Chiều 15-10, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục làm việc, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy khóa X và thảo luận tại Tổ dự thảo các Văn kiện trình ĐH XIII của Đảng.
Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP trình bày Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X
Đại hội đã nghe đồng chí Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.HCM trình bày Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X.
Sau đó, các đại biểu đã tiến hành làm việc tại 20 Tổ, thảo luận dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XI Đảng bộ TP.
Đoàn Thư ký Đại hội tổng hợp ý kiến đóng góp vào dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XI Đảng bộ TP.
Trước đó, sáng 15-10, sau khai mạc Đại hội, ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP đã trình bày tóm tắt Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ TP khóa X.
Theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong, Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần XI có ý nghĩa rất quan trọng, khẳng định quyết tâm "Nâng cao trách nhiệm nêu gương và năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân; Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nghĩa tình; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học- công nghệ, tận dụng thời cơ cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng cường hội nhập quốc tế; đảm bảo quốc phòng- an ninh; phát triển nhanh, bền vững, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của nhân dân".
Quang cảnh Đại hội
Trong nhiệm kỳ 2020-2025, TP sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ như quy hoạch, đầu tư phát triển các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, du lịch, thương mại, quy hoạch hạ tầng dịch vụ. Triển khai thực hiện Đề án phát triển TP trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế; kế hoạch phát triển ngành logistics giai đoạn 2020- 2030.
Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nhất là những ngành, lĩnh vực, những công đoạn có hàm lượng khoa học- công nghệ, giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ; tiếp tục phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu.
Đồng thời huy động và khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực tài chính trong và ngoài nước để đầu tư phát triển TP. Phát huy vai trò nòng cốt của TP trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Phấn đấu xây dựng TP sớm trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.
Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020 – 2025: 1- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP.HCM (GRDP) bình quân hàng năm từ 8 – 8,5%, duy trì tỷ trọng khu vực dịch vụ trong GRDP trên 60%. 2- Phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của TPHCM. 3- GRDP bình quân đầu người đến cuối năm 2025 đạt từ 8.500 – 9.000 USD/người. 4- Tổng vốn đầu tư xã hội chiếm bình quân khoảng 35% GRDP. 5- Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào GRDP đến năm 2025 đạt từ 45 – 50%. 6- Chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt bình quân trên 1%/GRDP.
7- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm. 8- Đến năm 2025, tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo nghề có chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc. 9- Trong 5 năm, tạo việc làm mới cho 700.000 lao động (bình quân 140.000 lao động/năm), tỷ lệ thất nghiệp đô thị dưới 4%. 10- Đến cuối năm 2025, cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn nghèo cả nước; còn dưới 0,5% hộ nghèo theo chuẩn nghèo TP.HCM. 11- Đến cuối năm 2025, đạt tỷ lệ 21 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân. 12- Tiếp tục duy trì đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học (từ 3 đến 18 tuổi). Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đến trường đều được đi học. 13- Đến năm 2025, tổng tỷ suất sinh đạt ít nhất 1,4 con/phụ nữ (hướng tới 2030: 1,6 con/phụ nữ). 14- Tiếp tục duy trì 100% số hộ dân sử dụng nước sạch. 15- Tiếp tục duy trì xử lý chất thải y tế và nước thải công nghiệp đạt 100%. 16- Đến năm 2025, tỷ lệ xử lý rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới hiện đại (đốt phát điện) và tái chế đạt ít nhất 80% (hướng tới 2030: 100%). 17- Đến năm 2025, tỷ lệ đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt 15%, mật độ đường giao thông bình quân trên diện tích đất toàn TP.HCM đạt 2,5 km/km2. 18- Giai đoạn 2021 – 2025, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 50 triệu m2 và đến cuối năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 23,5m2/người. 19- Đến năm 2025, diện tích cây xanh đô thị đạt không dưới 0,65m2/người (hướng tới 2030 không dưới 1m2/người). 20- Phấn đấu TP.HCM nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index). 21- Tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên. 22- Giữ vững an ninh chính trị, kéo giảm phạm pháp hình sự và tăng tỷ lệ điều tra khám phá án; giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố trên 90%, kéo giảm ít nhất 5% số người chết do tai nạn giao thông hàng năm, nâng cao năng lực phòng cháy, chữa cháy và kéo giảm 10% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng so với nhiệm kỳ trước. 23- Tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng đạt hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước, chất lượng ngày càng cao hơn; giảm tỷ lệ tổ chức cơ sở đảng yếu kém xuống dưới 0,5 %. 24- 100% người đứng đầu cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt trách nhiệm nêu gương (theo Quy định số 08 ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII). 25- Kiểm tra, giám sát đối với 100% tổ chức đảng, đảng viên về việc thực hiện các thông báo, kết luận sau kiểm tra, giám sát của cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp. 26- 100% các quận ủy, huyện ủy, đảng ủy cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy có chương trình cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tương đương với cải cách hành chính và chính quyền số ở TP.HCM. |
Ông Nguyễn Thành Phong cho biết sẽ quy hoạch, đầu tư phát triển các bệnh viện TP trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực phía Nam và khu vực Đông Nam Á; Triển khai bảo đảm tiến độ Đề án xây dựng đô thị thông minh, đầu tư hoàn thiện Trung tâm điều hành thông minh và Trung tâm dự báo thuộc Đề án. Cơ bản hoàn thành chuyển đổi dữ liệu số của toàn thành phố trước năm 2025.
Giải pháp thực hiện các nhiệm vụ của TP là đổi mới quản lý, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 54 của Quốc hội giai đoạn 2020-2022, nghiên cứu đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP giai đoạn sau năm 2022; Xây dựng Đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP và xây dựng TP Thủ Đức…
T.Anh – N.Trinh
Bình luận (0)