Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM tiếp tục xây dựng biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19

Tạp Chí Giáo Dục

Thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ, TP.HCM sẽ xây dựng biện pháp tăng cường phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn từ 15-8 đến 15-9, trong đó phân thành hai giai đoạn từ 15-8 đến 31-8 và từ 1-9 đến 15-9. Kế hoạch này sẽ được công bố trong thời gian sắp tới, theo đó mỗi giai đoạn sẽ xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với quyết tâm đến 15-9 TP sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh.


Ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM

Trưa 13-8, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.

Dịch đã “ngấm sâu” tại TP

Tại cuộc họp, ông Dương Anh Đức – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có thể kéo dài. Số ca nhiễm hiện đang đi ngang, có xu hướng giảm nhưng chưa bền vững. Số ca tử vong vẫn ở mức cao, trung bình là 241 ca/ngày trong những ngày gần đây. Dự kiến, sau ngày 15-8, số F0 vẫn ở mức khoảng 3.000 ca/ngày. Vì vậy, nếu không quyết triệt để các biện pháp chống dịch mạnh mẽ thì sẽ rất khó giữ vững được những thành quả đã đạt được. “Thậm chí tình hình sẽ xấu đi nếu chúng ta không đồng lòng, không quyết liệt, không quyết tâm thực sự thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Hiện nay, dịch đã “ngấm sâu” tại TP”, ông Đức nhấn mạnh.

Theo ông Đức, chỉ còn 3 ngày nữa là TP.HCM sẽ kết thúc đợt thứ 2 thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ với các biện pháp tăng cường. Trong thời gian qua, lãnh đạo TP đã họp tổng hợp thông tin, đánh giá, phân tích tình hình và chuẩn bị cho giai đoạn sắp tới, để công tác phòng chống dịch Covid-19 ở TP.HCM ngày một hiệu quả hơn.

Thực hiện Nghị quyết 86 của Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, TP.HCM sẽ xây dựng biện pháp tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trong giai đoạn từ 15-8 đến 15-9, trong đó phân thành hai giai đoạn từ 15-8 đến 31-8 và từ 1-9 đến 15-9. “Kế hoạch này sẽ được công bố trong thời gian sắp tới, theo đó mỗi giai đoạn sẽ xác định những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể với quyết tâm đến 15-9 TP sẽ kiểm soát được tình hình dịch bệnh”, ông Đức nói.

Phó Chủ tịch UBND TP cho rằng, TP sẽ phải tập trung các biện pháp mạnh mẽ để giảm số ca tử vong. Trước tiên, phải làm sao giảm được số ca F0 có nguy cơ trở nặng. Biện pháp giãn cách xã hội sẽ là biện pháp quan trọng nhất, đảm bảo được việc giãn cách xã hội, đảm bảo được việc cách ly nhà với nhà, đặc biệt trong các khu phong tỏa, mà ở đó 80% ca F0 được phát hiện.

“Làm sao đảm bảo chặt trong, chặt ngoài thì mới giảm được tỷ lệ số ca F0 tăng. Đây là điểm mấu chốt kìm hãm và giảm mạnh số F0 trong thời gian sắp tới. Chỉ cần giảm 50% số ca F0 tại khu vực phong tỏa thì sẽ giảm được hàng ngàn ca F0 tại khu vực này.  Muốn làm được điều đó, những gia đình nào muốn không có F0 thì tiếp tục duy trì không có F0. Trường hợp không may có F0 thì chỉ lây lan trong gia đình. Nếu gia đình đó ý thức được đầy đủ biện pháp phòng dịch thì sẽ không phát sinh F0 sang những gia đình khác”.

Ông Đức còn cho rằng, chúng ta phải giữ vững thành quả, làm sao triển khai tốt hơn nữa, phát huy mô hình tự quản vùng xanh của nhân dân. Vừa nâng cao vai trò ý thức của từng cá nhân, đúng với tinh thần mỗi người dân là một chiến sĩ, bảo vệ được vùng lãnh thổ xanh, mở rộng để phủ xanh toàn TP theo tinh thần “xanh thì càng xanh hơn, vàng thì trở lên xanh, đỏ thì giảm màu để tiến về xanh”.

