Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

TP.HCM: Trên 95% học sinh tham gia học trực tuyến

Tạp Chí Giáo Dục

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến toàn thành phố ở các bậc học tiểu học, THCS, THPT lần lượt là 95,43%; 97,12%; 99,07%.


Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu báo cáo tại Hội nghị

“Đến giờ này, việc vận hành hệ thống dạy và học trực tuyến của thành phố cũng như chăm lo cho học sinh không có đủ điều kiện học tập trên internet về cơ bản đã khắc phục được. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ học sinh chưa liên lạc được, do các em về quê, phụ huynh học sinh không thể liên lạc được. Con số này dù không nhiều nhưng cũng rất đáng lo, không biết các em có tiếp tục học tập ở quê hay không”, ông Hiếu băn khoăn

Báo cáo này được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nêu ra tại hội nghị giao ban lãnh đạo Bộ GD-ĐT với Sở GD-ĐT 63 tỉnh thành phố về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022 chiều 20-9.

Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu đánh giá, điều kiện daỵ và học của TP.HCM trong năm học này hết sức khó khăn, khắc nghiệt do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Năm học mới bắt đầu, còn một bộ phận giáo viên đang tham gia phòng chống dịch; nhiều học sinh là F0; nhiều em có cha, mẹ mất trong dịch, ảnh hưởng đến yếu tố tinh thần, điều kiện học tập trên môi trường internet.

Giáo dục thành phố triển khai năm học mới từ ngày 6-9 với bậc trung học và từ ngày 20-9 với bậc tiểu học sau thời gian làm quen, bắt nhịp. Theo thống kê, tỷ lệ học sinh tham gia học trực tuyến ở các bậc học tiểu học, THCS, THPT lần lượt là 95,43%; 97,12%; 99,07%. Trong đó, riêng ở bậc tiểu học, số học sinh đang ở quê là 31.269 học sinh. Bao gồm 5.141 học sinh học tạm ở quê và 26.128 học sinh vẫn tham gia học trực tuyến.

Cũng theo lãnh đạo Sở GD-ĐT TP, giai đoạn đầu, toàn thành phố có hơn 70 ngàn học sinh phổ thông không đủ thiết bị, thiếu đường truyền học tập trên interet. Tuy nhiên, qua các cuộc vận động, bằng nhiều sáng tạo của các nhà trường, con số đã giảm dần theo từng tuần, hiện còn 42 ngàn học sinh thiếu thiết bị học tập.

“Sở đang có kế hoạch tiếp nhận hỗ trợ từ nhiều nguồn. Sở Thông tin và Truyền thông TP cũng cam kết hỗ trợ kêu gọi 100 ngàn thiết bị học tập cho học sinh. Nếu đúng tiến độ, đến giữa tháng 10, học sinh toàn thành phố sẽ có đủ thiết bị học tập trên môi trường internet. Lãnh đạo thành phố dành nhiều quan tâm cho học sinh mồ côi, học sinh khó khăn có điều kiện học tập trong năm học mới. Sở LĐ-TB&XH TP.HCM cũng đã có kế hoạch chăm lo cho các em đầy đủ theo quy định của Chính phủ”, ông Hiếu thông tin.

Từ kinh nghiệm ứng phó với dịch trong năm học trước, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, năm nay thành phố đã sáng tạo, linh hoạt xây dựng nhiều giải pháp, phương án hỗ trợ học sinh nằm trong khu vực cách ly, phong toả, học sinh không có điều kiện học trực tuyến tiếp cận với kiến thức năm học mới.

Cụ thể, Sở đã xây dựng hệ thống tình nguyện viên ở tất cả các bậc học mầm non, phổ thông cho đến hệ thống điều phối viên là cán bộ chuyên trách phổ cập tại các phường, xã, phụ trách giao tài liệu, phiếu học tập cho học sinh ngay cả ở khu vực cách ly, phong toả. “Giải pháp này đã được vận hành trong 2 tuần qua và đã đi vào ổn định”, lãnh đạo Sở khẳng định.


Trên 95% học sinh TP.HCM tham gia học trực tuyến

Với chương trình lớp 1, 2, 6, Sở đã phối hợp với Đài Truyền hình thành phố thực hiện ghi hình, hỗ trợ thêm kho học liệu cho giáo viên, đồng thời đầu tư xây dựng kho học liệu mới để phù hợp với chương trình GDPT 2018. Ở các khối lớp khác, giáoviên tiếp tục sử dụng kho học liệu đã được ngành giáo dục thành phố xây dựng từ năm học trước.

Trong đó, lớp 1, 2, thành phố chú trọng khai thác nội dung dạy học trên truyền hình, video clip đã ghi hình; Không thực hiện kiểm tra, đánh giá định kỳ trong thời gian này. Khi học sinh đi học lại sẽ tổ chức ôn tập trước khi kiểm tra, đánh giá định kỳ.

Từ lớp 3- lớp 5, tổ chức dạy học trên môi trường internet là chủ đạo, dạy học trên truyền hình và video đã ghi hình là bổ trợ, ưu tiên các khối lớp cuối cấp.

Từ thực tế triển khai hoạt động dạy học trực tuyến, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu kiến nghị Bộ GD-ĐT, Bộ Thông tin – Truyền thông cùng các doanh nghiệp sớm xây dựng hệ thống hỗ trợ học tập trực tuyến với hạ tầng máy chủ mạnh tại Việt Nam, giúp hoạt động dạy học trực tuyến ít gặp các trở ngại kỹ thuật như hiện nay.

Đồng thời, kiến nghị Cục Nhà giáo sớm có văn bản hướng dẫn chế độ giáo viên dạy học trên internet thay cho văn bản 1366 đã áp dụng trong năm học 2020-2021 để phù hợp với tình hình dạy học trực tuyến trong bối cảnh hiện nay.

Yến Hoa

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)