Thực hiện Kết luận số 94-KL/TW ngày 28-3-2024 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới việc học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong 10 năm qua, TP.HCM đã chỉ đạo các ngành, các cấp, nhất là các cơ sở giáo dục triển khai thực hiện đồng bộ, tạo chuyển biến tích cực, toàn diện, nhất là trong hoạt động giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống cho sinh viên, học sinh.
Theo đó, TP chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đối với thế hệ trẻ, góp phần giáo dục học sinh TP thành công dân phát triển một cách toàn diện; góp phần tuyên truyền, giáo dục về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhận thức rõ về chủ quyền biển, đảo; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống; văn hóa ứng xử trong trường học trên môi trường mạng…
Nâng cao công tác phát triển Đảng trong học sinh phổ thông
TP thực hiện đổi mới chương trình đối với học sinh trung học phổ thông, môn giáo dục công dân trong việc cung cấp những hiểu biết cơ bản, cần thiết về giáo dục đạo đức, chính trị, pháp luật, giáo dục kỹ năng sống và những hiểu biết về văn hóa… phù hợp với lứa tuổi; nội dung có tính hiện đại, đồng bộ, thống nhất với quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhưng không tách rời các giá trị đạo đức của dân tộc, xây dựng ý thức kỷ luật, hình thành kỹ năng sống và phù hợp yêu cầu của thời đại mới.
Đối với học sinh cấp tiểu học, nội dung ngắn gọn, dễ nhớ, tập trung giáo dục về lối sống biết yêu thương, kính trọng người trên, tôn trọng bạn bè, thầy cô và những người xung quanh, sẵn sàng giúp đỡ mọi người, yêu quý, có ý thức chăm sóc, bảo vệ các cảnh vật, công trình của quê hương, có thói quen tự làm những việc của mình ở trường, ở nhà; thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy.
Đối với học sinh cấp trung học cơ sở, giáo dục học sinh ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc, quê hương, dòng họ; quan tâm đến những sự kiện chính trị, thời sự nổi bật của địa phương, trong nước và quốc tế; tích cực tham gia các hoạt động tập thể, xã hội; chủ động thực hiện những công việc hằng ngày của bản thân; tự rèn luyện, hoàn thiện bản thân theo các chuẩn giá trị xã hội; tôn trọng và tuân thủ các quy định của pháp luật.
Các trường phổ thông đã lồng ghép việc giáo dục lý luận chính trị vào hoạt động chính khóa và ngoại khóa, thông qua việc tổ chức các sự kiện, ngày kỷ niệm, ngày lễ lớn của đất nước, TP. Hằng năm, TP tổ chức tuyên dương học sinh tiêu biểu đạt danh hiệu “Học sinh 3 tích cực”; học sinh tiêu biểu làm theo lời Bác, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao công tác phát triển Đảng trong học sinh phổ thông… Trong giai đoạn 2015-2020, toàn ngành GD-ĐT TP phát triển được 65 đảng viên mới là học sinh phổ thông; năm học 2021-2022 có 37 đảng viên mới là học sinh; năm học 2022-2023 có 33 đảng viên mới là học sinh; năm học 2023-2024 đã kết nạp 12 đảng viên mới (số liệu tính đến tháng 5-2024).
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP triển khai thực hiện nghiêm túc việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Đến nay, 100% cơ sở giáo dục triển khai xây dựng, sử dụng hợp lý, hiệu quả các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại đơn vị để làm không gian giảng dạy và học tập đối với các bộ môn lịch sử, ngữ văn, giáo dục địa phương, giáo dục công dân và tổ chức các buổi học tập, sinh hoạt cho đoàn viên, thanh niên. Nhiều cơ sở giáo dục tổ chức tốt sinh hoạt định kỳ, kể chuyện về Bác lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chào cờ, thực hiện nhật ký làm theo lời Bác, chiếu phim, sưu tầm tài liệu, hội thi, tổ chức cho học sinh, sinh viên đăng ký những nội dung cụ thể học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên dương khen thưởng và nhân rộng các gương tập thể, cá nhân điển hình trong các cơ sở giáo dục.
Bồi dưỡng thế hệ trẻ kiên định lý tưởng cách mạng
Hiện nay, TP có giáo viên môn giáo dục công dân cấp trung học cơ sở là 745 người, trung học phổ thông là 351 người. Một trong những yêu cầu thực tiễn đặt ra là các cấp ủy, tổ chức Đảng, các cơ sở giáo dục phải xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên lý luận chính trị, giáo dục công dân cả về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức; chú trọng công tác phát triển đội ngũ giảng viên môn lý luận chính trị có tính chiến lược, đồng bộ, đảm bảo tính kế thừa giữa các thế hệ.
Đặc biệt, ngành giáo dục phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy lý luận chính trị theo hướng phát huy cao nhất khả năng tự học, lấy người học làm trung tâm; học tập, giảng dạy, kiểm tra đánh giá theo tư duy mở, tạo hứng thú trong học tập; đồng thời phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng của giảng viên, giáo viên đối với người học trong việc tiếp cận và xử lý thông tin, trước hết là thông tin liên quan đến giảng dạy và học tập lý luận chính trị, giáo dục công dân. Việc giảng dạy, học tập lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân phải góp phần bồi dưỡng thế hệ trẻ kiên định lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuân thủ pháp luật, có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội, có kỹ năng sống, có định hướng lựa chọn nghề nghiệp phù hợp, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú, khơi dậy tinh thần thi đua học tập, rèn luyện, xây dựng hoài bão, ý chí, khát vọng vươn lên lập thân, lập nghiệp.
Song Hương
Bình luận (0)