Để bóc tách được F0, theo Phó Chủ tịch UBND TP, công tác xét nghiệm rất quan trọng. Việc này phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo khoa học, không lãng phí nguồn lực, không lãng phí tài nguyên và là căn cứ quan trọng để mở rộng vùng xanh, đưa các vùng xanh trở về trạng thái bình thường mới.

Ở các khu phong tỏa, phải thực hiện xét nghiệm thực sự khoa học để sớm bóc tách những F0, giảm nguồn lây ở trong khu phong tỏa, kết hợp với biện pháp cách ly gia đình với gia đình, người với người. Nếu làm tốt, mục tiêu giảm mạnh số F0 trong khu phong tỏa sẽ đạt được kết quả tốt.

Từ 5-8 đến nay, trung bình 3.687 ca nhiễm trong ngày

Liên quan đến tình hình dịch bệnh tại TP.HCM, bình quân trong 7 ngày từ 5-8 đến nay, trung bình 3.687 ca nhiễm trong ngày. Trong đó, 78,6% ở khu phong tỏa, 2,3% trong khu cách ly, 17,7% sàng lọc tại bệnh viện. TP đã điều trị khỏi 62.986 trường hợp, hiện đang điều trị 32.629 trường hợp, trong đó 1.558 bệnh nhân nặng và 16 bệnh nhân nguy kịch phải chạy ECMO.

Có 10.421 F0 không có triệu chứng, đang được điều trị tại nhà, 12.290 F0 đã được điều trị trên 7 ngày và có giá trị CT >30 (theo quy định Bộ Y tế có thể về cách ly tại nhà, theo quy trình nghiêm ngặt của ngành y tế).

Trước tình hình này, Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết, TP đã tập trung nâng cao điều trị để đạt mục tiêu cao nhất trong thời gian sắp tới là giảm số tử vong tại 22 quận huyện và TP.Thủ Đức. Muốn làm được điều này, một trong những vấn đề tiên quyết đặt ra là giảm được những ca Covid-19 nặng ở tầng 2, 3 để giảm áp lực ở tầng trên và có biện pháp để giảm tử vong.


Giữ vững “vùng xanh” là giải pháp hiệu quả trong phòng chống dịch

Với sự hỗ trợ của Bộ Y tế và các địa phương tuyến đầu của cả nước, TP.HCM phối hợp Bộ Y tế đưa vào 4 trung tâm hồi sức tích cực với quy mô 1.750 giường. Đồng thời, nâng cao năng lực cấp cứu của Trung tâm cấp cứu 115, thành lập 5 cơ sở cấp cứu vệ sinh của Trung tâm cấp cứu 115, kiện toàn các tổ phản ứng nhanh cấp cứu tại từng phường, xã, thị trấn. TP đã bố trí hệ thống taxi chuyển đổi công năng để phục vụ cấp cứu tại các địa phương, phường, xã, thị trấn.

Hiện nay, TP cũng đã nâng cấp năng lực các bệnh viện tầng 2 như bệnh viện dã chiến thu dung có thể nâng khả năng thu dung lên tầng 3 để huy động nguồn lực có thể điều trị được các bệnh nhân trở nặng, không gây áp lực lớn cho tầng trên.

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Anh Đức cho biết thêm, một trong những điều mà lãnh đạo TP và ngành y tế quan tâm là củng cố khả năng cung cấp oxy cho các trường hợp nhiễm bệnh.

Và một trong những nhiệm vụ để giảm tải là phải tổ chức tư vấn sức khỏe, hỗ trợ tốt công tác cách ly chăm sóc F0, F1 tại nhà. Nếu chăm sóc tốt về tâm lý, lương thực và hỗ trợ tư vấn điều trị, theo dõi củng cố sức khỏe sẽ giúp họ có tinh thần tốt. Từ đó chủ động cải thiện sức khỏe, hạn chế tối đa bệnh trở nặng, lành bệnh sớm giúp giảm áp lực các tầng điều trị. Hiện Bộ Y tế đang có kế hoạch hỗ trợ TP mạnh hơn nữa trong việc triển khai công tác này và sắp tới sẽ công bố kế hoạch cụ thể.

Nguyễn Trinh

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)