Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

TP.HCM: Trên 84% trẻ trong độ tuổi đã được tiêm vắc-xin phòng sởi  

Tạp Chí Giáo Dục

 

Tính đến nay, ước tính TP.HCM đã “phủ” vắc-xin phòng sởi cho trên 84% trẻ trong độ tuổi tiêm chủng. Riêng trong kỳ nghỉ lễ 29, đã có thêm 12.000 trẻ được tiêm vắc-xin sởi.

Trong kỷ nghỉ lễ 2-9, thêm 12.000 trẻ trong độ tuổi đã được tiêm vắc-xin sởi

Sáng 4-9, Sở GD-ĐT TP.HCM đã phối hợp với Sở Y tế TP.HCM triển khai tập huấn công tác tổ chức điểm tiêm chủng vắc-xin phòng chống dịch sởi tại các cơ sở giáo dục.

Chương trình tập huấn được kết nối đến 180 điểm cầu, kết nối đến tất cả các các cơ sở giáo dục từ mầm non, tiểu học trên toàn thành phố.

12.000 trẻ được tiêm trong kỳ nghỉ lễ 29

Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, chiến dịch tiêm vắc-xin phòng sởi cho trẻ đã được ngành y tế phối hợp cùng ngành giáo dục triển khai từ cuối tuần qua, thực hiện xuyên kỳ nghỉ lễ 2-9. Trong kỳ nghỉ lễ, có thêm 12.000 trẻ trong lứa tuổi từ mầm non, tiểu học đã được tiêm vắc-xin phòng sởi.

Trước đó, khi chiến dịch tiêm phòng sởi chưa diễn ra thì tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tại TP.HCM đã được tiêm phòng sởi là 79%, còn khoảng 50.000 trẻ chưa tiêm. Đến nay, khi chiến dịch tiêm phòng diễn ra, với hơn 12.000 trẻ được tiêm thêm thì ước tính tỷ lệ trẻ được tiêm vắc-xin sởi khoảng trên 84%; số trẻ chưa tiêm vắc-xin phòng sởi trên toàn thành phố là khoảng 35.000 trẻ.

Ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, ngay sau ngày khai giảng năm học mới 5-9, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học sẽ tiếp tục rà soát, phối hợp với ngành y tế địa phương, trạm y tế để triển khai chiến dịch tiêm phòng sởi cho trẻ. Việc tiêm chủng tại trường hay tiêm tại các cơ sở y tế là tùy vào tình hình thực tế của từng trường, địa phương” – ông Dũng nói.

Nhằm phát hiện sớm các trường hợp bệnh sởi, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan diện rộng trong trường học trong năm học mới, ông Dương Trí Dũng yêu cầu các cơ sở giáo dục khẩn trương triển khai các biện pháp tăng cường phòng, chống dịch bệnh sởi trong cơ sở giáo dục theo đúng hướng dẫn của ngành y tế.

Ngay sau khai giảng năm học mới, chiến dịch tiêm phòng sởi sẽ diễn ra tại các cơ sở giáo dục tùy điều kiện

Phối hợp chặt chẽ với trạm y tế phường, xã, thị trấn trong phòng, chống bệnh truyền nhiễm trong trường học. Chú trọng công tác phát hiện sớm ca bệnh tại các nhóm trẻ và trường mầm non. Thông tin ngay đến trạm y tế phường, xã, thị trấn giám sát khi có ca bệnh.

Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

“Các trường trong vào ngoài công lập tiếp tục phối hợp với ngành y tế trong công tác quản lý, rà soát tiền sử tiêm chủng của trẻ, học sinh; phối hợp tổ chức các chiến dịch tiêm vắc-xin tại trường học” – ông Dũng nói.

Đặc biệt chú trọng truyền thông đến học sinh, phụ huynh biết về đường lây truyền các bệnh truyền nhiễm và lợi ích của tiêm chủng phòng bệnh sởi, các vắc-xin phòng bệnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng để phụ huynh đồng thuận tham gia. “Trong công tác phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục, lực lượng y tế trường học chưa đủ để có thể bao trùm trong mọi hoạt động. Do đó, mong muốn sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, nhiều hơn nữa của ngành y tế, trong việc xác định đối tượng trẻ cần tiêm…” – ông Dương Trí Dũng nhấn mạnh.

Ngay sau khai giảng sẽ triển khai chiến dịch tiêm phòng tại trường

Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng, chống dịch sởi trên địa bàn TP.HCM năm 2024, ngành y tế đặt mục tiêu đạt tỷ lệ 95% người thuộc nhóm đối tượng tiêm chủng trong chiến dịch được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng bệnh sởi trên quy mô phường, xã, thị trấn; đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong đó, chiến dịch tiêm được chia làm 2 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Trẻ từ 1-5 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin sởi đang sinh sống và học tập tại TP.HCM (bao gồm trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao).

Trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao (từ 6-16 tuổi) chưa được tiêm đủ mũi đang được được quản lý, điều trị tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thành phố.

Nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi nhưng chưa được tiêm đủ mũi; Nhân viên y tế, người làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có nguy cơ tiếp xúc người mắc sởi nhưng chưa được tiêm đủ mũi.

Chiến dịch tiêm bắt đầu từ ngày 31-8-2024 đến ngày 30-9-2024. Tại các cơ sở giáo dục bắt đầu tiêm ngay sau khi nhận vắc-xin và khi học sinh đi học trở lại (từ ngày 5-9).

Giai đoạn 2: Trẻ từ 6-10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi vắc-xin sởi theo quy định. Tiếp tục tiêm cho những đối tượng còn sót lại ở giai đoạn 1 chưa được tiêm.

Chiến dịch tiêm từ ngày 1 đến 31-10-2024. Tiến độ có thể thay đổi tùy theo tình hình cung ứng vắc-xin và tình hình dịch sởi trên địa bàn thành phố.

Theo Sở Y tế TP.HCM, riêng đối với những trẻ đã tiêm đủ 2 mũi thì nhà trường yêu cầu phụ huynh cung cấp bằng chứng được tiêm thể hiện trên phiếu/sổ tiêm chủng/hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia được cập nhật lên Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng quốc gia.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)