Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

TP.HCM: Thực hiện phân loại người ăn xin

Tạp Chí Giáo Dục

Khó phân loại giữa người bán vé số và người ăn xin (ảnh chụp trên đường Nơ Trang Long – Bình Thạnh sáng 8-1-2014)
Để thực hiện quyết định 49/2014/QĐ-UBND về việc tập trung người ăn xin của UBND TP.HCM, các trung tâm hỗ trợ xã hội vẫn đang ráo riết tăng cường khảo sát, phối hợp với các lực lượng công an, thanh niên xung phong, đoàn thể tập trung người lang thang về trung tâm.
Thực hiện phân loại người ăn xin
Sau gần nửa tháng triển khai quyết định của UBND TP.HCM về việc quản lý người ăn xin, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú trên địa bàn TP, Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM đã tiếp nhận thêm 63 người lang thang, ăn xin. Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Võ Trung Tâm, Chánh văn phòng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM cho biết: “Thật ra việc giải quyết hiện tượng lang thang, ăn xin được TP thực hiện thường xuyên, liên tục từ nhiều năm qua chứ không phải là từ ngày 28-12-2014. Quyết định 49/2014/QĐ-UBND của UBND TP.HCM ra đời để thay thế cho những quyết định cũ còn khá nhiều hạn chế trước đó là quyết định 104/2003/QĐ-UBND, quyết định 183/2006/QĐ-UBND, quyết định 88/2009/QĐ-UBND. Chúng tôi vẫn đang phối hợp nhiều đơn vị để giảm thiểu tình trạng này”.
Trước tình hình trên, các đối tượng là người lang thang, ăn xin đã có nhiều hành vi đối phó với cơ quan chức năng. Một số người lợi dụng hình thức đi bán vé số, tăm bông, khi vắng cơ quan quản lý là ngửa tay xin, một số lại di chuyển địa bàn hoạt động ra các vùng ven TP. Vì vậy, việc phân loại những người ăn xin như thế nào để rạch ròi giữa người có hoàn cảnh khó khăn thực sự với những kẻ đội lốt ăn xin, trục lợi lòng thương và làm sao để thực sự triệt tiêu được những “băng nhóm cái bang” là vấn đề đang được đặt ra.
Về phía các trung tâm vẫn đang tích cực liên hệ với các cấp chính quyền địa phương để tìm thân nhân, nhằm đưa người lang thang, ăn xin trở về gia đình. Ông Võ Thanh Quang, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM cho biết: “Hiện nay, khó khăn lớn nhất của chúng tôi là những đối tượng ăn xin mẹ bồng con được đưa vào trung tâm đa phần đều là những người phụ nữ nghiện ma túy. Những đối tượng này thì trung tâm không tiếp nhận mà phải chuyển đi nơi khác bởi trung tâm chỉ tập trung những đối tượng người lang thang, ăn xin”. Hiện nay, trung tâm đang tiến hành công tác phân loại hoàn cảnh theo từng đối tượng. Nếu là lần đầu tiên được đưa vào trung tâm, người lang thang sẽ được nuôi dưỡng trong một tháng, đồng thời trung tâm sẽ xác định thân nhân để thông báo cho địa phương nơi cư trú cùng phối hợp quản lý. Nếu là lần thứ hai được đưa vào trung tâm thì họ sẽ được các cơ sở bảo trợ xã hội nhận nuôi, sẽ được học văn hóa, học nghề và được giới thiệu việc làm. “Đối với những trường hợp nghi ngờ vi phạm pháp luật, chúng tôi có trách nhiệm báo cáo lên cơ quan công an tiến hành xử lý. Nguồn kinh phí phục vụ cho việc thực hiện quyết định 49/2014/QĐ-UBND hoàn toàn là của Nhà nước. Việc điều tra lý lịch cũng được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ. Mục tiêu của TP là muốn giúp người ăn xin có nơi ăn chốn ở tử tế”, ông Võ Thanh Quang cho biết thêm.
“Tôi chỉ muốn được ra ngoài bán vé số”
Nhiều đối tượng lang thang, ăn xin vẫn đang tìm đủ chiêu trò để né tránh việc vào trung tâm bảo trợ. Với họ, ở ngoài dù bữa đói bữa no nhưng thoải mái, vào trung tâm thì không phải dầm mưa dãi nắng nhưng lại… chồn chân. Bà Diệp Liên (SN 1968, quê Gia Lai), vừa được đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM cách đây một tuần không hề có bất kỳ một giấy tờ tùy thân nào. Trò chuyện với chúng tôi, bà cho biết: “Tôi chỉ muốn được ra ngoài bán vé số chứ về Gia Lai tôi cũng không biết làm gì. Nhà cửa không có, công việc cũng không thì tôi biết phải sống ra sao…”. Bà Trần Thị Sang (SN 1954, quê Bình Dương) không giấu được nước mắt trong lúc kể về những ngày bà lang thang, ăn xin ở ngoài đường. Khi được hỏi mong muốn lớn nhất hiện nay của bà là gì, bà trầm ngâm nói: “Tôi muốn được người nhà bảo lãnh về, nhưng về rồi thì sợ bị các em của tôi đánh nên thôi thà ở lại Sài Gòn, còn hơn. Tôi bỏ nhà lên Sài Gòn làm nghề ăn xin cũng mấy năm rồi, bị tụi nó mắng chửi quá”. Mỗi người một câu chuyện, một số phận. Có người vì gia đình mà phải bỏ nhà ra đi, không nơi nương tựa nên đành tự nguyện vào các đường dây chăn dắt để có thể sống lay lắt qua ngày, có người vì lười lao động mà bán rẻ lòng tự trọng, trục lợi tình thương của người khác. Với nhiều đối tượng ăn xin, lang thang, TP.HCM là mảnh đất màu mỡ để hoạt động nên họ tìm mọi cách để bám trụ.
Bên cạnh quyết định 49/2014/QĐ-UBND của UBND TP.HCM cần có thêm sự phối hợp của các địa phương mới có thể xóa bỏ tình trạng người lang thang, ăn xin hiện nay.
Bài, ảnh: Yên Hà
Theo ông Võ Thanh Quang thì cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực, tạo điều kiện cho người dân ở địa phương có việc làm ổn định, xử lý mạnh tay với những kẻ chăn dắt là những việc làm cần được ưu tiên hàng đầu hiện nay để có thể xóa sổ tình trạng người ăn xin, lang thang.
 

Bình luận (0)