Thông tin này được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nêu ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 10 tháng thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) trong tình mới.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (Ảnh: VGP)
Hội nghị diễn ra sáng 5-11, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì.
Tại điểm cầu TP.HCM, tham dự và phát biểu, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM thực hiện nghiêm Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an về tăng cường các biện pháp PCCC.
Từ khi có Chỉ thị 01, Công an TP lập 6 tổ công tác và tổ chức kiểm tra ở 3 cấp với gần 60.000 lượt kiểm tra, qua đó đã xử lý 7.000 trường hợp. TP cũng vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 12, Chỉ thị 04 của Ủy ban về thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về tăng cường các biện pháp PCCC. “Nhìn chung TP rất quan tâm và tập trung công việc”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.
Theo ông Phan Văn Mãi, TP.HCM có 60.488 nhà chung cư, nhà nhiều căn hộ, nhà trọ, phòng trọ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, trong đó có 55.444 nhà trọ, phòng trọ. Đây cũng là đối tượng nguy cơ.
Hiện trạng những nhà này ở vị trí sâu, tiếp cận khó và không đạt chuẩn xây dựng và PCCC. Tại các nhà, việc bố trí nguồn lửa, lối đi không hợp lý ảnh hưởng đến lối thoát hiểm, lối di chuyển cứu hộ. Mặt khác, việc bố trí lực lượng và các phương tiện PCCC các nơi này thường không đảm bảo.
Tại điểm cầu TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi báo cáo về công tác PCCC tại TP
Qua kiểm tra, cũng như công việc thường xuyên, TP tiến hành đầy đủ các biện pháp. Đối với Chỉ thị 01, TP tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm cũng như các chỉ đạo các biện pháp khác của Thủ tướng, Bộ Công an. Đối với các nhà ở riêng lẻ, các hộ gia đình TP yêu cầu phải trang bị các bình chữa cháy tại chỗ, sắp xếp lại cũng như tạo thêm lối thoát hiểm, khuyến khích trang bị thiết bị cảnh báo cháy.
TP cũng yêu cầu tập trung tập huấn các kỹ năng và phát huy tổ liên gia phòng cháy chữa cháy. “TP có hơn 3.200 tổ và cũng đang chỉ đạo các xã, phường thành lập khoảng 80.000 tổ đảm bảo thực hành PCCC tại chỗ”, ông Phan Văn Mãi cho biết.
“Đối với các cơ sở tập trung, TP có các giải pháp ngăn sự cháy lan, khói từ các khu vực dễ cháy như bãi xe sang lối thoát hiểm, chỗ ở; lắp hệ thống báo cháy; trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ như bể nước, các bình chữa cháy lớn và trang bị các phương tiện thoát cháy như ống tuột, thang dây, những biện pháp khác. Mặc dù hiện nay chưa có quy chuẩn nhưng chúng ta nghiên cứu để phù hợp với tình hình”, ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.
Với những thực tế này, TP.HCM tiếp tục triển khai các biện pháp PCCC. Để các biện pháp phát huy tốt hơn, TP.HCM đề nghị Trung ương khẩn trương rà soát, hoàn thiện các khung pháp lý, đặc biệt các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC. Nên có nghiên cứu có những quy định cho phù hợp nhà ở đô thị, giá phù hợp.
Đề nghị Bộ Công an, các bộ ngành liên quan thống nhất hướng dẫn các biện pháp xử lý đối với những nhà hiện hữu theo hướng xem xét hiện trạng cũng như giải pháp PCCC cho phù hợp. Cần chỉ đạo Trường Đại học Phòng cháy Chữa cháy cập nhật chương trình đào tạo, tập huấn PCCC; bổ sung tập huấn cho công an xã, phường ít nhất hàng tháng, hàng năm để lực lượng này thực hiện bài bản, chuyên nghiệp.
TP.HCM cũng đề nghị Chính phủ, các cơ quan có sự đầu tư và hướng dẫn các địa phương có điều kiện và trang bị PCCC một cách cụ thể.
Trước đó, phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của hội nghị, nhất là trong bối cảnh vừa qua đã xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản; đặc biệt là vụ cháy nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội làm 56 người tử vong.
Thủ tướng chỉ rõ, đây là hồi chuông cảnh báo và cho thấy tình hình rất khẩn cấp, đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ phải có ngay những giải pháp cấp bách, khả thi để phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả các vụ cháy; bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và doanh nghiệp.
Theo Thủ tướng, đất nước ta đang trong quá trình phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ; nhà và công trình xây dựng phát triển nhanh, đa dạng về quy mô, phong phú về loại hình; nhu cầu sử dụng năng lượng như xăng dầu, khí đốt, điện, hóa chất cũng tăng mạnh.
Tại các thành phố lớn, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, mật độ dân cư cao, trong khi công tác quy hoạch, cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ, sự cố, tai nạn; tạo áp lực lớn cho quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ.
Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự cố gắng, nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và các lực lượng chức năng, nòng cốt là lực lượng Công an nhân dân, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ đã đạt nhiều kết quả quan trọng.
Tuy nhiên tình hình cháy, nổ vẫn diễn biến phức tạp. Nguyên nhân chủ yếu do một số quy định của pháp luật về PCCC chưa theo kịp sự phát triển của xã hội; cơ sở hạ tầng được xây dựng lâu năm, nhiều công trình cũ, xuống cấp không đáp ứng yêu cầu quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC nhưng không thể khắc phục được ngay.
Mặt khác, nhận thức, ý thức trách nhiệm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người đứng đầu đối với công tác PCCC còn hạn chế, thậm chí buông lỏng quản lý; ý thức, kiến thức, kỹ năng của một bộ phận quần chúng nhân dân về công tác này chưa cao; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, lực lượng có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao…
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, với tinh thần, trách nhiệm nghiêm túc, thẳng thắn, các đại biểu tập trung đánh giá những kết quả đạt được, nhất là những việc chưa làm được, những tồn tại, hạn chế, bất cập, khó khăn, làm rõ nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để có những giải pháp căn cơ, quyết liệt và khả thi nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn, cứu hộ, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho người dân và doanh nghiệp; không để xảy ra các sự việc đáng tiếc…
N.Trinh
Bình luận (0)