Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024 và triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2024-2025 bậc trung học sáng 15-8, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết định hướng của TP.HCM là tiến tới phổ cập tiếng Anh cho học sinh phổ thông và người dân thành phố.
Cụ thể, theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, một trong những dấu ấn nổi bật nhất của TP.HCM trong năm học 2023-2024 đó là kết quả học sinh giỏi quốc gia. Thành phố có 4 giải nhất môn tiếng Anh, trong đó có 1 thủ khoa tiếng Anh cả nước. Cạnh đó, thành phố tiếp tục giữ vững vị trí 8 năm liền dẫn đầu cả nước về kết quả môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Từ năm học 2024-2025, tiếng Anh sẽ trở thành môn thi lựa chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định, TP.HCM vẫn xem ngoại ngữ là thế mạnh, là công cụ để học sinh rộng cánh cửa vào đời với nhiều cơ hội nghề nghiệp.
Ông đề nghị các trường THCS, THPT phải tiếp tục dạy và học tiếng Anh nghiêm túc, không phải vì môn tiếng Anh không còn là môn thi bắt buộc mà việc dạy và học bị buông lỏng yêu cầu.
Ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin, Bộ Chính trị ngày 12-8 đã ban hành kết luận về việc thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”. Trong đó, Bộ Chính trị đề nghị các cấp tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học…
Từ đó, ông Nguyễn Văn Hiếu đề nghị phó giám đốc phụ trách và Phòng Trung học (Sở GD-ĐT TP) nghiên cứu xây dựng dự thảo bộ tiêu chí phổ cập tiếng Anh cho học sinh, người dân thành phố để trình UBND thành phố phê duyệt. Việc phổ cập tiếng Anh cũng giống như việc phổ cập giáo dục mà thành phố đã duy trì. Trường học phổ cập tiếng Anh cho học sinh; phường xã phổ cập tiếng Anh cho người dân.
“TP.HCM là địa phương đi đầu trong hội nhập thì người dân, học sinh thành phố cần phải được trang bị nền tảng tiếng Anh cần thiết, đưa tiếng Anh trở thành thế mạnh của học sinh và người dân thành phố” – ông Nguyễn Văn Hiếu khẳng định.
Tại TP.HCM, trong suốt nhiều năm nay, tiếng Anh luôn được chú trọng giảng dạy trong trường học. Các trường phổ thông triển khai rất đa dạng các hình thức, mô hình dạy và học tiếng Anh, phù hợp với từng cấp học, từ tiểu học đến THPT để học sinh lựa chọn theo năng lực, nhu cầu. Có thể kể đến như việc thành phố sớm dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 1 theo hình thức tự chọn; dạy tiếng Anh qua các môn khoa học; dạy các môn khoa học bằng tiếng Anh; chương trình tiếng Anh tăng cường; tiếng Anh với người nước ngoài; chương trình tiếng Anh tích hợp…
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu, đây chính là nền tảng để TP.HCM tiến tới việc phổ cập tiếng Anh cho học sinh phổ thông và người dân thành phố.
Năm học 2024-2025, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị các trường tập trung vào giáo dục đạo đức, tư tưởng cho học sinh; tiếp tục xây dựng và nâng cấp Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường. Phải làm sao để học sinh TP.HCM hiểu, biết, thực hành tốt nhất 5 điều Bác Hồ dạy…; thực hiện Chương trình GDPT 2018 “quyện” vào cùng với việc giáo dục học sinh về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chất lượng giáo dục TP.HCM phải được giữ vững, chất lượng tiếng Anh, tin học, nền tảng chung trong dạy và học các bộ môn phải được đảm bảo.
Riêng bậc THPT, hiệu trưởng phải chú ý sắp xếp lớp, bố trí giáo viên, tổ chức ôn tập củng cố cho học sinh đảm bảo đạt kết quả cao nhất cho học sinh khi tham gia thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Sở GD-ĐT sẽ thực hiện so sánh, đối chiếu, đánh giá kết quả đầu vào và đầu ra của từng trường THPT, để đánh giá công tác dạy và học của từng tường…
Đặc biệt, Giám đốc Nguyễn Văn Hiếu đề nghị trong năm học mới các trường THCS, THPT quan tâm đẩy mạnh công tác hướng nghiệp cho học sinh từ sớm. Tổ chức cho học sinh tham quan, tìm hiểu các ngành nghề đào tạo của các trường đại học. Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ có kế hoạch phối hợp với các trường đại học, làm sao học sinh THPT ít nhất trong 3 năm phải đến được 5-10 trường đại học tìm hiểu các ngành nghề khác nhau.
“Hiện nay trường THPT mỗi tuần có 3 tiết hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp. Nhà trường cần tính toán làm sao trong năm cho học sinh đi đến các trường ĐH để được tìm hiểu ngành nghề “nhúng” mình vào môi trường của các trường ĐH”.
“Tuyệt đối không để tình trạng học sinh vào lớp học tự nguyện mà bị ép buộc” Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đề nghị, từ đầu năm học 2024-2025, hiệu trưởng cần quan tâm việc lựa chọn các hoạt động bổ sung cho chương trình nhà trường. Thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ và tự nguyện. Tuyệt đối không để tình trạng học sinh vào trong lớp học với giáo viên nước ngoài mà bị ép buộc. “Nếu để xảy ra câu chuyện này thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Tất cả các hoạt động bổ sung muốn tổ chức thì phải trên tinh thần tự nguyện để học sinh đăng ký theo nhóm hoạt động, môn học bổ sung, nhà trường xếp lớp theo mong muốn của phụ huynh; đảm bảo tất cả học sinh học chương trình đó phải có sự tự nguyện… Nhà trường phải lắng nghe, tạo điều kiện và định hướng để học sinh được học đúng môn theo sở trường, mong muốn” – ông Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh. Ông đồng thời nêu rõ, hiệu trưởng nhà trường không chọn công ty, đối tác tổ chức chương trình nhà trường mà hiệu trưởng xây dựng các hoạt động bổ sung về chuyên môn, tiếng Anh, tin học, kỹ năng số, phụ huynh lựa chọn nhóm nào thì từ đó mới lựa chọn giáo viên thỉnh giảng, đơn vị phối hợp tổ chức. |
Yến Hoa
Bình luận (0)