Số ca sốt phát ban dạng sởi trên địa bàn TP.HCM tuần sau luôn cao hơn tuần trước. Đặc biệt khi học sinh đã chính thức bước vào năm học mới thì nguy cơ dịch bùng phát càng đáng quan ngại. Theo đó, UBND TP đã chỉ đạo thực hiện phòng, chống dịch sởi với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, tập trung rà soát và tiêm chủng vắc-xin, giám sát trẻ em có biểu hiện sốt ở trường học.
Tỷ lệ tiêm chủng nhiều nơi đạt 100%
Báo cáo về công tác phòng, chống dịch sởi tại cuộc họp của UBND TP với các sở ban ngành, quận, huyện và TP.Thủ Đức, ông Nguyễn Hồng Tâm – Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM – cho biết, trong giai đoạn từ 2021-2023, cả TP chỉ ghi nhận 1 trường hợp mắc sởi; từ đầu năm 2024 đến ngày 22-5 không ghi nhận ca mắc sởi nào. Tuy nhiên, từ ngày 23-5 đến ngày 4-9, trên địa bàn TP ghi nhận 541 trường hợp mắc sởi, trong đó có 3 ca tử vong. Đáng lưu ý, 74% trẻ mắc sởi đều chưa được tiêm chủng vắc-xin sởi dù đã đủ tuổi.
Số trẻ mắc sởi xuất hiện ở 22 quận, huyện và TP.Thủ Đức; chủ yếu tập trung phía Tây Nam, trong đó huyện Bình Chánh – 136 ca và quận Bình Tân – 123 ca…
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM đã tổ chức chiến dịch tiêm chủng vắc-xin với mục tiêu tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh sởi trong cộng đồng, chủ động phòng dịch, giảm tỷ lệ tử vong do sởi.
Kết quả, từ ngày 31-8 đến 4-9, các cơ sở y tế đã tiến hành tiêm được hơn 16.000 mũi. Đến nay trên địa bàn TP có 4 quận/ huyện đạt tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin sởi trên 100%, 2 quận/ huyện đạt 80-100%, các quận/ huyện còn lại đạt dưới 80%.
Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đề nghị UBND các quận/ huyện, TP.Thủ Đức xây dựng kế hoạch triển khai tiêm vắc-xin sởi cho trẻ từ 1-10 tuổi. Đồng thời ưu tiên rà soát tại nơi biến động dân cư, cơ sở trợ giúp xã hội, triển khai nhiều điểm tiêm để đẩy nhanh tiến độ, tăng khả năng tiếp cận của người dân.
Về việc tiêm chủng vắc-xin cho trẻ, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Thị Diệu Thúy đề nghị tập trung cao độ nhất cho nhóm trẻ từ 1-10 tuổi. Trong đó, ngành giáo dục chỉ đạo các nhóm trẻ, trường mầm non, tiểu học; với trẻ không đi học, chưa đến tuổi đi học thì lực lượng địa bàn phải thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện nhiệm vụ một cách nhanh chóng, thường xuyên tổ chức giao ban, đi kiểm tra địa bàn xuất hiện dịch sởi, đặc biệt là 4 quận/ huyện có nhiều ca mắc.
Giám sát trẻ em có biểu hiện sốt ở trường học
Tại buổi họp, TS.BS Nguyễn Vũ Thượng – Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM – cho rằng, hiện nay có 6 quận, huyện vùng ven (Bình Chánh, Bình Tân, Hóc Môn, quận 12, quận 7 và TP.Thủ Đức) có số ca sởi chiếm 73% trong tổng số ca sởi của TP. Theo đó cần ưu tiên tập trung nguồn lực giải quyết những điểm nóng trước, nơi có di biến động dân cư cao để hạn chế tốc độ lây lan của dịch sởi.
Phụ huynh tích cực hưởng ứng chiến dịch tiêm vắc-xin sởi
Thực hiện chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi, TP.HCM trích ngân sách TP mua 300.000 liều vắc-xin sởi – rubella (MR). Theo đó, giai đoạn 1 của chiến dịch bắt đầu từ ngày 31-8 và kéo dài trong 1 tháng. Ở giai đoạn 1, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi xuyên suốt kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đồng loạt triển khai tại 310 trạm y tế xã, phường, thị trấn và các bệnh viện nhi trên địa bàn TP. Chiến dịch tiêm đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo phụ huynh có con trong độ tuổi tiêm chiến dịch. Đưa con đi tiêm vắc-xin sởi tại Trạm y tế phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, chị Nguyễn Thị Mộng Nghi chia sẻ: “Con trai tôi đã tiêm mũi 1 nay đưa đi tiêm mũi 2. Tiêm đủ 2 mũi sẽ giúp con có miễn dịch đầy đủ, không bị bệnh sởi”. Cũng đưa cháu đến Trạm y tế phường Tân Tạo A, quận Bình Tân tiêm vắc-xin sởi, bà Nguyễn Thị Minh – cho biết: “Hôm nay cha mẹ bé bận đi làm nên nhờ tôi là người giúp việc đưa bé đi tiêm. Lần này bé tiêm mũi 2. Phải tiêm đầy đủ thì mới đảm bảo phòng ngừa được bệnh sởi…”. Ngày 5-9, đưa con gái 3 tuổi đến Trạm y tế phường Bến Thành, quận 1 tiêm vắc-xin sởi, chị Trần Thị Phượng Vỹ – cho biết, con chị đã tiêm đủ 2 mũi vắc-xin nhưng năm nay cháu đi học trường mầm non nên gia đình đưa bé đi tiêm thêm mũi 3 để có sức đề kháng cao hơn đối với bệnh sởi. |
“Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, người tiếp xúc với ca sởi được tiêm vắc-xin trong vòng ba ngày khả năng mắc sởi sẽ ít đi. Nếu mắc sởi thì bệnh sẽ nhẹ hơn và ít bị biến chứng; hơn thế triệu chứng nhẹ sẽ ít lây lan bệnh cho người khác. Với phương châm đó, chúng ta đánh vào các điểm nóng, ưu tiên giải quyết trước nhằm hạn chế tốc độ lây lan dịch sởi”, BS Thượng nhấn mạnh.
Cũng theo BS Thượng, cần khẩn trương rà soát toàn bộ nhóm di biến động dân cư để tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh. Còn phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” không phải là vấn đề truyền thông mà đó là nhiệm vụ của chính quyền sở tại (gồm cộng tác viên y tế và những người khác…) rà soát các đối tượng mới thực hiện tốt việc tiêm chủng.
Đặc biệt, hiện nay học sinh đã đi học trở lại nên những lớp có học sinh nghỉ học cần phải lưu ý để xem có phải mắc sởi hay không. Những trường có trẻ mắc sởi cần ưu tiên tiêm vắc-xin trước nhằm tránh lây lan cho gia đình và cộng đồng.
Trần Hướng
Bình luận (0)