Ngày 6.9, sau bài báo Ổ vi trùng từ bồn nước trên Báo Thanh Niên số ra cùng ngày, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP.HCM nhìn nhận việc sử dụng bồn, bể chứa nước để sinh hoạt nhưng công tác vệ sinh không đảm bảo khiến nguồn nước bị nhiễm khuẩn hàng loạt gây nguy cơ dịch bệnh trong dân cư, là một thực tế đáng báo động.
Dù được xúc xả nhưng nước trong bể chứa tại chung cư An Sương (Q.12) vẫn nhanh chóng bẩn trở lại. ẢNH: HẢI NAM
Theo ông Khoa, TP chỉ đạo các sở ngành, đơn vị liên quan phối hợp tổng rà soát chất lượng nguồn nước máy sinh hoạt trên toàn địa bàn TP.
Đối với đơn vị cấp nước phải có trách nhiệm xây dựng trạm tăng áp, châm bổ sung clo trên mạng lưới đường ống cấp nước nhằm đảm bảo áp lực nước đến hộ dân và hàm lượng clo dư ổn định từ đầu đến cuối đường ống; cải tạo, nâng cấp đường ống và thường xuyên xúc xả.
Đối với UBND các quận, huyện phải quan tâm đặc biệt đến chất lượng nước sinh hoạt của người dân, đặc biệt là ở các khu chung cư cũ, xuống cấp. Trung tâm y tế dự phòng TP ngoài nhiệm vụ kiểm tra, báo cáo các cơ quan chất lượng nước thường xuyên thì cũng sẽ đề xuất UBND quận, huyện phạt các chung cư có nguồn nước cung cấp cho người dân không đạt tiêu chuẩn.
|
Bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho rằng đây là vấn đề rất hệ trọng đối với sức khỏe nhưng thực tế nhiều người vẫn giữ thói quen sử dụng nước máy sinh hoạt tích trữ lâu ngày trong bồn chứa, bể chứa, thậm chí chưa quan tâm đến tình trạng nước đó bị nhiễm khuẩn.
Theo bác sĩ Nhân, việc xử phạt vi phạm quy định vệ sinh về nước thực hiện theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ, trong đó phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với hành vi thực hiện việc cung cấp nước ăn uống, nước sinh hoạt có công suất dưới 1.000 m3/ngày đêm đối với một trong các hành vi: không thực hiện quy định về kiểm tra, theo dõi chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, nước sinh hoạt…
Tuy nhiên, thực tế rất khó áp dụng, bởi lẽ hộ dân sử dụng nguồn nước cho chính gia đình mình thì không bị chế tài theo quy định này, trong khi đa phần các chung cư hoạt động theo mô hình “tự quản”, không có chủ sở hữu nên không biết phạt ai. Các chung cư có ban quản trị thì họ được bầu ra để phụ trách chung, chứ cũng không thể phạt họ nếu nước trong bể chứa không đảm bảo vệ sinh. Vì vậy, theo bác sĩ Nhân, cách tốt nhất là mỗi gia đình nên tự biết cách bảo vệ nguồn nước sạch nhằm đảm bảo sức khỏe cho chính gia đình mình.
Hạn chế sử dụng nước để dành
Trong khi đó, TS Hồ Long Phi, Giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu ĐH Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng lượng clo dư trong nước sau 24 giờ sẽ bốc hơi hết nên phát sinh các loại vi khuẩn gây bệnh. Nếu như không gắn thiết bị khử trùng tại bồn chứa, bể chứa hoặc tại vòi, thì lượng nước để đảm bảo tiêu chuẩn nên sử dụng trong 2 – 3 ngày là tối đa.
“Với hộ gia đình nên sử dụng lượng nước mới, nước trữ trong bồn chỉ dự phòng, sử dụng khi thật sự cần thiết. Với bể chứa tại các chung cư, ban quản lý phải có trách nhiệm vệ sinh sạch sẽ, nạp nước mới liên tục để tránh nhiễm khuẩn”, TS Phi khuyến cáo.
Theo ông Bùi Thanh Giang, Phó tổng giám đốc Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO), đối với các hộ dân có sử dụng các bồn, bể chứa nước mà không được bảo quản tốt làm phát sinh vi khuẩn, thì nên đun sôi nước để sử dụng.
“SAWACO đã phối hợp với một số ban quản lý chung cư của TP để đánh giá lại hệ thống cung cấp nước tại các khu chung cư, đồng thời xây dựng các sổ tay hướng dẫn vận hành hệ thống nước của chung cư, bên cạnh đó cũng đề nghị các chung cư nên trang bị hệ thống châm clo bổ sung trong hệ thống để tránh tái nhiễm vi sinh”, ông Giang cho biết thêm.
Tân Phú/TNO
Bình luận (0)