phủ, các trường công lập chỉ tuyển 60% HS tốt nghiệp THCS và TP Hà Nội đã thực hiện điều này từ 2-3 năm nay.
* Trước ngày thi, ông có lời khuyên nào cho các thí sinh?
– Hiện giờ thí sinh đã nhận được phiếu báo danh, trong đó có ghi địa điểm thi. Năm nay, Sở GD-ĐT TP phân bố thí sinh tại 102 hội đồng thi là các trường THCS, THPT có điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm thi cử khách quan, an toàn. Trong đó có nơi thí sinh chưa đến bao giờ. Vì thế trước khi thi, thí sinh nên đến địa điểm thi một lần để ước lượng thời gian đi lại, tránh đi trễ trong ngày thi chính thức và tránh đi nhầm địa điểm thi. Thêm một điều nữa cần nhắc nhở: thí sinh tuyệt đối không được mang điện thoại di động vào phòng thi, dù không mở máy nhưng nếu giám thị phát hiện vẫn bị hủy kết quả thi.
* Nếu chẳng may bị rớt trong cuộc thi này…?
– Nếu không đậu vào trường công lập, HS có thể đăng ký học tại trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX) hoặc trường trung cấp chuyên nghiệp. TP.HCM thừa chỗ để nhận số HS rớt lớp 10 công lập. Năm học 2009-2010, các trường tư thục, trung tâm GDTX, trường trung cấp chuyên nghiệp có chỉ tiêu 38.837 HS. Trong đó 35 trung tâm giáo dục thường xuyên trú đóng tại các quận, huyện sẽ nhận 14.390 HS lớp 10. Bây giờ trung tâm GDTX giảng dạy theo sách giáo khoa phổ thông như các trường phổ thông.
HS học ở trung tâm GDTX, khi thi đậu tốt nghiệp cũng được cấp bằng tốt nghiệp THPT và được thi đại học, cao đẳng như HS học ở trường phổ thông chứ không phải bằng tốt nghiệp hệ bổ túc như ngày xưa. Năm học 2009-2010, các trường trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn TP cũng mở rộng cửa để đón HS lớp 9 vào học với chỉ tiêu 5.690 học viên. Sau 3,5 năm vừa học nghề vừa học văn hóa, học viên sẽ được cấp bằng trung cấp chuyên nghiệp, có thể đi làm ngay hoặc dự thi đại học, cao đẳng như HS đã tốt nghiệp THPT.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TP.HCM sẽ diễn ra vào ngày 24-6 (buổi sáng: thi môn ngữ văn, buổi chiều: thi ngoại ngữ), 25-6 (buổi sáng: thi môn toán) và 26-6-2009 (thi môn chuyên để vào trường chuyên). Thời gian làm bài môn toán, văn là 120 phút, môn ngoại ngữ là 60 phút.
Để được xét duyệt vào trường công lập, thí sinh phải có đủ ba bài thi và không có bài thi nào bị điểm 0. Điểm xét tuyển: là tổng điểm ba bài thi (trong đó, văn và toán nhân hệ số hai) cộng với điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có). Căn cứ vào chỉ tiêu của từng trường và điểm thi của thí sinh dự thi vào trường đó, hội đồng tuyển sinh sẽ lấy từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu. Điểm số thấp nhất của thí sinh cuối cùng (trong một trường) chính là điểm chuẩn của trường đó. Ở một trường, điểm chuẩn nguyện vọng 2 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 1 và điểm chuẩn nguyện vọng 3 cao hơn điểm chuẩn nguyện vọng 2 không quá 1 điểm.
HOÀNG HƯƠNG thực hiện (TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)