Các phương tiện giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn |
Trên địa bàn TP.HCM hiện có hơn 1.400 tuyến đường biển, sông, kênh, rạch. Trong đó, Cục Hàng hải quản lý 140 tuyến, Cục Đường sông quản lý 200 tuyến và Sở Giao thông Vận tải quản lý hơn 1.000 tuyến. Chính mật độ giao thông đường thủy dày đặc như trên nên nguy cơ tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT) có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Nhiều vụ vi phạm Luật Giao thông thủy
Chỉ trong 10 ngày trên địa bàn TP.HCM xảy ra 3 vụ TNGT đường thủy nghiêm trọng, điển hình khoảng 14h ngày 17-11, sà lan trọng tải trên 800 tấn số hiệu BV-0976 chở 6 tấn cừ bê tông đang neo đậu trên kênh Thị Nghè bị đứt dây neo đâm vào gầm cầu Thị Nghè. Vào lúc 15h30 chiều ngày 25-11, 2 chiếc tàu cánh ngầm Greenlines 10 và Petro Express 2 va chạm vào nhau trên sông Sài Gòn, chở 37 hành khách chạy tuyến TP.HCM – Vũng Tàu xuất phát từ Bến Bạch Đằng đến trước khu vực Cảng VICT thì mạn phải tàu va chạm với tàu cánh ngầm Petro Express 2, đang chạy chiều ngược lại từ Vũng Tàu về TP.HCM. Sự cố đã gây vỡ cửa kính, hư hại phần nổi mạn phải của tàu Greenlines 10, làm cho 8 hành khách trên tàu bị thương. Tàu Petro Express 2 cũng bị hư hỏng nhẹ. Sau đó một ngày, vào lúc 20h45 ngày 26-11, một sà lan va vào tàu Long Phú 01 đang chở 700 tấn xăng A95 (hành trình từ TP.HCM về TP Vũng Tàu) tại khu vực ngã ba sông Lòng Tàu – sông Dừa thuộc xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Vụ va chạm khá mạnh khiến tàu chở xăng bốc cháy dữ dội, ngọn lửa bốc lên cao làm sáng rực cả góc sông, nhiều tiếng nổ phát ra từ đám cháy. Có 14 thủy thủ (gồm 12 thủy thủ của tàu Long Phú 01 và 2 thủy thủ trên sà lan) đã kịp nhảy xuống sông và được tàu tuần tra của Cảng vụ TP.HCM đưa đi cấp cứu.
Hàng năm, số lượng tàu biển lưu thông ra vào các cảng tại TP.HCM vận chuyển hàng triệu tấn hàng hóa là rất nhiều, ngoài ra còn có nhiều phương tiện chuyên chở thô sơ, còn có các sà lan chuyên chở vật liệu xây dựng, hàng trăm phương tiện hành nghề du lịch trên sông, cũng như phương tiện chở khách bằng tàu cánh ngầm. Bên cạnh đó còn có hàng ngàn phương tiện thủy từ Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như các tỉnh, thành khác ra vào tấp nập trên các luồng sông Sài Gòn. Chính mật độ giao thông thủy dày đặc như thế nên nguy cơ tiềm ẩn TNGT thủy có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Trong đó một số thuyền viên, nhất là các thuyền viên chở hàng hóa do gia đình mình làm ra như mía, lúa, trái cây, từ các nơi đổ về TP bán, lại không có tham gia lớp huấn luyện nào về pháp luật giao thông, lưu thông theo kiểu truyền thống gia đình. Điển hình như bà con huyện Nhơn Trạch tỉnh Đồng Nai, chuyên chở mía từ Nhơn Trạch về các nhà máy mía đường để bán và lưu thông qua đường thủy TP.HCM. Khi bị CSGT đường thủy TP.HCM lập biên bản xử phạt, thì họ cho rằng “chúng tôi là người dân sống vùng sông nước từ nhỏ, cần gì phải học hành lái tàu”. Theo Phòng CSGT đường thủy TP.HCM, chỉ trong 10 tháng năm 2009, lực lượng CSGT đường thủy phát hiện và xử lý trên 47.000 vụ vi phạm Luật Giao thông đường thủy, tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng 120 trường hợp, tịch thu 45 bằng giả, giam giữ hàng trăm tàu thuyền.
