Phải tạo sự tương tác mạnh mẽ giữa khu vực nghiên cứu, đào tạo, cung cấp giải pháp và quản lý Nhà nước. 4 khu vực này tương tác với nhau cùng với thị trường tài chính phù hợp thì sẽ góp phần tạo nên hệ sinh thái của nghiên cứu, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo.
Các đại biểu tham quan triển lãm thiết bị công nghệ tại ngày hội
Ngày 7-11, tại Nhà Văn hóa Sinh viên – Đại học Quốc gia TP.HCM diễn ra Ngày hội “Doanh nghiệp Công nghệ thông tin (CNTT) và Trí tuệ nhân tạo TP.HCM năm 2020” với chủ đề “Trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số: Nền tảng và giá trị mới”.
Sự kiện do UBND TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông, Đại học Quốc gia TP.HCM, Sở Khoa học và Công nghệ, Hội Tin học TP phối hợp tổ chức. Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức và lãnh đạo các sở, ban, ngành cùng hàng ngàn sinh viên trên địa bàn TP.HCM.
Phát biểu tại ngày hội, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức – cho biết những năm qua TP đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo như xây dựng hạ tầng số, hạ tầng tính toán, hạ tầng dữ liệu, phát triển nguồn nhân lực, thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phát triển y tế.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, TP đã xem lĩnh vực trí tuệ nhân tạo là thành phần không thể thiếu trong Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020 và tầm nhìn đến 2025. Đặc biệt, tháng 12-2020, TP sẽ ban hành chương trình nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở TP.HCM giai đoạn 2020-2030. Việc này được kỳ vọng như một trong những hạt nhân để thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và là nền tảng để triển khai thành công Đề án Đô thị thông minh trên toàn TP.
Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân và Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tặng hoa cho các thành viên Hội đồng tư vấn Chương trình Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo
Đối với chính quyền số, TP đã tích hợp nhiều nhiệm vụ và số hóa dữ liệu để phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kinh tế số, TP đã tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm đó là y tế, giáo dục, giao thông vận tải, tài chính ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, logistics, môi trường và đào tạo nguồn nhân lực. Hạ tầng số, TP đã tập trung đầu tư hạ tầng viễn thông CNTT, internet toàn phần, hạ tầng dữ liệu, định danh điện tử làm tiền đề cho phát triển chính quyền số và kinh tế số.
Với những nỗ lực này, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số đã góp phần quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của TP, nhất là trong bối cảnh TP đang bước vào giai đoạn 2 của Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh. Điều này cũng tạo môi trường thuận lợi để TP trở thành nơi khởi nghiệp và thành công của hơn 45.000 doanh nghiệp CNTT, trong đó hơn 50% đóng trên địa bàn TP.HCM.
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực nhưng ông Dương Anh Đức nhìn nhận việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số còn chậm, thậm chí còn kém so với các đô thị trên thế giới. Trong số 45.000 doanh nghiệp CNTT chỉ có 2% doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỷ đồng, còn lại 98% doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Đây là thách thức lớn trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số. Các vấn đề đã được TP nhận diện, có những vấn đề đã giải quyết ngay nhưng cũng có những nội dung cần nhiều thời gian để nghiên cứu.
Từ thực tế này, ông Dương Anh Đức cho rằng việc tổ chức ngày hội “Doanh nghiệp CNTT và Trí tuệ nhân tạo” là dịp để TP cùng cộng đồng doanh nghiệp đánh giá thực trạng, thách thức đối với việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số trên địa bàn TP. Qua đó đề xuất các giải pháp để TP ứng dụng mạnh mẽ hơn nữa trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số, cũng như nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT từ việc triển khai trí tuệ nhân tạo.
Đặc biệt, TP đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến an sinh xã hội như kẹt xe, ô nhiễm môi trường, ngập nước… thì việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số góp phần tạo sự đột phá vào các lĩnh vực này.
Tại ngày hội, Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết – TP.HCM đã khởi động chương trình trí tuệ nhân tạo nhưng so với thế giới vẫn còn đi sau. Trong điều kiện TP đã có các nguồn lực trường đại học, trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, cộng đồng doanh nghiệp… thì bài toán đặt ra đối với người đi sau là phải khai thác cho tốt nguồn lực.
Đội đạt giải cao Hội thi ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhận Bằng khen từ lãnh đạo TP
Cụ thể, phải tạo sự tương tác mạnh mẽ giữa các khu vực nghiên cứu, đào tạo, cung cấp giải pháp và khu vực quản lý Nhà nước. 4 khu vực này tương tác với nhau cùng với thị trường tài chính phù hợp thì sẽ góp phần tạo nên hệ sinh thái của nghiên cứu, phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Đơn cử, TP.Thủ Đức tương lai (gồm quận 2, 9 và Thủ Đức) là “TP sáng tạo, tương tác cao”, đây chính là nơi ứng dụng tốt nhất cho trí tuệ nhân tạo.
Bài toán nữa đặt ra là trong 2 năm tới, TP phải có một chương trình tăng tốc cơ bản hoàn thành số hóa tất cả số liệu của chính quyền, của từng ngành công nghiệp, làm cơ sở đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Chừng nào tài nguyên dữ liệu của TP, của các doanh nghiệp chưa số hóa thì sẽ không có sản phẩm, không có đầu vào để xử lý.
Theo Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Thiện Nhân, TP cũng cần quan tâm đến việc số hóa nhanh, chi phí thấp trên cơ sở phát huy kinh nghiệm và lợi thế từ các doanh nghiệp. Nên chăng việc số hóa ở từng lĩnh vực đặc thù thì hình thành một nhóm doanh nghiệp cùng lĩnh vực để cung cấp giải pháp dùng chung từ đó giảm chi phí.
Tại ngày hội, Hội đồng tư vấn Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020 – 2030” gồm 18 thành viên là các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu về trí tuệ nhân tạo trong và ngoài nước, do UBND TP quyết định thành lập đã ra mắt. Đồng thời diễn ra lễ trao giải Hội thi “Giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên địa bàn TP.HCM năm 2020”.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)