Những điểm đen trên sông
Tại TP.HCM ước tính có hơn 1.400km giao thông đường thủy, hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt, ước tính tiềm ẩn “điểm đen” cũng hàng trăm điểm. Những tuyến đường thủy nằm trong báo động đỏ gồm có: tuyến đường thủy nối sông Sài Gòn và sông Đồng Nai qua ngã Rạch Chiếc; tuyến thủy nội địa nối ngã ba Đèn Đỏ – Nhà máy Xi măng Hà Tiên I qua rạch Giồng Ông Tố; sông Soài Rạp – rạch Gốc Tre Nhỏ – sông Vàm Sát – sông Lò Rèn – sông Dinh Bà – sông Dần Xây; rạch Đĩa – rạch Rơi – sông Phú Xuân – sông Nhà Bè; rạch Ông Lớn 2 – sông Phước Kiểng – sông Mương Chuối; rạch Tôm – sông Mương Chuối; rạch Dơi – sông Kinh (sông Đồng Điền) và tuyến rạch Dừa – sông Giồng – sông Kinh Lộ. Theo Thượng tá Phan Văn Đông, Phó trưởng phòng CSGT đường thủy – Công an TP.HCM: điển hình khu vực trước cửa rạch Bến Nghé, thuộc bến Bạch Đằng, dài khoảng 500m, rộng trên 400m lúc nước lớn, từ lâu được quy định làm điểm quay trở của tàu biển khi ra vào Cảng Sài Gòn. Vào lúc nước rút, lòng sông ở đoạn trên chỉ rộng khoảng 200 – 300m. Trong khi đó, nhiều tàu tải trọng lớn quay đầu trở vào thời điểm này. Tàu lớn lòng sông hẹp, sức nước đẩy mạnh. Thuyền trưởng chỉ cần sơ suất nhỏ khi đang điều khiển tàu là nguy cơ tai nạn có thể xảy ra. Một nguyên nhân khác khiến khu vực bến Bạch Đằng trở nên nguy hiểm bởi nơi đây còn là bến lên khách của các tàu cánh ngầm, tàu du lịch trên sông, nhà hàng nổi. Điểm nguy cơ tiềm ẩn kế tiếp là ngã ba sông Sài Gòn, kênh Tẻ khu cầu Tân Thuận. Nơi đây giao cắt của tuyến đường biển sông Sài Gòn với tuyến đường sông Kênh Tẻ và đi vào cửa kênh chưa đầy 300m là cầu Tân Thuận 1 và 2. Ngay tại khu vực này còn hiện hữu bến đò ngang Tân Thuận với số lượng khách khá đông qua đò mỗi ngày.
Trong khi đó hàng năm, UBND, Ban ATGT, Sở GTVT TP.HCM có kế hoạch nhằm chủ động phòng ngừa, không để xảy ra TNGT đường thủy nội địa. Ban ATGT TP.HCM phối hợp Công an, Sở GTVT TP.HCM, UBND và Ban ATGT các quận, huyện tổ chức cao điểm tuần tra, kiểm soát xử lý các trường hợp vi phạm trật tự ATGT và tăng cường công tác tuyên truyền vận động, phổ biến, giáo dục mọi người dân sống ven sông, kênh, rạch, các phương tiện thủy chở khách và các cảng, bến thủy nội địa, bến đò dọc, đò ngang trên địa bàn TP nâng cao ý thức chấp hành luật về trật tự ATGT đường thủy, các hành vi xả rác, đổ chất thải xuống lòng sông, kênh, rạch. Vận động nhân dân khi đi đò đều phải mặc áo phao. Tích cực hỗ trợ đoàn kiểm tra khi có yêu cầu trong việc kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự ATGT đường thủy.
Lê Hữu
Thượng tá Phan Văn Đông, Phó trưởng phòng CSGT đường thủy Công an TP.HCM cho biết: Theo chỉ đạo của Công an TP.HCM, để giảm thiểu những vụ TNGT đường thủy, ngoài công tác tuyên truyền, CSGT thủy sẽ có đợt tổng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm Luật Giao thông thủy trên địa bàn TP. Song song đó tuyên truyền Luật Giao thông đường thủy cho người kinh doanh vận tải đường thủy được xem là quan trọng. Lý do, một trong những nguyên nhân chính khiến TNGT tăng cao là ý thức chấp hành an toàn của người dân còn thấp. |
Bình luận (0)